Phản ứng của châu Âu sau cuộc gọi Trump - Putin
Ngoại trưởng và lãnh đạo một số nước châu Âu cùng truyền đi một thông điệp sau khi Tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_296_51466735/a61e81feb0b059ee00a1.jpg)
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Ảnh: Getty
Tờ Politico ngày 12/2 dẫn lời một số quan chức hàng đầu châu Âu cho rằng, các cuộc đàm phán có thể quyết định tương lai của Đông Âu phải có sự tham gia của Ukraine.
“Chỉ có thể đạt được hòa bình khi cùng nhau hành động. Và điều đó có nghĩa là: Cùng với Ukraine và cùng với châu Âu”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói sau khi ông Trump thông báo về cuộc điện đàm với ông Putin. “Chúng ta phải đi trên con đường này cùng nhau để hòa bình trở lại châu Âu".
Ngoại trưởng Latvia Baiba Braze cho biết: “Sự tham gia của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào là điều tối quan trọng". Bà Braze cho biết ưu tiên của bà vẫn là tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự và các hình thức hỗ trợ khác cho Ukraine.
Phản ứng sau cuộc điện đàm Trump - Putin, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã viết trên mạng xã hội X: “Tất cả những gì chúng ta cần là hòa bình. Một nền hòa bình công bằng. Ukraine, châu Âu và Mỹ phải cùng nhau thực hiện điều này. Cùng nhau".
Trong một thông cáo công bố vào ngày 12/2, Điện Kremlin cho biết ông Trump và ông Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút. Trong khi đó, ông Trump đã đăng trên Truth Social rằng hai nhà lãnh đạo đã “đồng ý để các nhóm bắt đầu đàm phán ngay lập tức".
“Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng cách gọi cho ông Zelensky để thông báo về cuộc trao đổi, và tôi sẽ thực hiện điều đó ngay bây giờ", ông Trump nói thêm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_296_51466735/1c3834d80596ecc8b587.jpg)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: FT
Trước đó (vẫn trong ngày 12/2), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nói rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO và châu Âu phải tự chịu trách nhiệm về quốc phòng của mình. Cùng ngày, ông Zelensky nói rằng “ông Putin không muốn kết thúc xung đột” và kêu gọi ông Trump cung cấp “những bảo đảm an ninh thực sự".
Sau cuộc điện đàm với ông Trump, ông Zelensky cho biết: “Không ai mong muốn hòa bình hơn Ukraine. Cùng với Mỹ, chúng tôi đang vạch ra các bước tiếp theo để ngăn chặn Nga và đảm bảo một nền hòa bình lâu dài, bền vững. Như ông Trump đã nói, hãy bắt tay thực hiện".
“Chúng tôi đã đồng ý duy trì liên lạc và lên kế hoạch cho các cuộc gặp sắp tới", Tổng thống Ukraine nói thêm.
Sau đó, ông Trump xác nhận. Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ gặp ông Zelensky vào ngày 14/2 tại Munich (Đức). Nhắc đến cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, ông Trump cho biết: “Cuộc trao đổi diễn ra rất tốt đẹp. Ông ấy, cũng như Tổng thống Putin, muốn đạt được hòa bình".
Theo Politico, các quan chức châu Âu từ lâu đã lo ngại rằng mối quan hệ cá nhân "nồng ấm" giữa ông Trump và ông Putin có thể khiến châu Âu bị loại khỏi bất kỳ cuộc thảo luận cấp cao nào về tương lai của châu lục này.
Phát biểu vào tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi một mặt trận thống nhất đối phó Moscow, nói rằng “không ai mong muốn hòa bình hơn người dân Ukraine. Nhưng chỉ có một con đường dẫn đến nền hòa bình công bằng và bền vững mà họ khao khát. Và con đường đó là cung cấp sức mạnh quân sự và tài chính cho Ukraine".