Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam:Xây dựng thương hiệu Trung tâm sáng tạo quốc tế cho Hà Nội
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá về hiệu quả của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội trong xây dựng thương hiệu Trung tâm sáng tạo quốc tế cho Hà Nội.
Văn phòng UNESCO tại Việt Nam là một trong những tổ chức đã đồng hành kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (năm 2019). Trải qua 4 kỳ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã có sự đánh giá khách quan về hiệu quả mà lễ hội mang lại.
- Từ năm 2021, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức thường niên và mùa lễ hội năm nay tiếp tục củng cố vai trò là một sáng kiến văn hóa sáng tạo tiêu biểu, thúc đẩy việc tích hợp sáng tạo vào quy hoạch đô thị và phát triển chính sách, thể hiện cam kết của chính quyền Thành phố Hà Nội đối với mô hình Thành phố sáng tạo của UNESCO. Việc tổ chức thành công các mùa lễ hội góp phần truyền cảm hứng cho Thành phố tiếp tục đặt trọng tâm ưu tiên ngành Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, và công nhận đó là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển và bảo tồn văn hóa. Điều này góp phần vào sự phát triển liên tục của các không gian công cộng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, trong đó bao gồm việc thành lập trung tâm điều phối hoạt động và mạng lưới sáng tạo của Thành phố.
Các lễ hội cũng là nền tảng thúc đẩy hợp tác quốc tế. Ví dụ, Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực ASEAN mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội 2023 đã tạo cơ hội để Hà Nội giao lưu, chia sẻ và học hỏi, thu hút du lịch.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa. Thông qua các hội thảo tương tác, triển lãm và trưng bày nghệ thuật, lễ hội giúp lĩnh vực thiết kế sáng tạo trở nên dễ tiếp cận hơn, đồng thời khuyến khích sự tham gia từ nhiều nhóm cộng đồng khác nhau. Các nghệ sĩ và nhà thiết kế địa phương cũng được hưởng lợi khi có một nền tảng để giới thiệu tác phẩm và sản phẩm của mình.
- Ông đánh giá thế nào về tài nguyên di sản văn hóa cùng nội lực của đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo trẻ - những nguồn lực làm nên thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội?
- Hà Nội là một trung tâm văn hóa lớn của Việt Nam, nơi sáng tạo đóng một vai trò cốt lõi.
Khi các nhà lãnh đạo thành phố tạo điều kiện hình thành môi trường để đưa sự sáng tạo lên hàng đầu, người dân sẽ được trao quyền sáng tạo để đóng góp vào chương trình phát triển. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là một ví dụ điển hình về cách mà một nền tảng do chính quyền điều hành có thể thu hút, làm nổi bật và kết nối các sản phẩm, dự án có sẵn trong ngành văn hóa và sáng tạo của Hà Nội. Thông qua lễ hội, thành phố có thể thu hút và sử dụng các nguồn lực văn hóa, mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ và quan hệ đối tác công - tư để cùng góp sức đóng góp cho thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội.
- Theo ông, Thành phố Hà Nội cần có những bước đi như thế nào để phát huy mạnh mẽ các nguồn lực trong những kỳ lễ hội tiếp theo?
- Hà Nội đã khai thác tiềm năng di sản văn hóa và đội ngũ sáng tạo trẻ hiệu quả, tôi tin rằng chúng ta có thể hướng đến những tác động rộng rãi hơn bằng cách thúc đẩy một hệ sinh thái toàn diện và bao trùm, nơi các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo phát triển mạnh mẽ. Ví dụ, chúng ta có thể nghĩ đến việc tổ chức các sự kiện diễn ra trước thềm Lễ hội Thiết kế sáng tạo tại các không gian sáng tạo để tạo đà và thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Các chương trình hợp tác với các trường học, trường đại học và tổ chức thanh, thiếu niên để thu hút sự tham gia của giới trẻ vào các vai trò khác nhau như tình nguyện viên, nghệ sĩ, người tổ chức sự kiện...
Di sản văn hóa sẽ tiếp tục là yếu tố quyết định của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thông qua việc tích hợp các câu chuyện di sản với các định dạng sáng tạo. Để làm nổi bật di sản phong phú của mình, thành phố có thể cân nhắc sử dụng nhiều trải nghiệm tương tác như thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), giúp tái hiện các di sản và nghề thủ công truyền thống trong không gian trải nghiệm của lễ hội.
Việc kết nối hợp tác giữa các nhà thiết kế trẻ và các làng nghề có thể đem lại những cách diễn giải đương đại về nghề thủ công truyền thống, với sức mạnh độc đáo của di sản và sự sáng tạo của tuổi trẻ. Cuối cùng, lễ hội có thể mời những nhà thực hành sáng tạo trên thế giới đến Hà Nội để cùng học hỏi và nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm mới và khám phá cơ hội đưa sản phẩm sáng tạo của Việt Nam bước ra thế giới. Những hoạt động này sẽ giúp định vị Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội như một nền tảng sôi động cho cả việc bảo tồn di sản và phát triển văn hóa sáng tạo.
- Ông có đề xuất gì để Hà Nội nâng tầm vị thế của mình trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO?
- Năm 2024 là năm cuối của dự án Hanoi Rethink, nằm trong khuôn khổ chương trình “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội”. Đây là một dự án mà Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã phối hợp cùng UNIDO và UN Habitat, với sự hỗ trợ của Tập đoàn SOVICO thực hiện trong bốn năm qua để đóng góp cho tầm nhìn chiến lược của Thủ đô sáng tạo Hà Nội. Dự án kết thúc cũng đồng thời mở ra một giai đoạn tiếp theo cho sự phát triển văn hóa và sáng tạo không chỉ ở Hà Nội mà còn trên toàn quốc. UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hà Nội trong quá trình thực hiện chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, củng cố vai trò tiên phong của thành phố ở Việt Nam và trong khu vực.
Một số cách tiếp cận mà Hà Nội có thể nghiên cứu để nâng cao hiệu quả khi thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố là:
Thứ nhất, liên tục rà soát và đánh giá việc thực hiện các chính sách, quy định cấp thành phố để kịp thời hỗ trợ các không gian sáng tạo, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo. Thứ hai là giáo dục sáng tạo có thể diễn ra ở mọi lúc mọi nơi, trong và ngoài nhà trường. Kinh nghiệm quốc tế cũng đã chỉ ra ích lợi của việc tích hợp các hoạt động ngoại khóa về giáo dục sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Việc xây dựng một hệ sinh thái giáo dục sáng tạo hiệu quả sẽ giúp Hà Nội ươm mầm tài năng sáng tạo. Thứ ba là sử dụng hiệu quả quan hệ đối tác công - tư giúp huy động nguồn lực từ các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương, đồng thời đẩy mạnh mối liên kết giữa các chủ thể của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo. Và cuối cùng là trên phương diện hợp tác trong nước và quốc tế, UNESCO sẽ chung tay với Hà Nội để nỗ lực nghiên cứu và tư liệu hóa kinh nghiệm của Hà Nội sau 5 năm Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Những kinh nghiệm này sẽ được chia sẻ với các thành phố sáng tạo mới như Hội An và Đà Lạt, và các ứng cử viên tiềm năng khác tại Việt Nam. Hơn nữa, UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Hà Nội với các thành phố sáng tạo khác trong khu vực, góp phần xây dựng thương hiệu Hà Nội như một trung tâm sáng tạo quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!