Iran nới lỏng hạn chế nhập khẩu ô tô và iPhone: Động thái hướng tới mở cửa?
Tất cả những gì sinh viên kiến trúc Amirhossein Azizi mong ước cho sinh nhật lần thứ 19 của mình là chiếc iPhone đời mới nhất, thứ không xuất hiện ở quốc gia này trước kia. Và với quốc gia đang túng thiếu tiền mặt như Iran, đó cũng chính là những gì nền kinh tế này cần – từng bước hướng tới mở cửa.
Giá cho một chiếc iPhone 16 Pro Max hàng đầu tại thủ đô Iran đã lên tới 1,6 tỷ rial (1.880 USD). Người dân sẽ cần thêm 450 triệu rial (530 USD) cho phí nhập khẩu và đăng ký mạng điện thoại di động do chính phủ quản lý. Nhưng dù sao giới trẻ Iran cũng vui mừng vì cuối cùng họ cũng có thể cầm trên tay những sản phẩm thời thượng của hãng apple. Điều này diễn ra sau khi Iran dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng đắt tiền như ô tô và iPhone đời mới, đáp ứng nhu cầu của công chúng đối với các sản phẩm này đồng thời để giải quyết phần nào những khó khăn của nền kinh tế.
![Triển lãm ô tô quốc tế tại Tehran vào ngày 30.1.2025. Ảnh: AP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_592_51449508/c221ff80cace23907adf.jpg)
Triển lãm ô tô quốc tế tại Tehran vào ngày 30.1.2025. Ảnh: AP
Mặc dù biện pháp hạn chế nhập khẩu là một cách thúc đẩy "nền kinh tế kháng cự" của Iran, nhưng mặt khác, biện pháp này là nguyên nhân khiến người dân Iran có ít lựa chọn khi chỉ có thể mua ô tô sản xuất và làm tăng giá những chiếc iPhone cũ, đã qua sử dụng.
Kinh tế “kháng cự”
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, nhà lãnh đạo hiện 85 tuổi, lần đầu tiên đề cập đến cụm từ này là cách đây gần 15 năm khi Tehran phải đối mặt với lệnh trừng phạt đầu tiên về chương trình hạt nhân, điều mà phương Tây lo ngại sẽ giúp Iran sở hữu vũ khí hạt nhân dù quốc gia này khẳng định chương trình của họ hoàn toàn phục vụ mục tiêu dân sự.
“Các lệnh trừng phạt không phải là điều mới mẻ đối với chúng tôi”, ông Khamenei nói trong bài phát biểu năm 2010. “Người dân Iran đạt được nhiều thành tựu quan trọng và hoàn thành nhiều phong trào lớn trong khi vẫn đang chịu lệnh trừng phạt”.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Donald Trump đơn phương áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với Tehran sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đối với một người bình thường, rõ ràng cuộc sống có sự thay đổi trước và sau thỏa thuận hạt nhân.
Vào thời điểm Iran chấp nhận thỏa thuận, đồng rial được giao dịch ở mức 32.000 real đổi 1 đô la. Một thập kỷ sau, 1 đô la có giá trị bằng 928.500 rial. Tiền tiết kiệm của công chúng gần như bốc hơi, điều này khiến tầng lớp dân chúng trung lưu chuyển sang dự trữ vàng, bất động sản và các tài sản hữu hình khác.
Dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu ô tô và iPhone
Iran đã cấm nhập khẩu ô tô từ năm 2017, đồng thời không cho phép các dòng iPhone mới hơn 13 được đăng ký trên mạng điện thoại di động của nước này. Quy định về điện thoại đã gây ra tình trạng khan hiếm iPhone cũ, đẩy giá của chúng lên cao rất nhiều so với giá trị thực, trong khi giá xe đã qua sử dụng cho các mẫu xe nước ngoài cũng ở mức rất cao.
Nhà kinh tế Leilaz cho biết: "Việc gỡ bỏ hạn chế đối với một số sản phẩm hoặc cho phép nhập khẩu iPhone là những bước mà chính phủ có thể thực hiện nhanh chóng, không quá tốn kém, trong khi cho thấy những chuyển biến tiến bộ của Chính quyền mới”. Những quyết định như vậy cũng mang lại sự ủng hộ đối với Tổng thống cải cách Masoud Pezeshkian.
Bên cạnh đó, bước cải cách này cũng sẽ giúp Iran giải quyết tình trạng khan hiếm tiền mặt trong bối cảnh những chính sách sắp tới của Mỹ có thể khó đoán. Mặc dù Tổng thống mới của Mỹ đã úp mở rằng ông muốn đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng cùng lúc ông đã ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 4.2 kêu gọi đưa "xuất khẩu dầu của Iran về mức 0", bao gồm cả Trung Quốc, quốc gia mua dầu thô của Tehran với giá chiết khấu. Nếu được thực hiện, những biện pháp trừng phạt này sẽ càng khiến nền kinh tế Iran khốn đốn vào thời điểm mà người dân nước này đang kỳ vọng vào những dấu hiệu lạc quan.