Mỹ chốt lập trường về xung đột Ukraine, một loạt cường quốc châu Âu lập tức lên tiếng
Các cường quốc châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức, ngày 12-2 nhấn mạnh họ phải tham gia vào mọi cuộc đàm phán trong tương lai về số phận của Ukraine.
Đồng thời, Anh, Pháp và Đức khẳng định chỉ có thỏa thuận công bằng với các đảm bảo an ninh mới có thể đảm bảo được hòa bình lâu dài.
Tuyên bố chung của 7 quốc gia và Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ: "Mục tiêu chung của chúng tôi phải là đặt Ukraine vào vị thế mạnh. Ukraine và châu Âu phải là một phần của mọi cuộc đàm phán".
Tuyên bố cho biết thêm: "Ukraine cần được cung cấp những đảm bảo an ninh mạnh mẽ. Một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine là điều kiện cần thiết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh".
Ngoài ra, tuyên bố cũng cho biết các cường quốc châu Âu mong muốn thảo luận về con đường phía trước với các đồng minh Mỹ.
![Cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine ở New York hồi tháng 8-2024. Ảnh: Tân Hoa Xã](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_15_51464439/d080aac09a8e73d02a9f.jpg)
Cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine ở New York hồi tháng 8-2024. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trước thông tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ ngày 12-2, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho rằng châu Âu và Ukraine phải tham gia vào việc giải quyết xung đột Ukraine.
Bà Baerbock nói với tờ Politico: "Hòa bình chỉ có thể đạt được cùng nhau, với Ukraine và với người châu Âu. Chúng ta phải cùng nhau đi trên con đường này để hòa bình trở lại châu Âu".
Khi được hỏi liệu có quốc gia châu Âu nào tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình hay không, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết: "Hiện tôi không có thông tin về bất cứ quốc gia châu Âu nào đang tham gia".
Cũng trong ngày 12-2, các bộ trưởng từ Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Ủy ban châu Âu đã gặp bộ trưởng ngoại giao Ukraine tại Paris – Pháp.
Cuộc họp này được lên lịch từ nhiều tuần trước. Mục đích là phác thảo chiến lược phòng thủ của khối, thảo luận về cách củng cố Ukraine, lập kế hoạch cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai, cũng như thảo luận về cách tiếp cận các cuộc đàm phán với chính quyền Mỹ khi các bên gặp nhau tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức vào cuối tuần này.
Thế nhưng, theo hãng tin Reuters, dường như tính toán bị "trật bánh" sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đưa ra những tuyên bố thẳng thắn từ chính quyền Tổng thống Trump về cách tiếp cận của Washinton đối với cuộc xung đột tại Ukraine.
Ông Hegseth cho rằng việc quay lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là "không thực tế". Thêm nữa, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, chính quyền ông Trump không coi tư cách thành viên NATO của Kiev là một phần của giải pháp cho cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.
Đáng chú ý, ông Hegseth nhấn mạnh các quốc gia châu Âu phải cung cấp phần tài trợ "áp đảo" cho Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp tại trụ sở của NATO ở Brussels ngày 12-2, ông Hegseth cho biết Mỹ sẽ "không để xảy ra mối quan hệ mất cân bằng" với các đồng minh và kêu gọi các thành viên NATO chi nhiều hơn cho quốc phòng.
Đài BBC nhận định dường như đây là dấu hiệu báo trước sự thay đổi mạnh mẽ trong lập trường của Washington về cuộc xung đột ở Ukraine.
Bình luận của ông Hegseth đưa ra ngay sau thông tin Tổng thống Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các cường quốc châu Âu không biết trước về cuộc gọi và rất ngạc nhiên trước sự thẳng thắn trong lập trường của ông Hegseth, theo nhiều nhà ngoại giao.