Chính sách nhập cư và quốc tịch Mỹ: Từ quá khứ rộng mở và sự thắt chặt dưới thời Tổng thống Trump 2.0

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump đánh dấu một sự thay đổi đáng kể về chính sách nhập cư với những động thái ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Chính sách nhập cư luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người nước ngoài tại Mỹ. (Nguồn: Washingtonpost)

Chính sách nhập cư luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người nước ngoài tại Mỹ. (Nguồn: Washingtonpost)

Các chính sách về nhập cư và quốc tịch của luôn là một trong những vấn đề cốt lõi, phức tạp và gây nhiều tranh cãi trong lịch sử chính trị Mỹ. Từ những ngày đầu lập quốc tới nay, nước Mỹ chứng kiến nhiều sự thay đổi liên quan tới các chính sách này nhằm phản ánh sự biến động trong kinh tế, xã hội, an ninh và bản sắc của quốc gia này.

Hiến pháp Mỹ trao Quốc hội quyền thiết lập một bản quy tắc về nhập tịch thống nhất, nhưng việc diễn giải và thực thi quyền lực này đã tạo ra một bức tranh với nhiều chính sách đa dạng và thường xuyên mâu thuẫn xuyên suốt quá trình phát triển của Mỹ. Gần đây, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump đánh dấu một sự thay đổi đáng kể theo hướng hạn chế và siết chặt kiểm soát nhập cư, với những chính sách gây nhiều ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng với số lượng du học sinh tại Mỹ đạt top 5 thế giới, cùng một cộng đồng Việt kiều đông đảo tại đây.

Từ khung pháp lý đầu tiên

Lịch sử chính sách nhập cư và quốc tịch của Mỹ có nền tảng pháp lý lâu đời, khởi nguồn từ Hiến pháp năm 1787 và tiếp tục được phát triển thông qua nhiều đạo luật liên bang. Hiến pháp trao quyền cho Quốc hội thiết lập một bản quy tắc thống nhất về nhập tịch, từ đó trở thành khung pháp lý đầu tiên cho vấn đề quốc tịch Mỹ - Đạo luật Nhập tịch năm 1790. Đạo luật này là nền tảng ban đầu, ở đó giới hạn cho phép “những người da trắng tự do” có phẩm chất đạo đức tốt và đã cư trú tại Mỹ ít nhất hai năm được nhập tịch Mỹ.

Ngay từ đầu, sự phân biệt chủng tộc có thể được thấy khá rõ ràng và được phát triển trong thế kỷ XIX và XX, trong thời điểm làn sóng người nhập cư từ châu Âu gia tăng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa của Mỹ. Năm 1882, Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc (Chinese Exclusion Act) trở thành đạo luật đầu tiên ngăn chặn một nhóm dân tộc cụ thể nhập cư vào Mỹ, với mục tiêu nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động bản xứ và thể hiện các định kiến chủng tộc thời bấy giờ.

Tới đầu thế kỷ XX, hạn ngạch quốc gia liên quan tới người nhập cư được thắt chặt hơn nữa, với Đạo luật nhập cư năm 1924 (Immigration Act of 1924), có tên gọi khác là Đạo luật Johnson-Reed được thông qua. Đạo luật này ưu tiên người Bắc và Tây Âu, hạn chế người từ Nam và Đông Âu, và gần như cấm hoàn toàn người châu Á. Đạo luật này cũng có thể cho thấy mối quan tâm mới của Mỹ bấy giờ, chính là ý thức hệ, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng sâu sắc của Liên Xô.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, những thay đổi mang tính nhân đạo hơn đã được thể hiện tại Đạo luật nhập cư và quốc tịch năm 1965 (Immigration and Nationality Act of 1965, hay Đạo luật Hart-Celler), bãi bỏ hệ thống hạn ngạch quốc gia phân biệt đối xử, đồng thời thiết lập một hệ thống ưu tiên dựa trên đoàn tụ gia đình và kỹ năng nghề nghiệp. Đạo luật được thiết lập nhằm tạo ra một hệ thống quốc tịch công bằng hơn, bên cạnh đó đề cao mục tiêu phát triển kinh tế với mối quan tâm nhiều hơn tới chuyên môn và kỹ năng của người nhập cư.

Đạo luật này thúc đẩy một lượng lớn người nhập cư từ các khu vực khác ngoài châu Âu như người châu Á và Mỹ Latinh, tạo ra một bức tranh dân cư mới cho nước Mỹ. Tuy vậy, đến thập niên 1990 và sau sự kiện khủng bố 11/9, xu hướng kiểm soát nhập cư gia tăng rõ rệt. Đạo luật Cải cách nhập cư bất hợp pháp và Trách nhiệm người nhập cư năm 1996 (Illegal Immigration Reform and Immigrant Responsibility Act of 1996) và Đạo luật Patriot năm 2001 (USA Patriot Act) gia tăng quyền lực cho cơ quan hành pháp trong việc trục xuất, từ chối nhập cư, và giám sát người nhập cư, đáp ứng nhu cầu về an ninh gia tăng tại Mỹ.

Ngoài ra, Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, được phê chuẩn năm 1868, đảm bảo quyền công dân dựa trên nơi sinh (birthright citizenship) cho hầu hết những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ, cũng là một nguyên tắc nền tảng, nhưng cũng trở thành vấn đề tranh cãi bởi các chính sách mới trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Có thể thấy, các chính sách trong quá khứ, như các chính sách phân biệt, hạn ngạch về chủng tộc, hay cả những mối lo ngại về an ninh, đã trở thành một trong những tiền lệ và nền tảng cho các nỗ lực hạn chế nhập cư và nhập tịch dưới thời tổng thống Donald Trump.

Những thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump

Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017 - 2021), Tổng thống Donald Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” đã ưu tiên việc siết chặt biên giới, hạn chế nhập cư cả hợp pháp và bất hợp pháp trong các chính sách nhập cư và quốc tịch của Mỹ.

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm thực hiện cam kết tranh cử. Sắc lệnh Hành pháp 13769, thường được gọi là “lệnh cấm đi lại”, ban hành vào tháng 1/2017, đã đình chỉ nhập cảnh đối với công dân từ bảy quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Dù vướng nhiều tranh cãi và thách thức pháp lý từ Tòa án Liên bang, chính sách này sau được sửa đổi và vẫn được Tòa án Tối cao phê chuẩn năm 2018. Chính sách này có sự tương đồng với Đạo luật loại trừ người Trung Quốc khi nhắm vào một quốc tịch cụ thể, tuy có sự khác biệt về mục tiêu là an ninh quốc gia.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tìm cách hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp thông qua xây dựng tường biên giới với Mexico, củng cố lập trường cứng rắn về an ninh biên giới cũng nhưng thể hiện một chính sách “không khoan nhượng” đối với các vấn đề này. Năm 2018, chính sách này thúc đẩy việc truy tố hình sự tất cả những người trưởng thành vượt biên trái phép và chia cắt nhiều gia đình, đồng thời vấp phải tranh cãi cả trong nước và quốc tế. Theo thống kê, hơn 2600 trẻ em đã bị tách khỏi gia đình vào thời điểm cao trào thực thi chính sách này.

Đối với nhập cư hợp pháp, chính quyền Tổng thống Trump cũng tạo ra những hạn chế, như việc thực hiện quy định về “gánh nặng xã hội” (public charge rule) gây khó khăn cho những người nhập cư có thu nhập thấp hoặc sử dụng trợ cấp công cộng trong việc xin thẻ xanh hoặc gia hạn thị thực. Chính sách này hướng tới việc giảm gánh nặng tài chính cho chính phủ Mỹ, nhưng lại ảnh hưởng nặng nề tới người nhập cư có thu nhập thấp như từ Mỹ Latinh và Đông Nam Á, đồng thời cũng giảm lượng người tị nạn được nhận vào Mỹ xuống mức kỷ lục.

Trong nhiệm kỳ thứ hai này (2025 - 2029), Tổng thống Donald Trump còn có chương trình nghị sự về vấn đề nhập cư và quốc tịch cứng rắn hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên. Chính quyền Trump 2.0 đề xuất sửa đổi Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh của trẻ em được sinh ra tại Mỹ nhằm loại trừ con của những người nhập cư không có giấy tờ. Chính sách này quy định, chỉ những đứa trẻ có ít nhất bố hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp tại Mỹ mới có quyền công dân Mỹ.

Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump cũng áp dụng các chính sách cứng rắn đối với người nhập cư không có quốc tịch Mỹ, ngay cả khi những người này đã sống hàng thập kỷ tại Mỹ, đã được tăng tốc thông qua hệ thống tòa di trú đặc biệt. Theo ước tính của Trung tâm Niskanen vào năm 2024, hơn 700.000 người có thể bị xem xét trục xuất do nhiều lý do khác nhau.

Các nhân viên Hải quan và Biên giới Mỹ giám sát những người nhập cư không có giấy tờ lên máy bay quân sự ở Arizona để rời Mỹ, tháng 2/2025. (Nguồn: Skynews)

Các nhân viên Hải quan và Biên giới Mỹ giám sát những người nhập cư không có giấy tờ lên máy bay quân sự ở Arizona để rời Mỹ, tháng 2/2025. (Nguồn: Skynews)

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất chương trình “Golden Citizenship”, với cơ hội cấp quốc tịch Mỹ cho những người nước ngoài có thể đầu tư 5 triệu USD trở lên vào quốc gia này. Chính sách này khá tương đồng với chương trình EB-5, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đủ điều kiện nhận “thẻ xanh” nếu họ đầu tư một số tiền đáng kể (1.050.000 USD hoặc 800.000 USD) tại các khu vực cần làm việc mục tiêu. Chính sách này cho thấy mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với kinh tế, đặc biệt khi đẩy cao yêu cầu về tài chính cũng như tạo điều kiện để thu hút đầu tư thông qua các chính sách về quốc tịch. Tuy vậy, sự nhấn mạnh vào yếu tố tài chính có thể dẫn tới sự thương mại hóa quyền công dân, nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng trong hệ thống nhập cư tại Mỹ.

Bên cạnh đó, vào ngày 9/5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã mở ra một cách khác trong vận dụng công cụ tài chính, khi ký một sắc lệnh hành pháp trong khuôn khổ sáng kiến “Dự án hồi hương”, khi chi trả tới 1000 USD cùng hỗ trợ về di chuyển cho những người nhập cư tự nguyện rời khỏi nước Mỹ. Diễn biến này cũng cho thấy tầm quan trọng và tính linh hoạt của các công cụ tài chính trong các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, đặc biệt ở chính sách nhập cư của Mỹ.

Triển vọng thời gian tới

Những chính sách mới về nhập cư và quốc tịch cho thấy sự suy yếu của nguyên lý bình đẳng trong quốc tịch, cũng như xu hướng chính trị của Tổng thống Donald Trump. Nhiều yếu tố trong nền chính trị Mỹ sẽ tiếp tục tác động đến các chính sách này, nhưng rõ ràng nhất có thể thấy, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục có lập trường cứng rắn trong vấn đề nhập cư và quốc tịch. Tuy vậy, chính sách sẽ được kiềm chế bởi sự phản đối của một nghị sĩ cũng như các chủ thể khác.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện có, cùng sự phân cực sâu sắc trong Quốc hội Mỹ, một chính sách hay một đạo luật thống nhất với quan điểm thắt chặt nhập cư và quốc tịch của Tổng thống Donald Trump sẽ khó được thông qua. Việc thực thi các chính sách này cũng sẽ vướng phải nhiều trở ngại, khi chính các bang vào tháng 1/2025 vừa qua đã kiện Tổng thống Trump vì sắc lệnh hạn chế quyền quốc tịch của trẻ em sinh ra tại Mỹ, từ chối thực hiện sắc lệnh này tại bang của mình.

Tuy vậy, các chính sách thắt chặt có thể vẫn sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực tới người nhập cư và nhập tịch Mỹ, như việc Cơ quan An sinh xã hội Mỹ gần đây đã liệt hơn 6.300 người nhập cư vào danh sách “khai tử”, vô hiệu hóa số an sinh xã hội và chính thức chấm dứt cuộc sống về mặt giấy tờ của những người này. Tổng thống Trump sẽ sử dụng nhiều công cụ khác ngoài luật pháp từ Quốc hội, mới đây là công cụ thuế làm đòn bẩy để đàm phán ngoại giao, đặc biệt là với hai quốc gia Canada và Mexico. Hai quốc gia với nền xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào Mỹ này đã được yêu cầu phải thắt chặt an ninh biên giới và nhập cư nếu có mong muốn thuế quan được giảm trong thương mại song phương.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể tận dụng mối quan tâm về an ninh đang nhận được sự đồng thuận lớn cả nền chính trị Mỹ, từ đó phát triển các chính sách nhập cư cực đoan hơn theo hướng đảm bảo an ninh quốc gia. Với quan điểm chính trị thực dụng của mình, Tổng thống Trump cũng có thể sẽ mở cửa cho công cụ tài chính trong lĩnh vực hành pháp, nâng cao khả năng cho một chính sách thương mại hóa quốc tịch tại Mỹ.

Có thể thấy, chính sách nhập cư và quốc tịch của Mỹ có một lịch sử phức tạp, với nhiều chính sách khác nhau, kể cả mở cửa và hạn chế đối với nhập cư vào Mỹ. Chính sách của thời kỳ Tổng thống Donald Trump là sự vận dụng những yếu tố từ lịch sử, kết hợp cùng với quan điểm chính trị thực dụng và sự ưu tiên đối với tài chính trong chính sách đối nội và đối ngoại.

Xu hướng chính được chỉ ra trong thời Tổng thống Trump 2.0 vẫn là thắt chặt các chính sách về nhập cư và quốc tịch và điều này tạo ra nhiều khó khăn và thách thức đối với nhiều người Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, người lao động và những thường trú nhân chưa có cơ sở hợp pháp tại quốc gia này. Sự thay đổi chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của thế giới, yêu cầu cần phải có sự theo dõi thường xuyên và đưa ra các đối sách thích hợp nhằm ứng phó với sự thay đổi của nền kinh tế, chính trị và quốc phòng hàng đầu này.

Lê Ngọc Hân - Đỗ Hồng Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-sach-nhap-cu-va-quoc-tich-my-tu-qua-khu-rong-mo-va-su-that-chat-duoi-thoi-tong-thong-trump-20-314602.html
Zalo