Xung đột Ukraine: Châu Âu gấp gáp, cố 'kiếm suất' trên bàn đàm phán giữa lúc Mỹ đi lối riêng, Pháp khẳng định EU sẽ 'che chở' cho Kiev
Giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành cuộc điện đàm với cả hai nhà lãnh đạo của Nga và Ukraine cùng những tín hiệu tích cực trong việc giải quyết xung đột, châu Âu không thể 'bình chân'.
![Ngoại trưởng các nước châu Âu họp tại Paris, Pháp, ngày 12/2. (Nguồn: EPA)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_194_51465631/8e6f165e2610cf4e9601.jpg)
Ngoại trưởng các nước châu Âu họp tại Paris, Pháp, ngày 12/2. (Nguồn: EPA)
Báo DW ngày 12/2 đưa tin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã tới Paris để gặp gỡ các đối tác châu Âu nhằm thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine.
Phát biểu trước báo giới, bà Annalena Baerbock cho biết, điều quan trọng là Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng đã sẵn sàng đàm phán và châu Âu sẽ đoàn kết trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Theo Ngoại trưởng Đức, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cho Ukraine chỉ có thể đạt được với chính quyền ở Kiev, trong khi người đồng cấp Ba Lan Radoslaw Sikorski kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ xuyên Đại Tây Dương nhằm tại ra sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho châu Âu.
Về phần mình, Ngoại trưởng nước chủ nhà Pháp Jean Noel Barrot nhấn mạnh: “Sẽ không có hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine nếu không có sự tham gia của người châu Âu”. Ông tuyên bố, châu Âu sẽ đóng vai trò bảo đảm an ninh cho Ukraine ngay cả khi nước này chưa thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngay lập tức.
Theo hãng tin Reuters, một tuyên bố chung của 7 quốc gia và Ủy ban châu Âu (EC) sau cuộc gặp gỡ của các ngoại trưởng trên nêu rõ: "Mục tiêu chung của chúng tôi phải là đặt Ukraine vào vị thế mạnh. Kiev và châu Âu phải là một phần của mọi cuộc đàm phán".
Tuyên bố cho biết thêm: "Ukraine cần được cung cấp những đảm bảo an ninh mạnh mẽ. Một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine là điều kiện cần thiết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh", đồng thời nói thêm rằng các cường quốc châu Âu mong muốn thảo luận về con đường phía trước với các đồng minh Mỹ.
Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và ông chủ Điện Kremlin khẳng định đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán "ngay lập tức". Tổng thống Trump sau đó cũng có cuộc điện đàm "thực chất" với người đồng cấp Ukraine.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Anh cho biết sẽ cung cấp thêm gói viện trợ quân sự trị giá 150 triệu Bảng (185,8 triệu USD) cho Ukraine, bao gồm thiết bị bay không người lái, xe tăng và hệ thống phòng không.
Bộ Ngoại giao Anh cũng ra tuyên bố cho biết, nước này ủng hộ mong muốn của Tổng thống Trump trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine và ưu tiên hiện nay của London là đặt Kiev vào vị thế mạnh nhất có thể.