Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Syria: Bước ngoặt lịch sử sau 45 năm cô lập?

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt Syria, quan chức và người dân Syria cùng thể hiện niềm vui, sự hào hứng và hy vọng một tương lai khởi sắc cho đất nước.

Vào ngày 13-5, tại Saudi Arabia trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ dỡ bỏ trừng phạt mà mỹ đã áp đặt lên Syria kể từ hơn 45 năm trước cho đến nay.

Sau tuyên bố trên từ ông Trump, người dân Syria đã đổ ra đường ăn mừng cho một tương lai tươi sáng hơn, theo đài CNN.

Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmad al-Sharaa cho biết Syria rất cảm kích sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước Trung Đông, sẵn sàng chào đón những người xa xứ và các nhà đầu tư quay lại đất nước từng bị nhấn chìm trong nội chiến, theo hãng thông tấn SANA.

“Syria sẽ là vùng đất của hòa bình và hợp tác, và sẽ là bạn với những người nguyện ý giúp đỡ chúng tôi. Syria sẽ không còn là vũ đài tranh giành quyền lực cho ngoại quốc. Syria thuộc về mọi người dân Syria, dù cho họ đến từ dân tộc hay giáo phái nào” - ông Sharaa phát biểu.

 Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa phát biểu trước công chúng về thông báo dỡ bỏ trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: SANA

Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa phát biểu trước công chúng về thông báo dỡ bỏ trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: SANA

Hàng rào trừng phạt của Mỹ với Syria

Syria đã bị liệt vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố của Mỹ kể từ năm 1979, dẫn đến lệnh cấm vận vũ khí và hạn chế tài chính, bao gồm viện trợ nước ngoài. Lý do Washington đưa ra là sự hiện diện quân sự của Syria trong cuộc nội chiến của Lebanon. Tình báo Mỹ chỉ ra rằng Syria đã tài trợ cho một số nhóm vũ trang, trong đó bao gồm lực lượng Hezbollah.

Năm 2003, quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống George W. Bush đã thông qua Đạo luật Trách nhiệm Syria để phản ứng lại việc nước này tiếp tục tài trợ cho các nhóm vũ trang tại Lebanon, Iraq và những chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Lệnh trừng phạt nhằm vào hàng loạt quan chức Syria và phần lớn hàng xuất khẩu của Mỹ, nhưng Washington vẫn duy trì một số thương mại với quốc gia này.

Khi nội chiến Syria bùng phát vào năm 2011, Mỹ phong tỏa toàn diện mọi hoạt động thương mại với Syria, đồng thời liên tục bổ sung nhiều lệnh cấm mới lên quan chức và công ty tại Syria.

Vào năm 2019, Mỹ cáo buộc chính quyền Syria dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo đã phạm tội ác phi nhân loại. Cùng với đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Caesar - lệnh trừng phạt phổ quát đã chặt đứt hoàn toàn mọi hoạt động thương mại của quốc tế với đất nước này.

 Người dân Syria ăn mừng tại Quảng trường Umayyad của thủ đô Damascus sau quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 13-5. Ảnh: Abdulaziz Ketaz/AFP

Người dân Syria ăn mừng tại Quảng trường Umayyad của thủ đô Damascus sau quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 13-5. Ảnh: Abdulaziz Ketaz/AFP

Hàng rào trừng phạt của Mỹ và của nhiều quốc gia khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế và người dân Syria. Trừng phạt khiến Syria phải chịu nhiều đợt khủng hoảng trầm trọng về năng lượng, lương thực và thuốc thang. Trừng phạt cũng ngăn sự hỗ trợ từ các tổ chức nhân đạo tiếp cận quốc gia đang trải qua gần một thập niên nội chiến.

Sau khi nội chiến chấm dứt vào tháng 12-2024, chính quyền chuyển tiếp của Tổng thống al-Sharaa đã nhiều lần kêu gọi quốc tế dỡ bỏ trừng phạt, cho rằng việc trừng phạt đã không còn cần thiết và đang ngăn cản người dân Syria tái thiết đất nước.

Và giờ đây, chính quyền của Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ những lệnh trừng phạt này khỏi Syria, cho phép quốc tế hỗ trợ hơn 90% người dân Syria khỏi cảnh đói nghèo và tái thiết nền kinh tế vỡ nát của quốc gia này.

Người dân vui mừng, kỳ vọng tương lai tươi sáng

Sau tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt của Tổng thống Trump, trên các trang tin tức và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người dân Syria đổ ra đường reo mừng. Người dân chen kín mọi nẻo đường, tay cầm cờ Syria và cờ của Saudi Arabia để tung hô “Saudi Arabia muôn năm, Vua [Quốc vương Saudi Arabia] Salman muôn năm”.

Anh Osaid Basha - một người dân tại TP Homs (phía tây Syria) - chia sẻ với đài CNN rằng anh rất biết ơn Mỹ vì tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ đã “đánh dấu bước đầu phục hồi Syria về trạng thái trước đó, thậm chí tốt hơn”

“Là một người cách mạng Syria, mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là tái thiết đất nước. Và giờ đây chính quyền cũ đã bị quét sạch, chúng tôi cần tập trung phát triển đất nước” - anh Basha chia sẻ.

 Cờ Syria và cờ Saudi Arabia tung bay trong pháo hoa và sự reo hò của người dân. Ảnh: SANA

Cờ Syria và cờ Saudi Arabia tung bay trong pháo hoa và sự reo hò của người dân. Ảnh: SANA

Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Syria - ông Mohammad Nidal al-Shar đã rơi nước mắt trên đài truyền hình, cho rằng Syria đang “bước vào thời kỳ mới”.

“Syria đang chuẩn bị hồi sinh. Chúng ta đang tiến dần đến sự phục sinh cho nền kinh tế khi cộng đồng quốc tế đã mở cửa lại để chào đón chúng ta. Người Syria sẽ có thể tận hưởng sự an yên và thoải mái hiếm thấy” - ông al-Shar bày tỏ hy vọng.

Trưởng Cơ quan Kiểm soát Tài chính trung ương Syria - ông Waseem Al-Mansour cho rằng thông báo của ông Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt Syria là một bước ngoặt chiến lược và điểm khởi đầu mới cho sự tái thiết của nền kinh tế, mở ra cơ hội phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau, thu hút đầu tư quốc tế, và mang lại hy vọng và cơ hội cho người dân Syria.

Sau thông báo của ông Trump, nội tệ của Syria đã tăng đến 60%. Một khi không còn trừng phạt, Ngân hàng Syria có thể quay trở lại hệ thống thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài có thể tiến vào thị trường Syria và những người tị nạn có thể quay trở lại hỗ trợ kiến thiết đất nước.

Chuyên gia kinh tế người Syria - ông Karam Shaar cho biết việc dỡ bỏ một phần trừng phạt cho thấy Syria không còn là nước khủng bố, nhưng việc tái thiết nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào mức độ dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ.

“Trừ phi [Washington] có thể lột bỏ phần nhiều các lệnh cấm, chúng ta không thể kỳ vọng quá nhiều về sự phát triển tích cực của Syria. Nếu [Washington] chỉ dỡ bỏ phần bề mặt của lệnh trừng phạt thì sẽ không tác động gì mấy lên nền kinh tế của Syria” - theo ông Shaar.

Ngoại trưởng Mỹ nói về chuyện dỡ trừng phạt Syria

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 15-5 nói rằng Tổng thống Trump có ý định cấp miễn trừ theo "Đạo luật Caesar".

“Đó là điều mà tổng thống dự định thực hiện. Những quyền miễn trừ này phải được gia hạn sau 180 ngày. Cuối cùng, nếu đạt được đủ tiến triển, chúng tôi muốn thấy đạo luật bị bãi bỏ, vì sẽ rất khó để thu hút nhà đầu tư vào một quốc gia khi các lệnh trừng phạt có thể quay trở lại sau 6 tháng” - ông Rubio nói.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết người đồng cấp Syria đã có mặt tại Washington 2 tuần trước và công tác chuẩn bị liên quan các lệnh trừng phạt Syria đã được tiến hành, phần lớn trong số đó là theo luật định theo Đạo luật Caesar.

Ngày 15-5, Bộ Tài chính Mỹ đăng trên mạng xã hội X rằng cơ quan này đang làm việc với Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ để thực hiện quyết định của ông Trump.

Tuy nhiên, việc dỡ bỏ hàng rào trừng phạt của Washington áp lên Syria không đơn giản. Nhiều chuyên gia cho rằng việc xác định thời gian và quá trình dỡ bỏ một hàng rào trừng phạt toàn diện như của Mỹ lên Syria vẫn còn rất “mơ hồ”.

Tổng thống Trump có thể tạm dỡ bỏ một số hạn chế của hàng rào trừng phạt này để các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào Syria, nhưng để dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, ông Trump cần phải thuyết phục được quốc hội Mỹ.

Washington có thể sẽ thiết lập một lộ trình tiến đến dỡ bỏ hoàn toàn mọi trừng phạt với Syria theo như 4 điều kiện mà Mỹ đã đưa ra vào tháng 3-2025. 4 điều kiện gồm: phá hủy các cơ sở buôn bán vũ khí hóa học thuộc chế độ cũ ở Syria; tham gia hợp tác chống khủng bố với Mỹ; đảm bảo chính quyền mới ở Syria không có sự tham gia của thế lực ngoại quốc; thành lập văn phòng đại diện của Syria tại thủ đô Washington D.C.

Tổng thống Trump cũng có thể sẽ yêu cầu Syria bình thường hóa quan hệ với Israel - khi giữa hai quốc gia đang còn tranh chấp vùng đệm tại cao nguyên Golan.

Đến ngày 14-5, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết Tổng thống Trump cũng kêu gọi Syria thực hiện 5 điều kiện khi thông báo dỡ trừng phạt. Các điều kiện bao gồm: Ký tham gia các Hiệp định Abraham với Israel; Yêu cầu tất cả các phần tử khủng bố nước ngoài rời khỏi Syria; Trục xuất "các phần tử khủng bố Palestine"; Hỗ trợ Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS); Tiếp nhận quản lý các trung tâm giam giữ IS ở đông bắc Syria.

MINH CHIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-do-bo-trung-phat-syria-buoc-ngoat-lich-su-sau-45-nam-co-lap-post850076.html
Zalo