61 quốc gia ký tuyên bố chung về AI

Ngày 11-2, đã có tổng cộng 61 quốc gia thông qua tuyên bố chung về nhu cầu trí tuệ nhân tạo (AI) 'mở, toàn diện và đạo đức' tại Hội nghị thượng đỉnh AI Paris diễn ra tại Pháp.

Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hành động trí tuệ nhân tạo (AI), tại Grand Palais, Paris, vào ngày 11 tháng 2 năm 2025. Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hành động trí tuệ nhân tạo (AI), tại Grand Palais, Paris, vào ngày 11 tháng 2 năm 2025. Ảnh: AFP

Hội nghị về tương lai của trí tuệ nhân tạo nhấn mạnh rằng công nghệ đang phát triển nhanh chóng này cần phải mang tính cởi mở, đạo đức và được kiểm soát bởi một cơ chế quản trị quốc tế. Tổng cộng 61 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Đức và Ấn Độ, đã ký kết cam kết ưu tiên đảm bảo AI "cởi mở, bao trùm, minh bạch, đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, đồng thời tuân thủ các khuôn khổ quốc tế", theo tuyên bố bế mạc hội nghị. Tuy nhiên, đáng chú ý là tuyên bố chung của hội nghị không có chữ ký của Anh, Mỹ hay các tập đoàn công nghệ lớn.

Tuyên bố chung nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến AI và năng lượng đã "lần đầu tiên" được giải quyết trong bối cảnh đa phương. Tuyên bố nêu bật nhu cầu nâng cao nhận thức về tác động của AI với thị trường lao động và thúc đẩy các công nghệ định hình tích cực tương lai của ngành.

Các bên ký kết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp trong quản lý AI và ngăn chặn tình trạng độc quyền thị trường để AI dễ tiếp cận hơn, nêu bật nhu cầu phải đạt tiến triển trong đảm bảo tính bảo mật và độ tin cậy của AI, nêu rõ AI "bền vững" với xã hội và thế giới phải là ưu tiên hàng đầu.

Phố Downing cho biết Anh không thể đồng thuận với tất cả các nội dung trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo và sẽ chỉ ký kết các sáng kiến phục vụ lợi ích quốc gia của Anh. Tuy nhiên, chính phủ Anh không nêu rõ điều khoản nào trong văn kiện khiến họ không đồng ý. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố: "Chúng tôi chỉ ký vào những sáng kiến mà chúng tôi cho là phù hợp với lợi ích quốc gia".

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cảnh báo về nguy cơ quy định thái quá đối với AI, đồng thời chỉ trích các đồng minh châu Âu và các đối thủ như Trung Quốc vì muốn siết chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với công nghệ này. "Quy định quá mức có thể bóp nghẹt một lĩnh vực mang tính đột phá ngay khi nó đang cất cánh", ông Vance nói với các nhà lãnh đạo thế giới và các ông trùm công nghệ tại hội nghị được tổ chức trong khung cảnh tráng lệ của Grand Palais, Paris. Phó Tổng thống Vance cũng công khai chỉ trích Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng luật này đặt ra gánh nặng không công bằng lên các tập đoàn công nghệ Mỹ thông qua các quy định chặt chẽ về kiểm duyệt nội dung và chống thông tin sai lệch. Ông cũng cảnh báo về Trung Quốc, gọi Bắc Kinh là một trong số các quốc gia đang tìm cách sử dụng AI để kiểm soát người dân trong nước và mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài. Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng AI là một cơ hội mà chính quyền Tổng thống Trump sẽ không để lãng phí, đồng thời kêu gọi ưu tiên chính sách AI theo hướng thúc đẩy tăng trưởng hơn là chỉ tập trung vào kiểm soát an toàn. Chúng ta cần một khung pháp lý hỗ trợ sự phát triển của AI, thay vì bóp nghẹt nó, ông tuyên bố, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn vào tương lai này với sự lạc quan, thay vì sợ hãi.

Quan điểm của ông Vance trái ngược với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã lên tiếng bảo vệ sự cần thiết của các quy định đối với AI. "Chúng ta cần những quy tắc này để AI có thể phát triển một cách đúng đắn", Tổng thống Macron phát biểu tại hội nghị. Tổng thống Pháp nhấn mạnh các quy định kiểm soát là cần thiết để đảm bảo niềm tin vào AI, trong khi đồng tình với ý kiến rằng cần giảm bớt thủ tục hành chính. Ông đề cập cần xây dựng khuôn khổ AI đáng tin cậy, trong đó cân nhắc xây dựng quyền truy cập mở và công bằng, tập trung vào dữ liệu chất lượng và có các bên thứ 3 đáng tin cậy, đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật và bản quyền.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phủ nhận thông tin châu Âu bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh về AI so với Mỹ và Trung Quốc. "Cuộc đua AI vẫn chưa kết thúc. Chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu. Chúng tôi muốn châu Âu trở thành một trong những châu lục đi đầu về AI và điều này có nghĩa là áp dụng lối sống mà AI hiện diện ở khắp mọi nơi".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/61-quoc-gia-ky-tuyen-bo-chung-ve-ai-post308600.html
Zalo