Iran lo lắng nhìn Syria chuyển hướng về phía Mỹ
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo lâm thời Syria Sharaa tại Riyadh không chỉ làm rúng động khu vực mà còn đẩy Iran vào thế khó khi nguy cơ mất đi một đồng minh chiến lược quan trọng ở Trung Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa (trái) tại cuộc gặp ở Riyadh, Saudi Arabia (Ảrập Xêút), ngày 14/5/2025. Ảnh: IRNA/TTXVN
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Riyadh đánh dấu bước ngoặt địa chính trị tại Trung Đông, khi Tehran đứng trước nguy cơ mất đi đồng minh chiến lược quan trọng, đài phát thanh châu Âu tự do (rferl.org) ngày 16/5 đưa tin.
Phản ứng trái chiều tại Iran
Trong khi các phương tiện truyền thông ôn hòa Iran tập trung đưa tin khách quan về cuộc gặp, báo chí cứng rắn đã không giấu được sự tức giận. Tasnim, cơ quan ngôn luận của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), cáo buộc Mỹ đang "chính thức hóa mối quan hệ với các nhóm Takfiri" - thuật ngữ Iran dùng để chỉ các nhóm chiến binh có liên hệ với quốc gia theo dòng Sunni trong khu vực.
Nhiều hãng truyền thông cứng rắn cũng nhấn mạnh rằng Hayat Tahrir al-Sham - tổ chức do ông Sharaa từng lãnh đạo trước khi lật đổ chính quyền Assad được Iran và Nga hậu thuẫn vào tháng 12/2024 - vẫn bị Mỹ liệt vào danh sách "tổ chức khủng bố".
Tổng thống Trump đã gặp ông Sharaa bên lề cuộc họp với lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, một ngày sau khi cam kết dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria.
Tổng thống Trump mô tả ông Sharaa là "một người hấp dẫn" có "quá khứ mạnh mẽ", đồng thời hối thúc nhà lãnh đạo lâm thời Syria bình thường hóa quan hệ với Israel như một trong năm điều kiện để thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Tổng thống Trump cho biết ông đã đưa ra quyết định này nhằm mục đích mang đến cho Syria "cơ hội để phát triển" khi nước này đang tìm cách tái thiết sau 14 năm nội chiến và tàn phá kinh tế.
Sự sụp đổ của chính quyền Assad vào cuối năm 2024 đã giáng đòn mạnh vào chiến lược khu vực của Iran. Kể từ đó, chính quyền mới của Syria đã nhanh chóng tách mình khỏi Tehran, tìm kiếm liên minh với các nước Arab láng giềng và làm ấm mối quan hệ với phương Tây.
Ông Sharaa đã được hầu hết các quốc gia Arab trong khu vực chào đón và tiếp đón nhiều phái đoàn quốc tế. Đầu tháng 5 này, ông đã đến Paris gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thể hiện rõ nỗ lực hội nhập trở lại.
Trong khi đó, chuyên gia Mina al-Lami cho biết những người theo chủ nghĩa thánh chiến và Hồi giáo cực đoan trong và ngoài Syria lo ngại ông Sharaa sẽ "bán rẻ" các chiến binh nước ngoài và bình thường hóa quan hệ với Israel.
Cơ hội cho Iran trong đàm phán hạt nhân?
Mặc dù ảnh hưởng của Iran tại Syria gần như sụp đổ sau sự tan rã của chính quyền Assad, Nga vẫn cố gắng thiết lập quan hệ với chính quyền mới và duy trì các căn cứ quân sự của mình tại quốc gia này.
Nicole Grajewski, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định: "Nga đã tận dụng thực tế là Syria vẫn bị trừng phạt và Mỹ cùng châu Âu đang chậm trễ trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt".
Chuyên gia trên cho rằng mặc dù quyết định dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump là "có ý nghĩa", nhưng nó "không mang tính chuyển đổi" vì Syria vẫn cần đầu tư lớn và còn nhiều vấn đề nội bộ phức tạp, bao gồm quan hệ với các nhóm thiểu số và tình trạng của người Kurd.
Về phía Iran, chuyên gia Grajewski nhận định: "Họ thiếu vốn kinh tế để hỗ trợ tái thiết và bị người Syria nhìn nhận tiêu cực hơn nhiều so với Nga".
Trong bối cảnh mất ảnh hưởng ở Syria, Iran đang tích cực tìm kiếm cơ hội đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Nhà bình luận chính trị Hossein Derakhshan tại Anh cho rằng Iran cần nắm bắt cơ hội hiếm có này: "Iran cần hiểu rằng cơ hội này sẽ không lặp lại và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chính và phụ đáng để đình chỉ hoạt động làm giàu uranium trong 25 năm, hoặc thậm chí lâu hơn!"
Trong chuyến công du khu vực tuần này, ông Trump cho biết Mỹ "đang tiến gần đến việc có thể đạt được thỏa thuận" với Iran. "Chúng tôi đang đàm phán rất nghiêm túc với Iran về hòa bình lâu dài", Tổng thống Trump nói.
Ali Shamkhani, trợ lý cấp cao của Lãnh tụ tối cao Iran, đã đề xuất trong cuộc phỏng vấn với NBC News rằng Tehran sẵn sàng cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân, chuyển giao uranium làm giàu cao và chỉ làm giàu uranium ở mức cần thiết cho mục đích dân sự nếu ông Trump đồng ý dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh trừng phạt.
Bên cạnh nỗ lực đàm phán với Mỹ, Iran cũng đang tìm cách thiết lập lại quan hệ với các cường quốc châu Âu. Iran và nhóm E3 gồm Anh, Pháp và Đức đã nhóm họp tại Istanbul vào ngày 16/5 để bàn về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt và các cam kết hạt nhân.