Cơ hội 90 ngày, Trung Quốc làm gì để lật ngược thế cờ trong cuộc đấu thuế quan?

Theo giới quan sát, Tổng thống Trump đã tiêu tốn vốn chính trị khi tạm thời lùi bước về thuế quan, nên Trung Quốc sẽ cần đưa ra những nhượng bộ giúp ông ít nhất có được một thắng lợi mang tính biểu tượng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh tư liệu: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh tư liệu: Xinhua

Washington và Bắc Kinh cuối cùng đã đạt được thỏa thuận tạm dừng leo thang trong cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng. Giới chức Mỹ và Trung Quốc thông báo trong tuần này tại Geneva rằng mức thuế Mỹ đánh lên hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm xuống 30%, trong khi Trung Quốc cũng giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ xuống còn 10%.

Tuy nhiên, theo trang Asia Times, trận chiến thực sự để định đoạt tương lai quan hệ Mỹ - Trung sẽ nằm ở các cuộc đàm phán diễn ra trong 90 ngày tới. Khi cả hai bên đang loay hoay tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, Trung Quốc vẫn có khả năng giành chiến thắng. Nhưng điều đó có thể sẽ phụ thuộc vào việc Tổng thống Donald Trump có coi những gì Bắc Kinh đưa ra là một chiến thắng cho chính ông hay không.

Thỏa thuận hạ nhiệt kéo dài 90 ngày, bắt đầu từ ngày 14/5, bao gồm một số nhượng bộ quan trọng và thể hiện thiện chí đàm phán từ cả hai phía.

Vào đầu tháng 4, mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã vọt lên 145%, trong khi Bắc Kinh cũng áp thuế 125% với hàng hóa nhập từ Mỹ. Các siêu thị Mỹ khi đó đã bắt đầu cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt hàng hóa.

Tổng thống Trump nhanh chóng tuyên bố đây là một chiến thắng lớn của mình, nhưng Trung Quốc cũng làm điều tương tự. Vậy đây có thực sự là chiến thắng cho bên nào? Cho đến nay, tiến triển duy nhất là việc hai bên quay trở lại mức thuế trước khi cuộc chiến leo thang vào tháng 4/2025.

Nhưng với Trung Quốc, việc giảm thuế lần này mang lại sự cứu trợ kinh tế cấp bách – dù chỉ là ngắn hạn – trong bối cảnh không ai rõ điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng tích cực ngay sau tuyên bố.

Trung Quốc đang cố gắng vực dậy nền kinh tế đang lao đao vì cuộc khủng hoảng bất động sản bắt đầu từ năm 2021. Do đó, Bắc Kinh cần thêm nhiều thắng lợi tương tự, khi họ nhận ra rằng các biện pháp kích thích tài khóa có thể không đủ sức chống lại cơn bão thuế quan.

Vậy Bắc Kinh cần làm gì để đảm bảo Mỹ giữ nguyên hoặc tiếp tục giảm thuế?

Trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu vào tháng 7/2018, mức thuế mà Washington và Bắc Kinh áp lên nhau tương đối thấp. Vào tháng 1/2018, Mỹ chỉ áp thuế 3,1% với hàng hóa Trung Quốc, trong khi Trung Quốc áp thuế 8% với hàng hóa Mỹ.

Mức thuế 10% mà Trung Quốc hiện đang áp lên hàng hóa Mỹ không chênh nhiều so với mức trước chiến tranh thương mại. Nhưng điều tương tự không thể nói với mức thuế 30% mà Mỹ vẫn đang áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Một chiến thắng lớn cho Trung Quốc là gì?

Với Bắc Kinh, chiến thắng lớn sẽ là quay trở lại mức thuế như trước chiến tranh thương mại, hoặc lý tưởng hơn là xóa bỏ hoàn toàn thuế quan. Nhưng cả hai kịch bản này đều khó xảy ra.

Rào cản lớn chính là nhu cầu "ghi điểm chính trị" của ông Trump. Đầu tháng 4 năm nay, Tổng thống Mỹ đã công kích dữ dội các quốc gia nước ngoài vì "cướp bóc, tàn phá và bóc lột nước Mỹ".

Để đối phó, Mỹ đã áp dụng mức thuế tối thiểu 10% với tất cả các nước xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Nếu Washington hạ thuế với hàng hóa Trung Quốc xuống dưới 10%, ông Trump sẽ bị kỳ vọng phải làm điều tương tự với phần còn lại của thế giới.

Ngay cả thỏa thuận 90 ngày với Trung Quốc cũng có thể bị coi là sự nhượng bộ của Tổng thống Trump, người đang chịu áp lực từ thị trường chứng khoán Mỹ và giới doanh nghiệp để hạ nhiệt cuộc chiến thuế. Nhưng nếu ông phải hạ thuế xuống dưới 10% cho toàn thế giới, thì đó sẽ là một "sự đầu hàng" còn lớn hơn nữa.

Điều này có thể làm tổn hại đến vốn chính trị của ông Trump và ảnh hưởng đến cơ hội của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026 – một viễn cảnh mà ông chắc chắn không muốn đối mặt.

Điều Trung Quốc kỳ vọng là Mỹ sẽ duy trì thuế ở mức khoảng 10%. Đây vẫn là một bước tiến rất lớn so với mức 145% từng được Nhà Trắng áp dụng hồi tháng 4. Nhưng để Washington "giữ thể diện" và tuyên bố đây là một chiến thắng đáng tin cậy, Bắc Kinh sẽ phải đưa ra cái gì đó để đánh đổi.

Những điểm nghẽn lớn

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là vấn đề fentanyl. Theo Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA), fentanyl – loại ma túy gây ra hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm tại Mỹ – chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc và Mexico.

Washington kỳ vọng Bắc Kinh sẽ làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn dòng chảy của fentanyl, cũng như các hóa chất dùng để sản xuất chúng, vào lãnh thổ Mỹ. Để gây áp lực, Mỹ đã áp mức thuế 30% lên Trung Quốc – cao hơn mức thuế sàn 10% áp dụng với các quốc gia khác.

Bắc Kinh có cách nhìn khác, cho rằng Washington đang thực hiện một chiến dịch bôi nhọ và "chuyển hướng đổ lỗi" cho Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh có một trong những hệ thống luật chống ma túy nghiêm khắc nhất thế giới.

Ông Trump coi vấn nạn fentanyl là một vấn đề an ninh quốc gia và cho rằng Trung Quốc cần có nhượng bộ rõ ràng trong việc kiểm soát nguồn ma túy này để Nhà Trắng có lý do chính đáng để hạ mức thuế 30% hiện nay.

Nhưng Trung Quốc vẫn còn những lá bài khác.

Theo Asia Times, là một phần trong thỏa thuận thương mại hiện tại, Trung Quốc đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản chiến lược sang Mỹ – điều đặc biệt quan trọng với Mỹ khi các nguyên liệu này thiết yếu cho sản xuất vũ khí tiên tiến.

Nếu Bắc Kinh đảm bảo được nguồn cung khoáng sản quan trọng cho Mỹ, đồng thời hỗ trợ ngành nông nghiệp Mỹ – một khu vực cử tri then chốt với ông Trump – thì chính quyền Mỹ nhiều khả năng sẽ không chỉ giảm thuế mà còn giữ thuế thấp trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ cũng sẽ không đặt toàn bộ cược vào ông Trump. Họ vẫn sẽ tìm cách gắn kết với Mỹ và giảm thuế quan xuống mức thấp nhất có thể, nhưng đồng thời cũng sẽ tính tới các lựa chọn thay thế.

Một trong số đó là tăng cường thương mại với các đối tác khu vực lớn khác như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – khối kinh tế thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực.

Asia Times cho rằng, cuối cùng, điều Trung Quốc cần nhất từ Washington là sự nhất quán về chính sách. Nếu không có điều đó, mọi kế hoạch phục hồi kinh tế của Bắc Kinh đều khó mà hiệu quả.

Nhưng giống như bất kỳ nhà đàm phán cứng rắn nào, Tổng thống Trump cũng khó có thể từ chối một thỏa thuận hời – nhất là khi bản thân nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với những vấn đề kinh tế riêng. Nếu Bắc Kinh có thể đưa ra một thỏa thuận "đẹp cả đôi đường", có giá trị biểu tượng với cả hai phía, thì chắc chắn ông Trump sẽ quan tâm.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/co-hoi-90-ngay-trung-quoc-lam-gi-de-lat-nguoc-the-co-trong-cuoc-dau-thue-quan-20250517192900121.htm
Zalo