'Nở rộ' liên hoan sân khấu: Vui hay buồn?
Vài năm trở lại đây, có nhiều liên hoan sân khấu được tổ chức. Trong những tháng cuối năm này, có đến 3 liên hoan sân khấu được tổ chức gần như cùng 1 thời điểm: Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng, Liên hoan Cải lương Toàn quốc, Liên hoan Sân khấu TPHCM lần thứ nhất. Đó là chưa kể đến những liên hoan sân khấu khác tổ chức rải rác trong năm. Vậy thì, hiện tượng này nên vui hay buồn? Hay là vui buồn lẫn lộn?
Vui
Có lẽ vui nhất chính là những nghệ sĩ. Bởi họ được thỏa sức sáng tạo, được giao lưu với đồng nghiệp khắp mọi miền Tổ quốc. Là nghệ sĩ, họ mừng hơn ai hết khi được cống hiến hết mình trên sân khấu.
Thêm nữa, mỗi lần liên hoan, họ lại có cơ hội mang về cho mình những huy chương. Mà huy chương là cơ sở để xét trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và cao hơn là Nghệ sĩ nhân dân.
Vui hơn nữa là lãnh đạo các đoàn, các nhà hát. Từ khi có thông tin về hội diễn, các đoàn nghệ thuật, các nhà hát đã phải chuẩn bị từ rất lâu, từ khâu tìm và chọn kịch bản rồi tổ chức dàn dựng. Thành thử không khí sáng tạo ở bên trong lại rất sống động.
Và sau đó, không khí của liên hoan thì càng sôi động hơn. Khán giả lại kéo tới rạp. Có khi là để ủng hộ "ngôi sao" mà mình hâm mộ. Có khi là để xem lại những vở diễn nổi tiếng được dựng lại.
Có khi là hồ hởi với những vở diễn mới. Nói gì thì nói, đi đến rạp trong những đợt liên hoan vẫn có không khí lễ hội hơn nhiều so với những buổi đi xem thông thường. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt.
Buồn
Niềm vui là vậy, nhưng nỗi buồn cũng không ít. Với một số đoàn eo hẹp kinh phí, nhiều khi không thể tìm đủ kinh phí để dựng vở. Và khi đủ kinh phí dựng vở rồi, lại còn phải lo đủ tài chính để có thể đưa vài chục con người đi lại, ăn ở khi mà liên hoan diễn ra rất xa địa phương đoàn trú chân.
Ví dụ rõ nhất là trong Liên hoan Cải lương 2024, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã không thể đem các tác phẩm của mình tới Cần Thơ vì lý do kinh phí. "Vắng cô thì chợ vẫn đông", thậm chí còn không có sự cạnh tranh của nhà hát này lại là cơ hội cho các đơn vị khác.
Tuy nhiên, xét đúng nghĩa của từ Liên hoan, thì rõ ràng đã vắng đi vài tiết mục đặc sắc.
Và rồi, ngay cả việc chọn tác phẩm để tham dự liên hoan cũng không đơn giản. Bình thường, với các nhà hát, việc chọn kịch bản để dàn dựng đã khó. Có kịch bản dàn dựng để đi diễn doanh thu rất ổn, nhưng để đi liên hoan thì lại không ổn chút nào.
Như đã nói ở trên, liên hoan chỉ là gọi chệch đi của cuộc thi, của hội diễn mà thôi. Bởi nếu chỉ là liên hoan thì miễn sao càng đặc sắc càng tốt. Nhưng không, liên hoan mà có giải, có huy chương thì khác rồi.
Vậy là phải chọn những tác phẩm phù hợp với liên hoan, có thể là rất hoành tráng, nhân vật phải có "đất" để khoe khả năng diễn xuất. Để cuối cùng đôi khi dẫn đến một hệ quả là vở diễn đạt giải, đạt huy chương nhưng khi bán vé lại không được, vì không đáp ứng được nhu cầu của khán giả.
Vui buồn lẫn lộn
Có lẽ đây là cảm giác của nhiều người làm sân khấu. Nhiều liên hoan thì cũng vui thật đấy. Nhưng cuối cùng thì được gì?
Vẫn chưa thấy những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, những sáng tạo đột biến. Thậm chí, những gương mặt diễn viên ấn tượng cũng chưa. Tất nhiên, điều này chưa đến nỗi quá lo ngại, bởi một thế hệ "vàng" của một thời đại hoàng kim là chuyện cả thế giới cũng luôn trông chờ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là càng lúc càng nhiều liên hoan, thậm chí nhiều liên hoan mới ra đời những năm gần đây đã có cơ hội trở thành hoạt động chính thức vài năm một lần, nhưng sân khấu vẫn đứng yên.
Ở chỗ sau liên hoan, nhiều khán giả vẫn chưa có thói quen mua vé đến rạp xem kịch. Như là nô nức mua vé xem phim. Và một nền sân khấu không có khán giả, nó gần như không tồn tại.