Lo hàng rào thuế quan dâng cao ở Mỹ, các nền kinh tế châu Á ra sức xoa dịu ông Trump
Trong bối cảnh mối đe dọa thuế quan từ ông Trump ngày càng lớn, một số nền kinh tế châu Á có thặng dư thương mại lớn với Mỹ đang nỗ lực đàm phán hoặc có hành động để tránh bị áp thuế cao hơn khi xuất khẩu hàng hóa vào nền kinh tế lớn nhất thế giới...
![Ảnh minh họa: Reuters](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449279/22cf62165758be06e749.jpg)
Ảnh minh họa: Reuters
Thứ Sáu tuần trước (7/2), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan đối ứng (reciprocal tariff), theo đó áp mức thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước ở mức tương đương với mức mà họ đang áp với hàng Mỹ. Đây là hành động hiện thực hóa lời cam kết khi tranh cử của ông với mục tiêu khôi phục sự công bằng trong quan hệ thương mại và giảm thâm hụt của Mỹ.
“Vào tuần tới, tôi sẽ công bố thuế nhập khẩu đối ứng để chúng ta được đối xử công bằng như các quốc gia khác”, Tổng thống Mỹ nói. Dù không tiết lộ cụ thể sẽ áp thuế quốc gia nào nhưng ông cho biết đây sẽ là một động thái trên quy mô lớn.
CHƯA BỊ ÁP THUẾ NHƯNG CHƯA THỂ "THỞ PHÀO NHẸ NHÕM"
Trong bối cảnh mối đe dọa thuế quan từ ông Trump ngày càng lớn, một số nền kinh tế châu Á có thặng dư thương mại lớn với Mỹ đang nỗ lực đàm phán hoặc có hành động để tránh bị áp thuế quan cao hơn khi xuất khẩu hàng hóa vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Dù thông tin vẫn còn mơ hồ, nhưng rõ ràng thuế quan của Mỹ sẽ tăng với hầu hết các nền kinh tế mới nổi tại châu Á. Singapore và Hồng Kông có thể là ngoại lệ bởi Mỹ đang có thặng dư thương mại với 2 nền kinh tế này”, các nhà phân tích tại ngân hàng Barclays nhận xét trong một báo cáo công bố ngày 10/2.
Theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tính tới năm 2023, hầu hết các nền kinh tế châu Á đang áp mức thuế quan bình quân với hàng nhập khẩu từ Mỹ cao hơn so với thuế quan của Mỹ với hàng hóa của họ.
Dẫn đầu là Ấn Độ với thuế quan bình quân 17% với những quốc gia có thỏa thuận đối xử tối huệ quốc (Most Favoured Nation, viết tắt là MFN), cao hơn đáng kể so với mức bình quân 3,3% của Mỹ với các đối tác thương mại có thỏa thuận tương tự.
MFN là một quy tắc trong đó yêu cầu các bên tham gia trong quan hệ kinh tế - thương mại phải dành cho nhau những điều kiện ưu đãi không kém hơn những điều kiện ưu đãi mà họ dành cho nước khác. Mỹ có thỏa thuận MFN với hầu hết các nền kinh tế lớn, trừ Nga.
Theo số liệu từ cơ quan thống kê Mỹ US Census, Trung Quốc là đối tác thương mại có thặng dư lớn nhất với Mỹ năm ngoái với 295,4 tỷ USD, theo sau là Việt Nam với 123,5 tỷ USD, Đài Loan 74 tỷ USD, Nhật Bản 68,5 tỷ USD và Hàn Quốc 66 tỷ USD.
“Dù hiện chưa bị Mỹ áp thuế quan nhưng điều này không đồng nghĩa các nền kinh tế này có thể thở phào nhẹ nhõm”, ông Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics, nhận định với hãng tin CNBC. “’Tình hình ở Washington có thể thay đổi và thuế quan có thể sẽ được áp sau”.
Theo ông Angrick, dù các nền kinh tế trên, trừ Việt Nam, tránh được các biện pháp thuế quan vừa qua của ông Trump nhờ có quan hệ an ninh với Washington và đầu tư lớn vào Mỹ, nhưng “cũng không thể quá yên tâm”.
VIỆT NAM CHUẨN BỊ KỊCH BẢN CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI
Theo dữ liệu từ WTO, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng gần 18% mỗi năm lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Thuế quan bình quân của Việt Nam với các nước có thỏa thuận MFN là 9,4%.
Đồ uống và thuốc lá nhập khẩu vào Việt Nam chịu mức thuế bình quân 45,5%, trong khi các mặt hàng khác như đường, bánh kẹo, trái cây, rau, quần áo và thiết bị vận tải chịu thuế từ 14% đến 34%.
Dù từng chỉ trích Việt Nam trong hoạt động thương mại với Mỹ ở nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump chưa có phát biểu công khai nào về Việt Nam sau khi tái đắc cử hồi đầu tháng 11.
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ những rào cản thương mại mà ông Trump dựng lên với Trung Quốc trong nhiệm kỳ trước của ông. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất đã khiến nhiều nhà sản xuất dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nhận nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc nhiều nhất.
Những tháng gần đây, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh nỗ lực thỏa hiệp thương mại với Washingon. Tháng 11 năm ngoái, Việt Nam cam kết mua thêm máy bay, LNG và các mặt hàng khác của Mỹ. Tại cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành liên quan chuẩn bị kịch bản ứng phó cho khả năng chiến tranh thương mại trong năm nay.
“Mỹ có thể tăng thuế quan với hàng hóa Việt Nam lên 8% nếu triển khai chính sách thuế quan đối ứng toàn diện”, ông Michael Wan, nhà phân tích tiền tệ cấp cao tại ngân hàng MUFG, nhận định trong một báo cáo ngày 10/2.
Tuy vậy, ông Wang cho rằng lập trường của Washington với Việt Nam sẽ “ít cực đoan hơn”, do đó, nhiều khả năng ông Trump sẽ chỉ tăng thuế quan với một số ngành hàng cụ thể của Việt Nam.
ẤN ĐỘ NHƯỢNG BỘ
Theo một số công ty nghiên cứu, Ấn Độ có thể là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi chính sách “thuế quan đối ứng” của ông Trump bởi nước này đang áp thuế quan cao với hàng hóa của Mỹ.
![Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trên đường đến họp báo tại đến dự họp báo tại dinh thủ tướng Hyderabad House, New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/2/2020 - Ảnh: Getty Images](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449279/186255bb60f589abd0e4.jpg)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump, trên đường đến họp báo tại đến dự họp báo tại dinh thủ tướng Hyderabad House, New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/2/2020 - Ảnh: Getty Images
Trước nguy cơ này, đầu tháng 2, Chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng, bao gồm xe gắn máy, hàng điện tử, khoáng chất quan trọng và pin lithium ion.
“Chúng tôi đang phát đi thông điệp rằng Ấn Độ không phải ‘vua thuế quan’”, ông Tuhin Kanta Pandey, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg.
Theo các nguồn tin thân cận, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thảo luận về việc giảm thêm thuế quan với nhiều hàng hóa Mỹ, đồng thời nhập khẩu thêm sản phẩm năng lượng cũng như thiết bị quân sự Mỹ tại cuộc gặp với ông Trump vào cuối tuần này.
Năm 2024, thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này - là 45,7 tỷ USD. Đáng chú ý, nông sản nhập khẩu vào Ấn Độ chịu mức thuế cao lên tới 39%.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump có mối quan hệ tốt với Thủ tướng Modi, nhưng trong chiến dịch tái tranh cử năm ngoái, ông gọi Ấn Độ là “nước lạm dụng” thuế quan.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Modi vào tháng trước, ông Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Ấn Độ mua thêm thiết bị an ninh do Mỹ sản xuất để đạt được "quan hệ thương mại song phương công bằng".
Theo giới quan sát, hai bên có thể sẽ tiếp tục thảo luận về hiệp định thương mại tự do (FTA) Mỹ-Ấn, một thỏa thuận được mong đợi từ lâu. Chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden được cho là đã từ chối New Dehli khi nước này bày tỏ quan tâm việc xúc tiến FTA giữa hai nước – theo truyền thông Ấn Độ.
“Để đạt được một thỏa thuận như vậy thì New Delhi sẽ giảm sâu thuế quan bởi hiện tại thuế quan của nước này đang cao hơn nhiều so với của Mỹ. Ông Trump là người theo chủ trương ‘có đi có lại’”, ông Kenneth Juster, thành viên danh dự tại tổ chức Council on Foreign Relations, nhận định.
Còn theo ông Arpit Chaturvedi, cố vấn về khu vực Nam Á tại công ty tư vấn quản trị Teneo, Ấn Độ cũng có thể chuyển từ nhập khẩu dầu thô Nga sang nhập khẩu dầu Mỹ. Điều này phù hợp với kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu dầu và khí đốt trong chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump.
NHẬT LÀ MỘT TRONG NHỮNG QUỐC GIA ĐƯỢC ÔNG TRUMP ƯU ÁI NHẤT?
Theo các nhà phân tích, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tới Mỹ cuối tuần trước, dường như Tokyo đã đạt được những bước tiến tích cực trong quan hệ với ông Trump và có thể tránh bị Washington áp thuế quan ở thời điểm này.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump tặng Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba một cuốn sách trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025 sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo - Ảnh: Getty Images](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449279/82a4cc7df933106d4922.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tặng Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba một cuốn sách trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng ngày 7/2/2025 sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo - Ảnh: Getty Images
Nhật Bản hiện áp thế quan tương đối thấp, khoảng 3,7%, với các nước có thỏa thuận MFN.
“Điều này cho thấy ít khả năng ông Trump sẽ tăng thuế quan đáng kể với hàng hóa Nhật”, ông Kyohei Morita, nhà kinh tế trưởng Nhật Bản tại ngân hàng Nomura, nhận định ngày 10/2.
Trong cuộc gặp với ông Trump thứ Sáu tuần trước, Thủ tướng Nhật cam kết nhập khẩu thêm LNG của Mỹ, đồng thời bày tỏ quan tâm tới một dự án vận chuyển LNG qua đường ống từ phía Bắc bang Alaska (Mỹ).
Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất về một thỏa thuận trong đó công ty Nippon Steel của Nhật sẽ “đầu tư mạnh" vào công ty U.S. Steel của Mỹ, thay vì mua lại như ý định trước đó. Nippon Steel cũng sẽ chuyển giao công nghệ để U.S. Steel sản xuất sản phẩm tốt hơn tại Mỹ.
Là nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ 5 năm liên tiếp, Nhật cũng cam kết sẽ tăng tổng mức đầu tư vào nước này lên 1 nghìn tỷ USD, từ 783,3 tỷ USD năm 2023.
“Dù khó tránh được mọi tác động từ các chính sách thuế quan tương lai của Mỹ, Nhật Bản có thể tránh được nguy cơ trở thành một mục tiêu thuế quan của Washington, như trường hợp của Canada, Mexico và Trung Quốc”, ông James Brady, Phó Chủ tịch Teneo, nhận định.
“Thậm chí, Nhật Bản có thể kỳ vọng được đối xử nhẹ nhàng hơn so với các nền kinh tế lớn khác vì họ đang là một trong những quốc gia được ông Trump ưu ái nhất”, ông Brady bình luận thêm.
TRUNG QUỐC DÀNH DƯ ĐỊA ĐỂ ĐỐI THOẠI
Tuần trước, thuế quan bổ sung 10% của Mỹ với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực theo sắc lệnh ngày 1/2 của ông Trump. Trong khi đó, Canada và Mexico được hoãn thuế quan 25% sau khi đạt được thỏa thuận với Washington.
![Container tại Cảng Dương Sơn, phía Nam Thượng Hải Trung Quốc - Ảnh: Reuters](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_3_51449279/9d40d499e1d7088951c6.jpg)
Container tại Cảng Dương Sơn, phía Nam Thượng Hải Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Thuế quan trả đũa của Bắc Kinh với một số hàng hóa Mỹ có hiệu lực vào ngày 10/2. Theo đó, Trung Quốc áp thuế 15% với than đá, LNG và 10% với dầu thô, thiết bị nông nghiệp, ô tô, xe bán tải từ Mỹ. Đây được xem là động thái đáp trả khiêm tốn và có phần hạn chế.
Theo dữ liệu hải quan năm 2024, gói thuế quan trên tác động tới khoảng 13,9 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Con số này chỉ chiếm khoảng 8,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc và chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Con số trên thấp hơn đáng kể so với 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ bị Trung QUốc áp thuế quan trả đũa trong nhiệm kỳ trước của ông Trump”, ông Tommy Xie, giám đốc nghiên cứu vĩ mô châu Á tại Ngân hàng OCBC, nhận xét trong một báo cáo ngày 10/2.
“Sự thay đổi trong cách tiếp cận này cho thấy Bắc Kinh đang lựa chọn cách phản ứng đa dạng hơn với những biện pháp đáp trả phi thuế quan như siết kiểm soát nhập khẩu, điều tra ác công ty Mỹ và dành dư địa cho các cuộc đàm phán tiếp theo”.