Một số thuật ngữ thường gặp trong bước đầu học Phật và giải mã thơ thiền
Thông qua những từ ngữ Phật giáo thường gặp, những từ ngữ này rất gần với những phạm trù triết học Phật giáo. Những công cụ này cũng góp phần trong việc thưởng thức, giả mã thơ thiền.
TS.Huỳnh Quán Chi, nguyên GV trường Đại học Tiền Giang
Huỳnh Minh Thông, GV trường CĐ Công Thương Tp.HCM
I. Dẫn nhập
Đến nay, trải qua trên 2500 năm, Phật giáo đã tồn tại và là niềm an ủi và động viên cho con người trong những khó khăn, thử thách, khổ đau... Nhiều vấn đề về bản thể, nhận thức, nhân sinh đã được đặt ra trong Phật giáo. Ngôn ngữ, những thuật ngữ Phật học được hiểu bằng nhiều cách khác nhau trong những tình huống khác nhau. Có khi ngôn ngữ không thể giải quyết hết những vấn đề quan trọng của Phật giáo. Có khi nó chỉ là ngón tay chỉ trăng hay là chiếc bè tạm để sang sông mà thôi. Tuy nhiên, nhận thức của con người là cần phải hiểu, cần phải giác ngộ chân lý, nên phải bắt đầu từ ngôn ngữ, thuật ngữ công cụ.
Xin giới thiệu một số cách giải thích về một số từ ngữ có tính chất tham khảo, hy vọng sẽ giúp ích cho người học Phật ban đầu. Cũng với những từ ngữ này, hy vọng sẽ có thể góp phần tiếp cận và giải mã một số bài thơ thiền.
II. Một số từ ngữ Phật học
2.1. Phật
2.1.1.Theo Phật Quang đại từ điển[1]
Phật (佛) Phạm, Pàli: Buddha. Gọi đủ: Phật đà, Hưu đồ, Phù đà, Phù đồ, Phù đầu, Một đà, Bột đà, Bộ tha. Hán dịch: Giác giả, Tri giả, Giác. Người giác ngộ chân lí, cũng tức là bậc Đại thánh đầy đủ tự giác, giác tha, giác hành viên mãn, thấy biết tính tướng của hết thảy các pháp đúng như thật, thành tựu Đẳng chính giác, là quả vị cao nhất của Phật giáo. Trong ba đức: Tự giác, Giác tha, Giác hành viên mãn, thì phàm phu không có một đức nào, hàng Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác chỉ có Tự giác, hàng Bồ tát có được Tự giác, Giác tha, chỉ Phật mới có đầy đủ ba đức.
Về nội dung chứng ngộ của đức Phật, trong các kinh luận có nhiều thuyết; đối với Phật thân, Phật độ... thì các tông phái cũng có nhiều thuyết khác nhau, nhưng nói chung thì Đại thừa đều lấy quả Phật làm mục đích tối hậu...
2.1.2. Theo Từ điển Phật học[2]
Danh từ Phật có nhiều nghĩa (4 nghĩa):
Phật là người đã dứt khỏi Luân hồi (s: saṃsāra), đạt Giác ngộ hoàn toàn, đạt giải thoát (Niết-bàn). Nội dung quan trọng nhất của giáo pháp giác ngộ là Tứ diệu đế. Phật là người đã vượt qua mọi tham Ái (s: tṛṣnạ̄; p: taṇhā), là người biết phân biệt hay dở tốt xấu nhưng tâm không vướng mắc vào các phân biệt đó. Sau khi chết, một vị Phật không còn tái sinh...
Phật: Nhân vật lịch sử Thích-ca Mâu-ni. Ngài sinh năm 563 trước Công nguyên, con trai của một tiểu vương của dòng họ Thích-ca (s: sá̄kya), ngày nay thuộc nước Nepal, gần Hi-mã-lạp sơn. Tên thật Ngài là Tất-đạt-đa (s: siddhārtha), thuộc họ Cồ-đàm (s: gautama; p: gotama), vì vậy cũng có người gọi là Phật Cồ-đàm. Sau quá trình tu hành đạt đạo, Ngài mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni – "Trí giả trầm lặng của dòng Thích-ca". Nhằm phân biệt đức Phật lịch sử với Phật tính[3], người ta nên gọi rõ là Phật Thích-ca.
Phật: Phật tính, được xem là gốc của mọi hiện tượng; mọi hiện tượng là biểu hiện của Phật tính. Nếu phái Tiểu thừa chỉ công nhận mỗi thời đại chỉ có một vị Phật, và vị này là phải là một nhân vật lịch sử và là đạo sư giáo hóa, thì phái Ðại thừa cho rằng có vô số đức Phật[4] được biểu hiện khác nhau”.
Theo quan điểm Ba thân (s: trikāya) của Ðại thừa thì Phật tính biểu hiện qua ba dạng chính và mỗi dạng Phật biểu hiện một tính chất của Chân như.
Phật được hiểu từ ba nghĩa: a) Phật lịch sử. b) Phật tính: là gốc của mọi sự vật hiện tượng, mọi sự vật hiện tượng là biểu hiện của Phật tính. c) Một khái niệm chỉ cái tuyệt đối cuối cùng của thế giới. Thể này nằm ngoài mọi suy luận, là bản thể không hề biến hoại của Phật tính”
Ba thân của Phật (Tam thân):
a) Pháp thân: là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân được xem là thường hằng, vô tướng, nhất nguyên, là thể tính chung của các vị Phật, là dạng tồn tại thật sự của chư Phật.
Pháp thân có nhiều tên gọi khác nhau, tùy trường hợp sử dụng. Có lúc người ta xem nó là thể tính của mọi sự (Pháp giới [dharmadhātu, dharmatā], Chân như [s: tathatā, bhūtatathatā], Không [s: sú̄nyatā], A-lại-da thức [s: ālayavijnã̄na]) hay xem nó là Phật (Phật, Phật tính [s: buddhatā], Như Lai tạng [s: tathāgata-garbha]).
b) Báo thân (報 身; s: saṃbhogakāya), cũng được dịch là Thụ dụng thân (受 用): chỉ thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ. Báo thân là thân do thiện nghiệp và sự giác ngộ của các Bồ Tát mà hóa hiện cho thấy—cũng vì vậy mà có lúc được gọi là Thụ dụng thân, là thân hưởng thụ được qua những thiện nghiệp đã tạo.
Báo thân thường mang Ba mươi hai tướng tốt (sa. dvātriṃsádvara-laksạnạ) và tám mươi vẻ đẹp của một vị Phật và chỉ Bồ Tát mới thấy được trong giai đoạn cuối cùng của Thập địa (sa. dasábhūmi). Người ta hay trình bày Báo thân Phật lúc ngồi thiền định và lúc giảng pháp Đại thừa.
c) Ứng thân (應 身; s: nirmānạkāya, cũng được gọi là Ứng hóa thân hoặc Hóa thân): là thân Phật xuất hiện trên trái đất, với nhân trạng, với mục đích cứu độ con người].
Phật: Một khái niệm chỉ cái tuyệt đối, cuối cùng của thế giới. Thể này nằm ngoài mọi suy luận, không thể nghĩ bàn, là bản thể không hề biến hoại của Phật tính”.
(Thiền tông chú ý đến “Phật” theo nghĩa thứ 3, 4).
2.2. Tâm
2.2.1. Theo Phật Quang đại từ điển
“Tâm” (心): Tâm. Phạm: Citta. Hán âm: Chất đa. Cũng gọi Tâm pháp, Tâm sự. Tức là pháp tuy xa lìa đối tượng nhưng vẫn có tác dụng tư duy (duyên lự). 1. Chỉ chung Tâm vương và Tâm sở pháp, đối lại với sắc (vật chất), thân (nhục thể); tương đương với 4 uẩn: Thụ, tưởng, hành, thức trong 5 uẩn. 2. Chỉ riêng cho Tâm vương, thuộc 1 trong 5 vị, tương đương với Thức uẩn trong 5 uẩn, là chủ thể của tâm thống nhất, tức thức thứ 6, hoặc thức thứ 8. 3. Chỉ cho thức A lại da thứ 8 theo tông Duy thức. Vì thức này bao hàm nghĩa tích tập, là thể căn bản sinh ra các pháp, cho nên cũng gọi là Tập khởi tâm, nghĩa là thức A lại da tích chứa các chủng tử mà sinh ra hiện hành. Sáu thức trước gọi là thức, tức tác dụng liễu biệt, nhận thức; thức Mạt na thứ 7 gọi là ý, tức tác dụng tư duy. Chủ thể của tâm gọi là Tâm vương, những tác dụng của Tâm vương thì gọi là Tâm sở. (xt. Tâm Ý Thức)...
2.2.2.Theo Từ điển Phật học[5]:
Tâm (心): C: xīn; J: shin; S: citta, hṛdaya, vijnã̄na; Thuật ngữ quan trọng của đạo Phật, có nhiều nghĩa:
Tâm được xem đồng nghĩa với Mạt-na (s: manas, thức suy nghĩ phân biệt) và Thức (s: vijnã̄na). Tâm chỉ toàn bộ sinh hoạt và hiện tượng của tâm trí.
Trong luận A-tì-đạt-ma câu-xá, tâm được xem như một thể riêng biệt, trên thể đó thế giới hiện tượng xuất hiện.
Trong Duy thức tông, tâm được xem là A-lại-da thức (s: ālayavijnã̄na; còn được gọi là Tạng thức), gốc của tất cả mọi hiện tượng tâm trí. Theo quan điểm này, thì toàn bộ vũ trụ này chính là “tâm thanh tịnh”. Nhiều quan điểm cho rằng tâm này chính là “vô thủy vô minh”, vô minh nguyên thủy của Phật tính và là thật tại tối thượng của mọi hiện tượng nhị nguyên.
Tham khảo thêm Tâm trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền[6]”.
2.3. Chân tâm
2.3.1.Theo Phật Quang Đại từ điển
Chân tâm: (真心) Chỉ tâm chân thực, hoặc lí bản tính của tâm. Tịnh độ chân tông Nhật bản gọi là Tín tâm tha lực. Trái lại, vọng tâm là tâm phân biệt sai lầm, tâm hư dối, tâm hư vọng điên đảo mà phàm phu phát động hàng ngày trong các sinh hoạt hiện thực.
2.3.2. Theo Chơn (Chân) tâm trực thuyết[7] của thiền sư Phổ Chiếu[8]
Tên khác của Chân Tâm (đoạn trích từ tác phẩm “Chơn Tâm trực thuyết”):
“Hỏi: Đã sinh chính tín, nhưng chưa biết thế nào gọi là chơn tâm?
Đáp: Lìa vọng gọi là chơn. Linh giám gọi là tâm. Trong Kinh Lăng Nghiêm đã nói rõ tâm này!
Hỏi: Chỉ gọi chơn tâm thôi, hay có tên riêng khác nữa chăng?
Đáp: Phật dạy, Tổ dạy lập danh không đồng nhau. Phật dạy trong Bồ Tát Giới gọi là Tâm Địa, vì hay phát sinh muôn việc thiện. Kinh Bát Nhã gọi là Bồ Đề, vì lấy giác làm thể. Kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới, vì giao triệt và dung nhiếp. Kinh Kim Cang gọi là Như Lai, vì không từ đâu đến. Kinh Bát Nhã gọi là Niết Bàn, vì là chỗ qui hướng của chư Thánh. Kinh Kim Quang Minh gọi là Như Như, vì chơn thường bất biến. Kinh Tịnh Danh gọi là Pháp Thân, vì là chỗ nương của báo thân và hóa thân. Luận Khởi Tín gọi là Chơn Như, vì chẳng sinh chẳng diệt. Kinh Niết Bàn gọi là Phật Tính vì là bản thể của ba thân. Kinh Viên Giác gọi là Tổng Trì, vì mọi công đức từ đó mà lưu xuất.
Kinh Thắng Man gọi là Như Lai Tạng, vì ẩn phú và hàm nhiếp. Kinh Liễu Nghĩa gọi là Viên Giác, vì hay chiếu phá mờ tối. Do đây nên Ngài Vĩnh Minh Thiền Sư trong Duy Tâm Quyết nói: “Một pháp có ngàn tên, tùy theo duyên mà lập hiệu”! Tất cả còn đầy đủ trong các Kinh, không thể kể ra hết được”.
Tuy tên gọi phong phú nhưng đây là những khái niệm rất khó giải thích trọn vẹn. Vì mỗi từ ngữ đều có giới hạn trong một nội hàm và ngoại diên nhất định. Lấy một cái có giới hạn để diễn đạt cái toàn thể, bản thể, là rất khó khăn.
2.4. Phật tính
2.4.1. Theo Phật Quang đại từ điển
Phật tính: (佛性) Phạm: Buddha-dhàtu, Buddhagotra. Cũng gọi Như lai tính, Giác tính. Chỉ cho bản tính của Phật, hoặc chỉ cho khả năng tính thành Phật, nhân tính ... , chủng tử, là tính chất bồ đề sẵn có, tên khác của Như lai tạng.
Cứ theo kinh Niết bàn quyển 7 (bản Bắc) thì tất thảy chúng sinh đều có Phật tính, phàm phu vì phiền não che khuất không lộ ra được, nếu dứt hết phiền não thì tính Phật tự nhiên hiển bày. Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo bộ phái chủ trương ngoài đức Phật và Bồ tát ra không ai được thành Phật, cho nên cũng không nói đến ý chỉ hết thảy chúng sinh đều có Phật tính...
Về vấn đề này, các tông phái ở Trung quốc và Nhật bản cũng có các thuyết khác nhau.
2.4.2. Theo Từ điển Phật học[9]
Đạo Sinh: “Đạo Sinh là cao tăng và là người thành lập Niết - bàn tông của Phật giáo Trung Quốc. Sư là người cùng Cưu –ma-la-thập dịch kinh Diệu pháp liên hoa và Duy –ma –cật sở thuyết. Đạo Sinh có nhiều điểm cách mạng so với thời bấy giờ, góp công rất lớn thúc đẩy sự phát triển của nền Phật giáo Trung Quốc. Sư quan niệm rằng, bất cứ ai cũng có Phật tính, bất cứ ai cũng có thể thành Phật tức khắc. Sư có công tổng hợp hai bộ kinh Đại bát-niết-bàn và Bác-nhã ba-la-mật-đa…
Sư cho rằng ngay cả Nhất-xiểng-đề (kẻ ác tâm, kẻ làm việc tội lỗi mà chẳng biết hổ thẹn, chẳng chịu hối cải…) cũng có Phật tính và cũng có thể đạt đến Phật quả, đó là quan điểm Đại thừa, tất cả mọi chúng sinh, không chừa ai, đều có Phật tính, chỉ vì bị vô minh che phủ. Đạt được giác ngộ chính là trực nhận được Phật tính đó và tất nhiên – hành giả phải qua nhiều bước đường chuẩn bị.
Sư quan niệm rằng giác ngộ là giác ngộ tức khắc (đốn ngộ), là tình trạng hợp nhất với Chân như. Khi giác ngộ thì Luân-hồi hay niết-bàn không khác và Chân như của chư Phật không khác với thế giới hiện hữu.
Đối với Đạo Sinh thì Phật tính trong Đại bát-niết-bàn kinh và tính Không trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng chỉ là một: cả hai đều vô tướng, vô tính.
Phật tính và tính Không chính là Niết-bàn[10], là trạng thái không còn phân biệt giữa chủ thể và khách thể. Đối với Sư, không có một Tịnh độ ngoài thế giới này vì chư Phật không hề rời chúng ta, luôn ở trong ta”.
Thiền sư Nguyện Học có bài thơ Liễu ngộ thân tâm
Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,
Biến hóa linh thông hiện thực tướng.
Hành, trụ, tọa, ngọa độc trác nhiên,
Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.
Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
Hoan lai bất kiến như hữu tướng.
Thế gian vô vật khả tỷ huống,
Trường hiện linh quang minh lãng lãng.
Thường thời diễn thuyết bất tư nghị,
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.
Dịch nghĩa:
Hiểu thấu được “thân tâm”, bừng mở “con mắt trí tuệ”,
Biến hóa linh thông làm cho tướng biểu hiện ra.
Đi, đứng, nằm, ngồi riêng nó cao vòi vọi,
Hóa thân ứng hiện không thể nào lường được.
Tuy rằng đầy dẫy khắp hư không,
Nhưng xem ra hình như không có sắc tướng gì cả.
Trên thế gian không có vật nào so sánh được,
Chất linh quang biểu hiện không cùng và chiếu sáng vằng vặc.
Đôi lúc có diễn giải bằng lời nói, nhưng cũng không thể suy nghĩ bàn bạc [mà hiểu được],
Cho nên không biết dùng một từ nào [để diễn tả] cho thỏa đáng.
Trong bài thơ này, có hai câu đầu:
Ứng hiện hóa thân không thể lượng
Thực tướng đầy dẫy khắp hư không
Hai câu đầu đã nêu lên triết lý về bản thể. Bản thể hàm chứa sự vật hiện tượng. Sự vật hiện tượng là Tướng của bản thể. Bản thể là Tính Tính).
Xem ra chẳng đáng là thực tướng
(Quan lai bất kiến như hữu tướng)
Những gì chúng ta thấy trước mắt chỉ là biểu hiện của thực tướng (ít, nhỏ hơn thực tướng). (Thế gian vô vật khả tỉ huống). Thực tướng tức là Tính.
Tiếp theo:
Trường hiện linh quang minh lãng lãng,
Thường thì diễn thuyết bất tư nghì
“Bất tư nghì”: Khó lòng dùng lý lẽ giải thích.
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đang: Vô đắc nhất ngôn. Ngôn ngữ không giải thích được bản thể (Tính). Có thể tạm dùng “vòng tròn không chu vi” để ám chỉ (theo cách của Đỗ Tùng Bách trong tác phẩm “Thơ thiền Đường –Tống”).
2.5. Niết-bàn
2.5.1. Theo Phật Quang Đại từ điển
Niết-bàn: (涅槃) Nirvaìạ. Pàli: Nibbàna. Cũng gọi: Nê hoàn, Nê viết, Niết bàn na, Niết lệ bàn na, Nê phạ nam, Nặc phạ nam.Hán dịch: Diệt, Tịnh diệt, Diệt độ, Tịch, Vô sinh. Đồng nghĩa: Trạch diệt, Li hệ, Giải thoát. Hoặc gọi là Bát niết bàn (Bát, dịch âm của tiếng Phạm Pari, nghĩa là hoàn toàn, dịch ý là Viên tịch), Đại-bát niết-bàn (Đại nghĩa là thù thắng, cũng gọi Đại viên tịch).
Niết- bàn nguyên nghĩa chỉ cho sự thổi tắt, hoặc biểu thị trạng thái thổi tắt, về sau được chuyển dụng để chỉ lửa phiền não thiêu đốt đã bị dập tắt, là cảnh giới hoàn toàn giác ngộ. Cảnh giới này vượt ngoài sinh tử (mê giới), cũng là mục đích thực tiễn cuối cùng của Phật giáo, cho nên được xếp vào một trong những pháp ấn[11], gọi là Niết bàn tịch tĩnh.
Niết- bàn, Đại thừa và Tiểu thừa giải thích có khác nhau.
2.5.2.Theo Từ điển Phật học[12]:
“Niết-bàn 涅 槃; S: nirvānạ; P: nibbāna; dịch nghĩa là Diệt (滅), Diệt tận (滅 盡), Diệt độ (滅 度), Tịch diệt (寂 滅), Bất sinh (不 生), Viên tịch (圓 寂), Giải thoát (解 脫), Vô vi (無 爲), An lạc (安 樂); Mục đích tu hành của mọi trường phái Phật giáo.
Trong đạo Phật nguyên thủy, Niết-bàn được xem là đoạn triệt Luân hồi (saṃsāra) và đi vào một thể tồn tại khác. Ðó là sự tận diệt gốc rê của ba nghiệp Bất thiện (s: akusála) là tham, sân và si. Ðồng thời Niết-bàn có nghĩa là không còn chịu sự tác động của Nghiệp (s: karma), không còn chịu qui luật nhân duyên, Vô vi (s: asaṃkṛta), đặc tính của nó là thiếu vắng sự sinh, thành, hoại, diệt.
Với sự xuất hiện của Ðại thừa (s: mahāyā-na), người ta có một quan điểm mở rộng của Niết-bàn dựa trên khái niệm Bồ Tát (s: bodhisattva) và trên tính nhất thể của vạn vật.
Niết-bàn được xem là sự thống nhất với cái Nhất thể tuyệt đối (sự bình đẳng của chúng sinh; s: sattvasamatā) đó, sự thống nhất của luân hồi với “dạng chuyển hóa” của nó. Ở đây Niết-bàn được xem như sự lưu trú trong tính tuyệt đối, sự an lạc khi thấy mình cùng một thể với tuyệt đối, khi thấy mình giải thoát khỏi mọi ảo giác, mọi biến tướng, mọi tham ái...
Trong Thiền tông, Niết-bàn cũng không hề tách rời với thế giới này mà chính là sự trực ngộ được thể tính của Tâm, là thể tính của con người, thể tính của Phật. Thực hiện Niết-bàn phải thông qua trí huệ và vì vậy, có khi Niết-bàn được xem là đồng nghĩa với Trí huệ Bát-nhã. Niết-bàn và Trí huệ chỉ là hai mặt của một cái duy nhất. Niết-bàn là trạng thái của một người đã đạt trí huệ Bát nhã, đã đạt tri kiến về Tâm và ngược lại Bát-nhã là trí huệ của một người đã thực hiện Niết-bàn”.
Niết bàn cũng là chơn tâm và đồng thời còn mang rất nhiều tên khác[13].
2.6. Tính (tánh), Tính không (Tánh Không)
2.6.1. Theo Từ điển Phật học[14]
“Trong Tiểu thừa, tính Không nhằm nói về thể tính của con người và được sử dụng như một tính từ (s: sú̄nya). Ðại thừa đi thêm một bước nữa, sử dụng Không như một danh từ (s: sú̄nyatā), xem Không là vạn sự, vạn sự là Không, tức mọi hiện tượng thân tâm đều không hề có tự tính (s: svabhāva).
Mọi pháp[15] đều chỉ là những dạng trình hiện (呈現; e: appearance; g: erscheinung), chúng xuất phát từ tính Không, là không. Tính Không vừa chứa tất cả mọi hiện tượng, vừa xuyên suốt các trình tự phát triển sự vật”.
Tính, Tính không được thể hiện qua Triết lý Sắc Không. Triết lý Sắc Không là một triết lý cốt lõi của Phật giáo. Triết lý này có thể giải thích theo nhiều cách. Thiền có thể giải thích đơn giản nhất về triết lý này.
Thiền sư Sùng Phạm được vua Lý Nhân Tông truy tán :
Sùng Phạm ở Nam quốc
Đỗ được tâm không về
Hai câu thơ ngợi ca thiền sư Sùng Phạm hiểu thấu đạo lý sắc – không, cũng giống như “đỗ” trường thi Phật. Tâm không: Chân không diệu hữu.
Hai câu cuối:
Tai dài là tướng tốt
Mọi pháp thảy ly vi
Sau khi ngộ đạo lý bản thể thì thấy được tường tận những quy luật tinh tế của bản thể, vũ trụ.
2.6.2. Theo Bát Nhã tâm kinh
Có thể hiểu triết lý này như là tư tưởng quan trọng trong “Bát Nhã tâm kinh”
“Sắc”: “Sự vật hiện tượng có hình tướng” (Thích Duy Lực), “hình hài của ta” (Thích Nhất Hạnh)… “Không”: Phiên âm chữ Hán của chữ sūnyatā (Ấn Độ), có thể dịch là Chân không diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,…
“Sắc tức thị không”: (Tức thị: Không khác gì). “Sự vật có hình tướng” hoặc “thân thể này” chẳng khác gì cái chân không diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,…
“Không tức thị sắc”: Cái diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,… không khác gì sự vật có hình tướng hoặc thân thể này. Triết lý “sắc – không” có khi còn gọi là triết lý “có – không”, “triết lý Có và Không”...
Theo Thiền, trước hết và mục đích tối hậu là: "Kiến tánh thành Phật (thấy Tánh thành Phật hay Thấy Phật tánh thì thành Phật)[16]”.
“Thấy Tánh” ở đây có rất nhiều đồng nghĩa. Ví dụ “Thấy Tánh” (Kiến tánh). Tương đương với ngộ lẽ Sắc-Không, tương tự ngộ triết lý Có và Không, rõ lẽ Chân như.... và còn rất nhiều cách diễn đạt khác.
2.6.3. Một số bài thơ thiền liên quan
Thiền sư Thường Chiếu (trang 135) có bài thơ thiền Đạo:
Đạo bản vô nhan sắc,
Tân tiên nhật nhật khoa.
Đại thiên thế giới ngoại,
Hà xứ bất vi gia!
Dịch nghĩa:
Đạo vốn không màu sắc,
[Nhưng] ngày ngày vẫn phô bày vẻ mới lạ, tươi trẻ.
Dù ở ngoài thế giới hà sa, tức ba nghìn đại thiên thế giới;
Chốn nào mà chẳng là nhà của nó.
Câu thơ: Đạo bản vô nhan sắc: Đạo chỉ bản thể. “Không nhan sắc” (ẩn dụ). Tương tự như ý trong Pháp Bảo đàn kinh: Hà kỳ tự tánh năng sinh vạn pháp (Bản thể chứa đựng, sinh ra mọi hình tướng, màu sắc).
“Không”[17] ở đây cũng có nghĩa có nghĩa là vạn hữu trong tính chất không có tự tánh.
Tân tiên nhật nhật khoa: “Nhật nhật khoa”: tươi mới chẳng phôi pha (sức sống, sinh hóa của vũ trụ).
Hai câu cuối:
Đại thiên sa giới ngoại
Hà xứ bất vi gia
Hai câu cuối xác định, dưới cái nhìn bản thể: Đâu cũng là nôi nhà bản thể, vô phân biệt. Từ đó thấy được sự có mặt của cái nhất thể thực tại nơi thân mình, mình cùng với sự sống của đại thể thực tại là một. Đây cũng là tinh thần mà Bát Nhã tâm kinh đề cập đến.
2.7. Chân như
2.7.1. Theo Thiền luận, D.T. Suzuki, Quyển hạ (Luận 7)[18]:
“Tính Không, nói ngay, không mang ý nghĩa tiêu cực. Nó là một biệt danh của Chân như (tathatà) - tức tánh không là chân như và chân như là tánh không.
Đây là chủ trương trực giác của Bát-nhã ba-la-mật. Bấy giờ, chân như của Phật tính là từ quan điểm tôn giáo, Pháp thân. Và Pháp thân được trực nhận khi nào chứng nghiệm được lý vô ngã (nairàtmyatà) của các pháp [19](dharma) và của nhân cách...”
Vạn pháp quy không vô sở y
Không (tính Không), bản thể, chứa đựng tất cả sự vật hiện tượng. Nó cũng là “chân như” ở câu kế.
Quy tịch chân như mục tiền ky (cơ),
Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ
Thủy thủy tâm nguyệt dẫn tâm nghi (nghĩ)
Vô sở chỉ: không thể chỉ dạy, chỉ có thể trực nhận
“Thủy thủy tâm nguyệt” nghĩa là trăng trên mặt nước. Hình tượng ám chỉ Tướng -Tánh (nước là Tánh, bóng trăng trên mặt nước là Tướng). Tướng là biểu hiện của Tánh cũng giống như bóng trăng trên mặt nước.
2.7.2. Từ “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”
Ở Việt Nam, có khi các khái niệm Chân như vốn là một chân lý rất khó giải thích được dựa trên cách định danh của Tống Nho. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận[20]: Phần “Một số chủ đề khác của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”:
“Hải Lượng (Ngô Thì Nhậm) nói:
- “Đối với đa số, cái tính trời khó hiển lộ mà cái tính người khó làm tiêu diệt cho hết. Nếu tính người mà diệt, thì mọi cảm nghĩ đều vắng lặng mà cái nhất nhân tự lộ (nhất chân tự như).
“Tính người” ở đây là phiền não, mà “tính trời “ là Bồ - Đề ; “nhất chân tự như” tức là chân như”.
2.7.3. Triết lý “sắc -không” nhìn từ văn hóa phương Tây
Ngày nay, qua giao lưu văn hóa triết lý “sắc không” đó cũng có thể đước tiếp cận, giải thích từ văn hóa phương Tây. Chúng ta có thể cảm nhận được điều kỳ diệu này từ nhiều truyền thống văn hóa khác nhau).
Ví dụ một đoạn trong tác phẩm "Thức tỉnh mục đích cuộc sống"[21]:
“Cái thực tại hai tầng của vũ trụ: tức là Hình tướng và Vô tướng – tức là Có và Không – cũng là thực tại của bạn.
Một đời sống quân bình, lành mạnh của một con người là một điệu múa giữa hai chiều làm nên thực tại của đời sống: thế giới hình tướng và thế giới của Vô Tướng.
Hầu hết chúng ta đều tự đồng nhất mình với hình tướng, với những cảm xúc, ý nghĩ đến nỗi nửa thiết yếu bên kia – chính là Vô Tướng – biến mất khỏi cuộc đời chúng ta. Thói quen tự đồng hóa mình với hình tướng trói chặt chúng ta vào bản ngã. Nói chung những gì mà bạn có thể nghe, nhìn, cảm nhận, sờ mó, hay nghĩ về nó chỉ là một nửa của thực tại.
Ở một cách nhìn khác "Không là vạn sự không có tự tính..." (là tất cả sự vật hiện tượng tồn tại dựa vào sự liên kết, thẩm thấu trong nhau) chứ có phải là trống rỗng hay hư vô. Như vậy, triết lý Sắc Không và quan niệm "Kiến tánh thành Phật" cũng khá sức gần gũi với con người trong xã hội phương Đông lẫn phương Tây hiện đại hôm nay.
2.8. Từ lý Duyên khởi đi đến bản thể, Phật tánh, kiến tánh
2.8.1. Duyên khởi
Duyên khởi là một triết lý gẫn gũi nhưng sâu sắc của Phật học. Thế giới là trùng trùng những mối liên hệ nhân quả, nhân duyên chồng chéo, liên kết, thẩm thấu vào nhau. Triết lý duyên khởi là triết lý phổ biến trong Phật giáo nhưng nó có nhiều công năng quan trọng.
Kinh Tạp A Hàm nói về lý Duyên khởi: “Cái này có thì cái kia có / Cái này không thì cái kia không / Cái này sinh thì cái kia sinh / Cái này diệt thì cái kia diệt”.
Dựa trên lý Duyên khởi, Đức Phật thiết lập triết lý về 12 nhân duyên. Lý duyên khởi còn là cơ sở cho việc suy nghiệm thường xuyên (quán niệm) về thực tánh (trong mối quan hệ Tánh – tướng) trong các mối tương quan của vũ trụ:.
2.8.2. Từ Duyên khởi đến Bản thể, Phật tính
Từ lý Duyên khởi, qua công phu hành trì, có thể tiếp cận bản thể.
“Quán niệm về thực tánh duyên khởi của vũ trụ vạn hữu cũng là quán niệm về tâm. Tất cả mọi đối tượng của tâm thức đều là tâm thức. Trong Đạo Phật, đối tượng của tâm thức dược gọi là pháp. Pháp được liệt kê thành năm loại: sinh vật lý (sắc), cảm thọ (thọ), tư duy (tưởng), hành nghiệp (hành[22]) và nhận thức (thức). Năm loại được gọi là năm nhóm (ngũ uẩn). Tuy thế nhóm thứ năm (thức) bao gồm cả bốn nhóm trước.
Quán niệm về duyên khởi là nhìn sâu vào các pháp để phát hiện tánh cách tương quan chặt chẽ của chúng, để thấy được chúng trong cái đại thể toàn nhất. Để thấy được thực tại không cắt xén thành từng mảnh nhỏ rời rạc khô chết.
Đối tượng cần được quán niệm trước tiên là con người của chính ta, là hợp thể ngũ uẩn. Hành giả quán niệm ngủ uẩn của chính mình nơi tự thân. Hành giả ý thức được sự có mặt của sinh lý, cảm thọ, tư duy, hành nghiệp và nhận thức. Hành giả quán sát những đối tượng ấy cho đến khi thấy rằng cái nào cũng có liên hệ thân thiết đến vũ trụ vạn hữu. Nếu không có vũ trụ vạn hữu thì hợp thể ngủ uẩn này cũng không thể có được.
Cũng như một cái bàn, cái bàn có được là nhờ những hiện tượng khác mà ta không gọi là bàn. Ví dụ rừng cây, người thợ gỗ, người thợ mộc, sắt để làm đinh, cưa và búa, bút chì và hàng trăm hiện tượng khác liên hệ xa gần tới cái bàn như cha mẹ người thợ mộc, sự hình thành xưởng mộc.[23]
Nhìn thấy thực thể của cái bàn thì ta thấy nơi sự có mặt của những hiện tượng mà ta không gọi là bàn. Trả lại tất cả những hiện tượng không bàn về cho vũ trụ: đinh về cho sắt, gỗ về cho rừng, người thợ mộc về cho cha mẹ… thì cái bàn không còn có thể có mặt nữa. Người nào nhìn cái bàn mà thấy được vũ trụ, người ấy thấy được đạo.
Hành giả quán chiếu hợp thể ngũ uẩn của mình bằng cách đó cho đến khi thấy được sự có mặt của cái nhất thể thực tại nơi thân mình, mình cùng với sự sống của đại thể thực tại là một. Trả năm uẩn về thì tự ngã không còn nữa. Vũ trụ vạn hữu đang nuôi dưỡng hợp thể ngủ uẩn từng giây từng phút. Tự ngã chỉ là hợp thể ngũ uẩn [24]đó chứ không còn là gì khác và hợp thể ngũ uẩn đó cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và hoại diệt của vạn hữu trong vũ trụ”[25].
Đây cũng là “ngũ uẩn giai không” (Ngũ uẩn không có tự tánh, mọi sự vật hiện tượng đều nương tựa vào nhau để tồn tại) mà Bát Nhã tâm kinh đề cấp đến.
Tư tưởng này cũng đồng với tư tương ở kinh Kim Cang (Bài kệ Lục như):
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán.
(Tất cả các pháp hữu vi
Như bóng, bọt nước có gì khác đâu
Như sương, như điện lóe mau
Hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng
(Hãy quán niệm như vậy).
Triết lý duyên khởi là cơ sở cho nhận thức về đạo Phật, về bản thể, về Phật tánh, kiến tánh.
2.9. Tướng-thể-dụng trong triết học Phật giáo
Theo truyền thống triết học Phật giáo, bản thể và mỗi sự vật hiện tượng thường được miêu tả từ hai phương diện:
Thể là mặt bản thể của sự vật hiện tượng, còn gọi là tính (tánh). Thể: tạm dùng như từ ngữ thể hiện Bản thể. Bản thể trong Phật giáo có các tên gọi như: Chân như, Tính (Tánh), Không, Tính Không, Phật tánh, Phật, Chân không diệu hữu...
Tướng: mặt hiện tượng, biểu hiện của sự vật hiện tượng.
Có khi bản thể vũ trụ (bao gồm thế giới sự vật hiện tượng) được miêu tả từ ba phương diện: Thể (mặt bản thể) (tánh); Tướng (mặt hiện tượng, biểu hiện); Dụng (mặt ứng dụng, hoạt động). Ví dụ dễ hiểu về bản thể luận: "Sắc” (hình tướng), Nước là nhìn từ phương diện bản thể, "Không" (vô tướng)... Một ví dụ phổ biến: Ví dụ một đợt sóng trên biển. Con sóng sẽ tan và trở về với nước biển. Sóng có hai đời sống đồng thời, đời sống của sóng và đời sóng của nước. Khi kết thúc cuộc đời của sóng, khi một con sóng lên cao và kết thúc trở về với nước. Sóng là sự vật hiện tượng nhìn từ phương diện "Sắc' (hình tướng), Nước là nhìn từ phương diện bản thể, "Không" (vô tướng)...
Thể (Bản thể) ở đây thuộc lĩnh vực sâu sắc nhất của bản thể luận Phật giáo. Đôi khi người ta dùng khái niệm bản thể luận Phật giáo với nghĩa sâu sắc nhất của Thế giới quan Phật giáo.
Sắc thân dữ diệu thể,
Bất hợp bất phân ly.
Sắc thân và diệu thể
Chẳng hợp cũng chẳng lìa
(Thiền sư Đạo Sinh)
“Diệu thể” ở đây tức Bản thể, tức Không (Chân không). Sắc thân là hiện tượng, là Hữu (Diệu hữu).
Từ Tướng, Dụng để hiểu được, nhận thức được Thể. Đó là con đường của nhận thức luận Phật giáo. Đây là con đường tối quan trọng vì nó giúp chủ thể người tu học, người nghiên cứu đạt được con đường nhận thức cao thượng, để trực nhận bản thể, trực nhận tánh Không, kiến Tính (tánh).
Từ Tướng, Dụng đi vào cuộc sống bình đẳng (bình đẳng quan), không cố chấp – kỳ thị (xả), yêu thương (từ bi), đem lại hạnh phúc cho minh và người khác (Hỷ). Đó là lĩnh vực thuộc về nhân sinh lận Phật giáo. Có khi ta dùng với tên gọi quen thuộc là Nhân sinh quan Phật giáo. Hai, hoặc ba phương diện này đồng thời tồn tại, thống nhất nhau.
III. Thể - Tướng - Dụng của "Tính" trong giải mã một số bài thơ Thiền
3.1. Thể -Tướng - Dụng của Tính, trong thơ thiền
Thơ Thiền cũng có thể được khảo sát từ hai hoặc ba phương diện này. Tìm hiểu, giải mã thơ thiền cũng có thể đi từ ba con đường này:
- Thể: Thể hiện Bản thể - Chân như - Tánh - tánh Không - Chân không diệu hữu - Phật tánh - Phật. Những nội dung gần với bản thể như giải thoát, vô phân biệt, xả, tịch diệc…
- Tướng: Hình thức thể loại, thế giới nghệ thuật (cảnh giới giác ngộ, cảnh chùa chiền, vấn đáp thiền, truyền pháp); cái đẹp của vô ngôn (hòa nhập của tướng và vô tướng); hình thức bài thơ thiền (tứ cú kệ, thơ Đường, haiku, thơ thiền hiện đại). Đó cũng là kiểu tư duy thơ (xét từ phương diện tư duy thơ); thơ thiền từng quốc gia; thơ thiền trung đại, thơ thiền hiện đại; thơ thiền khác với thơ Nho….
- Dụng: Tác dụng truyền đạo, ghi nhận giây phút đốn ngộ, tả cảnh ngụ tình, ứng dụng, ghi nhận trạng thái trước khi chứng ngộ - sau khi chứng ngộ (hậu đắc trí), truyền đạo…
Thơ thiền của các thiền sư thường chú trọng phương diện “thể” và “dụng” (tác dụng) tạo điều kiện đốn ngộ cho người nghe. Thơ thiền của cư sĩ có khi cũng có tính chất như thơ của thiền sư, nhưng có khi chú trọng đến “tướng” (ngôn ngữ, nghệ thuật…) của thơ thiền. Tác dụng của thơ thiền từ cư sĩ có khi rộng hơn tác dụng từ thơ thiền của thiền sư nhưng tác dụng khêu gợi sự giác ngộ không bằng thơ thiền của thiền sư.
3.2. Tìm hiểu một bài thơ thiền của thiền sư Khánh Hỷ (1066- 1142) (Tăng thống) – đời Lý
Lao sinh hưu vấn sắc kiêm không
Học đạo vô qua phỏng tổ tông
Thiên ngoại mịch tâm nan địch thế
Nhân gian thực quế khởi thành tùng
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
Đại dụng hiền tiền quyền tại thủ
Thùy tri phàm thánh dữ tây đông?
Dịch:
“Uổng công thôi hỏi sắc cùng không
Học đạo gì hơn phỏng Tổ tông
Ngoài trời tìm tâm thật khó thấy
Thế gian trồng quế đâu thành tòng
Đầu lông trùm cả càn khôn thảy
Hạt cải bao gồm nhật nguyệt trong
Đại dụng hiện tiền tay nắm vững
Ai phân phàm thánh với tây đông”
(Bản dịch của Thiền sư Thích Thanh Từ)
Bài thơ có 4 câu đầu chịu ảnh hưởng Bác Nhã tâm kinh, 4 câu sau chịu ảnh hưởng của Hoa Nghiêm.
Bốn câu đầu: Người nghi hoặc, người hỏi đạo đi tìm đạo quyết tâm phá cửa “Sắc”- “Không”, nhưng chi hoài công. Vì triết lý này không chỉ được hiểu qua câu trả lời, qua ngôn ngữ mà cần sự thể nghiệm.
Bốn câu sau là sự kiến giải đạo lý dựa vào kinh Hoa Nghiêm. Qua tính tương tức -tương nhập (cái này đi vào cái kia, hàm chưa cái kia, và là cái kia) mà ngộ được “tánh” (bản thể). Khi có thì ai cần bỏ phàm tìm thánh hay bỏ Đông độ tìm Tây phương (nhận thức nhị nguyên). Đây cũng là biểu hiện sự khác biệt của khái niệm Chân như ở ở triết học Upanisad (Áo Nghĩa thư – Triết học Ấn Độ) và Chân như ở triết học Phật giáo.
Bản thể trong trường hợp này là Chân không diệu hữu. Tướng – Thể - Dụng dung thông, tương tức – tương nhập nhau. Được Thể nhưng không lìa, không bỏ Tướng và Dụng. Tướng và Dụng (thậm chí “đại dụng”) ở đây là sinh hoạt đời thường trong hiện tại (hiện tiền).
3.3. Tìm hiểu một bài thơ của một thiền sư đời Lý - thiền sư Đạo Hạnh (1072 – 1116)
Thiền sư Đạo Hạnh tham vấn hỏi Kiều Trí Huyền và được Kiều Trí Huyền trả lời :
Ngọc lý bí thinh diễn diệu âm,
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.
Hà sa cảnh thị Bồ đề cảnh,
Nghĩ hướng Bồ đề cách vạn tầm.
Dịch:
Trong ngọc ẩn thinh diễn diệu âm,
Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm.
Hà sa cảnh là Bồ đề cảnh,
Nghĩ đến Bồ đề cách vạn tầm.
“Cá trung mãn mục bày thiền tâm”: trước mắt toàn là thiền tâm (Phật tâm, phật tính). “Hà sa cảnh thị bồ đề cảnh”: Hà sa cảnh nghĩa là vô lương, vô số (như cát sông Hằng). Tất cả cảnh ta thấy trước mắt là cảnh bồ đề. Cảnh nào cũng là cảnh bồ đề (giác ngộ).
Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm: Hướng về Bồ đề (giác ngộ) là tích cực. Nhưng đến giai đoạn cao hơn của sự tu tập là vô chấp. Hướng về Bồ đề trong tình huống này là còn chấp, còn định hướng, còn phân biệt phiền não với bồ đề (chấp ở độ vi tế, tinh vi trong dụng tâm). Hễ còn chấp là còn xa với tâm Bồ đề, xa với sự giác ngộ, giải thoát.
Thiền sư Đạo Hạnh cũng đã đề cập đến bản thể. Trong “Thiền uyển tập anh”, thiền sư Đạo Hạnh có bài thơ Hữu không:
Tạc hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu, không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Dịch nghĩa:
Bảo là “có”, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có
Bảo là “không”, thì tất cả (thế gian) đều không
“Có” và “không” như ánh trăng dưới nước
Đừng có bám hẳn vào cái “có” cũng đừng cho cái “không” là không.
Dịch thơ:
Có thì muôn sự có
Không thì tất cả không
Có, không trăng đáy nước
Đừng mắc có cùng không
(Thích Thanh Từ dịch)
Có không trăng đáy nước (Hữu không như thủy nguyệt): “trăng đáy nước” ở người dịch đã dịch thoát nghĩa. Thực chất là trăng trên mặt nước, chỉ là ảnh, là hiện tượng bên ngoài của bản thể.
Vật trước hữu không không: Chớ chấp vào có - không. Phải hiểu lẽ Có-Không (Sắc -Không) sâu sắc nhưng đừng chấp vào Có-Không. Vì từ phía thực hành Thiền, còn chấp một điều, dù đó gọi là chân lý, cũng chưa triệt ngộ, cần phải vô chấp (vật trước hữu không không).
3.4. Tìm hiểu một bài thơ của Tuệ Trung thượng sĩ (1230-1291) - đời Trần
Tuệ Trung thượng sĩ là anh hùng dân tộc có công vệ quốc, đồng thời là nhân vật Thiền học lỗi lạc, thuộc tôn thất nhà Trần. Về Thiền học, thượng sĩ là đạo huynh của vua Trần Thánh Tông. Thượng sĩ được Trần Thánh Tông giao trách nhiệm hướng dẫn Thiền cho vua Trần Nhân Tông. Sau này, Tuệ Trung thượng sĩ cũng góp phần đặt nền móng cho thành lập, phát triển Thiền phái Trúc Lâm. Hơn nữa Thượng sĩ còn để lại cho hậu thế những bài thơ thiền xuất sắc trong lịch sử thơ thiền Việt Nam.
Bài thơ Đốn tỉnh - Tuệ Trung thượng sĩ là bài thơ độc đáo thời Trần:
Đoán tri không hữu bất tương sa (sai),
Sinh tử nguyên tòng nhất phái ba
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát cố niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.
Hoặc vấn như hà vi cứu cánh,
Ma-ha bát nhã tát-bà-ha.
Dịch:
Biết rằng "không", "có" chẳng cách xa,
"Sống", "chết" nguyên từ đợt sóng ra.
Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,
Hoa cười năm mới: hoa năm qua.
Ba sinh: gió thổi, đuốc lòe tắt,
Chín cõi: cối vần, kiến nhẩn nha.
Muốn hỏi thế nào là cứu cánh,
Ma-ha bát nhã, tát-bà-ha!
(Huệ Chi dịch)
Câu 1: “Biết rằng "không", "có" chẳng cách xa”. Thượng sĩ thấu triệt tư tưởng Bát Nhã tâm kinh.
Câu 2: “Sống”, “chết” nguyên từ đợt sóng ra.
Thượng sĩ dùng hình tượng thường gặp trong kinh sách Phật giáo[26]: Nước (bản thể) (tánh) – sóng (hiện tượng) (tướng).
Câu 3, 4: Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,
Hoa cười năm mới: hoa năm qua.
Hai câu tiềm ẩn triết lý Hoa Nghiêm, một là tất cả, tất cả là một.
Câu 5, 6: Ba sinh: gió thổi, đuốc lòe tắt,
Chín cõi: cối vần, kiến nhẩn nha.
Ý thơ diễn tả cõi đời chuyển biến.
Câu 7: Muốn hỏi thế nào là cứu cánh. Đây là câu hỏi phổ biến của người tìm đạo.
Câu 8: Ma-ha bát nhã, tát-bà-ha! Câu thơ trích nguyên văn một cụm từ trong Bát Nhã tâm kinh. Ngầm hiểu về triết lý về bản thể, triết lý “Sắc tức thị Không”.
IV. Kết luận
Thông qua những từ ngữ Phật giáo thường gặp, những từ ngữ này rất gần với những phạm trù triết học Phật giáo. Những công cụ này cũng góp phần trong việc thưởng thức, giả mã thơ thiền. Tuy nhiên có trường hợp cần phải kết hợp với thực hành, thực tập, chiêm nghiệm mới cảm nhận rõ những từ ngữ này.
Hy vọng những từ ngữ này sẽ giúp chúng ta có một số phương tiện có tính chất nhập môn nhưng quan trọng, để đi vào kinh sách, ngữ lục Phật giáo, thi ca Phật giáo. Đây chỉ là những thử nghiệm ban đầu. Rất mong nhận được sự chỉ dẫn của các bậc tôn túc.
TS Huỳnh Quán Chi, nguyên GV trường Đại học Tiền Giang
Huỳnh Minh Thông, GV trường CĐ Công Thương Tp.HCM
***
[1] https://www.rongmotamhon.net/tu-dien_phat-quang_none_rong-mo-tam-hon.html#1
[2] Chân Nguyên – Nguyễn Tường Bách (1995), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 323-324.
[3] Xin xem phần 2. 3.
[4] Quan niệm của Thiền tông: Kiến tánh thành Phật, thể hiện quan niệm này.
[5] Từ điển Phật học Chân Nguyên – Nguyễn Tường Bách (1995), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 373.
[6] “Tâm trong kinh điển Phật giáo Bắc truyền”, Trần Hoàng Hùng, Nghiên cứu Tôn giáo số 778 (157), 2016; trang 47-66).
[7] Chơn (Chân) tâm trực thuyết – Thiền sư Phổ Chiếu, Tu viên Chơn Không, 1973; (trg 21-22).
[8] Thiền sư Phổ Chiếu: (1158-1210) (1158-1210) được xem là một đại lương đống của Phật Giáo Cao Ly. Về Thiền Tông, Ngài chủ trương: “Định tức huệ, huệ tức định”. Nhưng đặc biệt chú mục nơi “Định huệ gồm tu”.
Hai quyển “Chơn Tâm trực thuyết” và “Tu Tâm quyết” này chỉ là hai tác phẩm nhỏ do Ngài Phổ Chiếu trước tác. Tuy nhỏ nhưng rất có giá trị và được kết tập vào Đại Tạng Kinh. Tác phẩm này đã được dùng làm tài liệu chính thức cho Thiền viện Chơn Không.
[9] Trang 136-137
[10] Mối quan hệ Phật tình - tính không -Niết bàn là một, thống nhất trong nhau..
[11] Ví dụ: Tam pháp ấn...
[12] Chân Nguyên - Nguyễn Tường Bách (1999), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế; trang 302-304.
[13]Thiền sư Phổ Chiếu (1973), Chơn Tâm trực thuyết, Thích Đắc Pháp dịch, Tu viên Chơn Không, Bà Rịa – Vũng Tàu; trg 21-22.
[14] Chân Nguyên – Nguyễn Tường Bách, Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 207-208.
[15] Pháp ở đây chỉ sự vật hiện tượng.
[16] Xin xem phần 2.1, (trang 01-02).
[17] Ðại thừa đi thêm một bước nữa, sử dụng Không như một danh từ (s: sú̄nyatā), xem Không là vạn sự, vạn sự là Không, tức mọi hiện tượng thân tâm đều không hề có tự tính (s: svabhāva). Chân Nguyên – Nguyễn Tường Bách, Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 207-208.
[18] https://thuvienhoasen.org/a10231/thien-luan-quyen-ha
[19] Pháp: Theo Từ điển Phật học (Chân nguyên- Nguyễn Tường Bách), trang 312: Pháp: 法; S: dharma; P: dhamma; cũng đươc dịch theo âm Hán Việt là Ðạt-ma, Ðàm-ma; Một khái niệm quan trọng của đạo Phật, có nhiều nghĩa:
Qui luật bao trùm toàn thể vũ trụ, nhất là qui luật tái sinh dưới tác động của nghiệp.
Giáo pháp của Ðức Phật, là người đã giác ngộ qui luật nói trên. Ðó là giáo pháp về sự thật tuyệt đối. Người Phật tử khi qui y tam bảo (s: trisáranạ), trong đó có qui y “Pháp” chính là chấp nhận giáo pháp này.
Giới luật trong đời sống tu hành, Giới (s: sí̄la), Luật (s: vinaya).
Sự thể hiện của thể tính Chân như, là toàn bộ vũ trụ, mọi hiện tượng.
Nội dung tâm thức, đối tượng của mọi quán chiếu, tư tưởng, sự phản ánh của sự vật lên tâm thức con người.
Những thành phần dựng lập thế giới hiện hữu, thuyết của Phật giáo thay thế cho tư tưởng “vật chất” (materia), “nguyên tử” (atom) của triết học châu Âu. Tổng quát lại, người ta có thể hiểu pháp là “tất cả những gì có đặc tính của nó – không khiến ta lầm với cái khác – có những khuôn khổ riêng của nó để nó làm phát sinh trong đầu óc ta một khái niệm về nó” (theo Phật học đại từ điển của Ðinh Phúc Bảo).
[20] Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 123, Nxb Văn học, H. 2009, trang 662.
[21] Thức tỉnh mục đích cuộc sống" ("A New Earth - Awakening To your life’s pupose"), Eckhart Tolle, Nxb Trẻ, Tp HCM, 2011, trang 139.
[22] Hành là ý định, toan tính, suy tư, cân nhắc trước một quyết định. Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành.
[23] Đây cũng là tương tức – tương nhập theo tinh thần Hoa Nghiêm.
[24] Đây cũng là triết lý vô ngã trong Phật giáo.
[25] Nhất Hạnh (2023), Phép lạ của sự tỉnh thức, Nxb Thế giới, Hà Nội; trang 36-37.
[26] Xin xem phần 2.9.