Mỹ áp mức thuế mới với nhôm và thép, EU làm gì để đối phó?

Ủy ban châu Âu ngày 10/2 đã bác bỏ lý do Mỹ đưa ra để áp mức thuế mới đối với hàng hóa xuất khẩu của châu Âu, cam kết bảo vệ các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng trên toàn khối.

Tuyên bố của Ủy ban châu Âu được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích các mức thuế được đề xuất. Ủy ban châu Âu cho rằng "không có lý do chính đáng" nào để Mỹ có thể tiến hành các biện pháp như vậy; đồng thời gọi chúng là bất hợp pháp và gây hại về mặt kinh tế, đặc biệt là khi xét đến chuỗi cung ứng và sản xuất EU - Mỹ có sự tích hợp sâu sắc.

Mỹ đe dọa áp thuế quan mới, EU làm gì để đối phó?. Ảnh: Getty Images.

Mỹ đe dọa áp thuế quan mới, EU làm gì để đối phó?. Ảnh: Getty Images.

Với việc các nhà lãnh đạo Châu Âu phát đi tín hiệu sẵn sàng trả đũa, mối lo ngại ngày càng tăng rằng tranh chấp thương mại sắp xảy ra có thể gây căng thẳng cho quan hệ kinh tế và phá vỡ thị trường toàn cầu.

Thuế quan có thể phản tác dụng

Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã chỉ trích mạnh mẽ các mức thuế được đề xuất, cảnh báo rằng chúng cuối cùng sẽ gây tổn hại đến chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

"Thuế quan về cơ bản là thuế", tuyên bố của EU nhấn mạnh rằng động thái này sẽ làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ, thúc đẩy lạm phát, làm gia tăng bất ổn kinh tế và phá vỡ sự hội nhập thị trường toàn cầu. Do sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc giữa các ngành công nghiệp châu Âu và Mỹ, EU cảnh báo rằng các biện pháp như vậy sẽ phản tác dụng, trên thực tế là áp thuế đối với cả công dân Mỹ.

Các quan chức châu Âu cảnh báo kịch bản của năm 2018 sẽ lặp lại, khi ông Trump đánh thuế thép và nhôm khiến EU nhanh chóng ra đòn trả đũa. Vào thời điểm đó, Brussels đã áp dụng các biện pháp đối phó đối với hàng hóa của Mỹ như rượu whisky, xe máy và nước cam.

Với thông báo về mức thuế quan mới của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đang chuẩn bị cho một sự leo thang căng thẳng thương mại khác.

EU cân nhắc trả đũa

Pháp là một trong những nước đầu tiên phản ứng với mối đe dọa áp thuế của Trump. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot đã lên tiếng cảnh báo rằng EU sẽ trả đũa nếu mức thuế được đề xuất có hiệu lực.

"Chúng tôi không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình", Barrot nói với đài truyền hình Pháp TF1, lưu ý cách EU phản ứng với các mức thuế tương tự vào năm 2018 và cam kết sẽ áp dụng cách tiếp cận giống như vậy nếu cần thiết.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng đang chuẩn bị hành động. Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức tuyên bố rằng trong khi EU và Đức đang nỗ lực ngăn chặn các mức thuế, họ vẫn sẵn sàng thực hiện các biện pháp đối phó nếu cần.

Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào ngày 9/2 trước thềm cuộc bầu cử sắp tới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo rằng EU có thể "hành động trong vòng một giờ" nếu ông Trump tiến hành áp thuế đối với hàng hóa châu Âu.

Các nhà lãnh đạo ngành cũng đang thúc đẩy một phản ứng cứng rắn. Gunnar Groebler, chủ tịch Hiệp hội Thép của Đức, đã kêu gọi EU phản ứng theo "cách thống nhất, chiến lược và nhanh chóng" để chống lại mối đe dọa thuế quan. "Mỹ là nước mua thép lớn nhất của châu Âu, nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thép chủ yếu là từ Đức mỗi năm", ông lưu ý.

Kịch bản đôi bên cùng thua

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng thuế quan đối với hàng hóa EU sẽ không có lợi cho Mỹ.

"Nếu Washington áp thuế đối với nhiều lĩnh vực, điều này sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao và thúc đẩy lạm phát tại Mỹ", ông Macron nói; đồng thời chỉ ra rằng tiền tiết kiệm của châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ mối quan ngại của ông Macron. Paul Johnson, giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính có trụ sở tại London, cảnh báo rằng thuế quan theo kế hoạch của ông Trump có thể đẩy lãi suất tăng trên toàn thế giới, gây ra hiệu ứng lan tỏa đối với chính sách tiền tệ toàn cầu.

"Ít nhất thì nó sẽ tạo ra thêm lạm phát ở Mỹ và điều đó sẽ có tác động lan tỏa trên toàn cầu, đặc biệt là đối với lãi suất", Johnson giải thích.

Ferdinand Dudenhoeffer, một chuyên gia về ô tô người Đức, lập luận rằng ông Trump đang tận dụng sức mạnh kinh tế để hút hết việc làm và sự thịnh vượng từ các quốc gia khác thông qua chính sách thuế quan của mình.

"Ông ấy không biết bạn hay thù. Ngay cả các nhà sản xuất ô tô của Mỹ là GM và Ford cũng sẽ phải chịu thiệt hại đáng kể do thuế quan đối với ô tô từ Canada và Mexico", ông Dudenhoeffer nhận định.

Dudenhoeffer lưu ý rằng tổng lượng xe nhập khẩu ròng của Mỹ đạt 5,6 triệu chiếc vào năm 2024. "Ông Trump có thể hỏi có bao nhiêu việc làm được tạo ra nếu tất cả những chiếc xe này được sản xuất trong nước", ông Dudenhoeffer nói.

Mặc dù có rất nhiều lo ngại nhưng một số nhà phân tích cho rằng tác động của thuế quan của Trump có thể bị hạn chế. Christian Helmenstein, nhà kinh tế trưởng của Liên đoàn Công nghiệp Áo, mô tả kế hoạch của ông Trump là một đòn không thân thiện nhưng không phải là một cú đánh nghiêm trọng.

Ông nói với tờ báo Kurier của Áo rằng Mỹ nhập khẩu khoảng 1/4 nhu cầu thép của mình, phần lớn đến từ Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc chứ không phải từ Châu Âu.

Tuy vậy, Harald Oberhofer, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo, mô tả các kế hoạch thuế quan của ông Trump là "một trò chơi có rủi ro kinh tế cao".

Ông chỉ ra rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng lớn nhất của Áo vào năm ngoái trong bối cảnh xuất khẩu chung yếu và một cuộc chiến tranh thương mại có thể làm suy yếu thêm nền kinh tế vốn đã mong manh của Áo, dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 0,6% trong năm nay.

Khi ông Trump tiến gần hơn đến việc chính thức công bố mức thuế quan mới, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nêu rõ lập trường của mình: nếu Mỹ áp đặt các rào cản thương mại mới, EU sẵn sàng bảo vệ lợi ích kinh tế của mình bằng các biện pháp đối phó.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: Tân Hoa xã

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-ap-muc-thue-moi-voi-nhom-va-thep-eu-lam-gi-de-doi-pho-post1153961.vov
Zalo