WHO kêu gọi Mỹ nối lại viện trợ do tác động nghiêm trọng đến sức khỏe toàn cầu

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng việc Mỹ tạm dừng viện trợ nước ngoài đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu.

Theo ông, động thái này của Mỹ còn làm gián đoạn các chương trình chống lại bệnh bại liệt, HIV và các mối đe dọa khác. Ông kêu gọi Washington cân nhắc nối lại tài trợ cho đến khi tìm ra giải pháp lâu dài.

 Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: X/DrTedros

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: X/DrTedros

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva vào ngày 12/2, ông Tedros nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nỗ lực đối phó với HIV, bại liệt, cúm gia cầm và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Đặc biệt, việc cắt giảm ngân sách cho Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống về Phòng chống AIDS (PEPFAR) đã khiến các dịch vụ điều trị, xét nghiệm và phòng ngừa HIV tại 50 quốc gia bị đình trệ ngay lập tức.

Dù sau đó có một số trường hợp được miễn trừ nhưng các chương trình phòng ngừa cho nhóm có nguy cơ cao vẫn chưa được khôi phục. Nhiều phòng khám đã phải đóng cửa, nhân viên y tế bị sa thải, buộc WHO phải tìm cách hỗ trợ các quốc gia thiếu hụt thuốc kháng virus.

Bên cạnh đó, sự rút lui của Mỹ cũng ảnh hưởng đến chiến dịch xóa sổ bệnh bại liệt và các chương trình ứng phó với căn bệnh này. Tại Myanmar, khoảng 60.000 người không còn được tiếp cận với các dịch vụ y tế cứu sinh. Ông Tedros nhấn mạnh rằng Mỹ nên tiếp tục viện trợ ít nhất cho đến khi có giải pháp thay thế.

Lệnh tạm dừng viện trợ được ban hành vào tháng trước, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, nhằm xem xét lại các chương trình viện trợ đang triển khai.

Ngoài việc đóng băng viện trợ, chính quyền ông Trump còn tuyên bố rút Mỹ khỏi WHO ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, gây ảnh hưởng lớn đến hợp tác quốc tế, đặc biệt trong ứng phó với các dịch bệnh và đại dịch. Điều này khiến WHO gặp khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu quan trọng, bao gồm thông tin về sự lây lan của cúm gia cầm tại Mỹ cũng như các ca bệnh ở người.

Maria Van Kerkhove, giám đốc tạm quyền về đại dịch và dịch bệnh của WHO, cho biết tổ chức này chưa nhận được báo cáo về cúm từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) kể từ ngày 24/1.

Hoài Phương (theo Reuters, UN News)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/who-keu-goi-my-noi-lai-vien-tro-do-tac-dong-nghiem-trong-den-suc-khoe-toan-cau-post334286.html
Zalo