Thiền Trúc Lâm Yên Tử - Dòng thiền Việt Nam

NSGN - Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái khác, thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền Việt Nam.

Lịch sử Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Thiền phái Trúc Lâm xuất hiện cách chúng ta hơn 8 thế kỷ. Do sử liệu Thiền tông Việt Nam bị thất lạc nhiều, nên hiện nay chúng ta chỉ có được một cái nhìn sơ lược về Thiền phái Trúc Lâm.

Trong cuốn Thiền sư Việt Nam, với các tư liệu tìm thấy, Hòa thượng Thanh Từ ghi nhận thời kỳ đầu của thiền phái với 8 vị thiền sư: Thiền sư Thông Thiền, Tức Lự, Ứng Thuận, Tiêu Dao, Huệ Trung, Trúc Lâm, Pháp Hoa và Huyền Quang. Thời kỳ này trải dài từ đầu thế kỷ XIII đến gần giữa thế kỷ XIV. Chư vị Trúc Lâm, Pháp Loa, Huyền Quang được tôn làm Tam tổ Trúc Lâm. Trong đó Trúc Lâm Đại Đầu Đà (vua Trần Nhân Tông) là Sơ tổ.

Sau khi Tổ Huyền Quang mất (1334), không tìm thấy tư liệu nói về Thiền phái Trúc Lâm. Đến thế kỷ XVII, mới có tài liệu nói rằng ngài Hương Hải (1625-1715) là một thiền sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Ngài đã tạo ra một âm hưởng lớn cho thiền phái sau mấy trăm năm trầm lắng.

Vào nửa cuối thế kỷ XVII, xuất hiện Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Hải. Ngài vốn đắc pháp ở Tông Lâm Tế nhưng lại là người muốn làm sống lại tinh thần Thiền phái Trúc Lâm. Ngài là tác giả cuốn Thiền tông bản hạnh, kể về cuộc đời tu hành và ngộ đạo của 5 vị vua Trần.

Sau thời kỳ này, một lần nữa lịch sử thiền phái lại rơi vào giai đoạn trầm lắng.

Đến cuối thế kỷ XX, chúng ta là những người có duyên lành chứng kiến sự xuất hiện của Hòa thượng Thanh Từ, người có tâm huyết muốn khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Hiện nay, chúng ta chỉ có được các tư liệu lịch sử tương đối đầy đủ từ vua Trần Thái Tông đến Tổ Huyền Quang. Vì thế giai đoạn này đóng vai trò chính yếu trong việc tìm hiểu về Thiền phái Trúc Lâm.

Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông thờ phụng trong chùa Ngọa Vân Thượng - Ảnh: Phùng Anh Quốc

Tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông thờ phụng trong chùa Ngọa Vân Thượng - Ảnh: Phùng Anh Quốc

Thiền phái Trúc Lâm với Thiền tông

Là một thiền phái thuộc Thiền tông, nên muốn hiểu về Thiền phái Trúc Lâm, trước hết chúng ta cần biết về Thiền tông.

Theo Tự điển Phật học Huệ Quang, ở Trung Hoa, trước thời Đường, Thiền tông được dùng để chỉ cho tất cả các pháp môn lấy việc hành thiền làm chính. Như vậy Thiền tông được dùng để chỉ cho cả tông Thiên Thai, Tam Luận v.v…

Từ thời Đường trở về sau, Thiền tông mang ý nghĩa chuyên biệt, nó được dùng để chỉ cho pháp môn nào tu học theo pháp thiền mà Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã chỉ dạy. Theo nghĩa này, Thiền tông còn có các tên sau:

- Phật tâm tông: Vì pháp thiền này lấy Phật tâm làm chủ (tông). Nói cách khác, Phật tâm là chỗ y cứ cho việc tu hành. Và mục tiêu của việc tu hành là thể nhập Phật tâm.

- Tổ sư thiền: Vì pháp thiền này do các vị Tổ sư xiển dương truyền bá. Nói như thế không có nghĩa đây là pháp thiền do các vị Tổ sư lập ra. Đó cũng là một trong những pháp thiền do Phật Thích Ca chỉ dạy. Tuy nhiên lúc Thế Tôn còn tại thế, trong pháp hội của Ngài chỉ có Tôn giả Đại Ca Diếp lãnh hội được. Do đây Đại Ca Diếp được tôn làm Tổ sư đầu tiên của Thiền tông. Tổ Ca Diếp truyền pháp thiền này cho Tổ thứ hai là A Nan v.v… cứ thế nối tiếp đến đời thứ 28, là Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Tổ Bồ Đề Đạt Ma rời Đông độ sang Trung Hoa, truyền bá pháp thiền này. Do đây, ngài được tôn là Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa.

Sơ tổ truyền cho Nhị tổ Huệ Khả. Nhị tổ truyền cho Tam tổ Tăng Xán v.v... đến Lục tổ Huệ Năng.

Tam tổ Tăng Xán có một người đệ tử tên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Sau khi đắc pháp, ngài sang Việt Nam truyền bá pháp thiền này, lập nên dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Lục tổ Huệ Năng có một người cháu cách ngài ba đời là Tổ Hoàng Bá. Một trong những đệ tử của Hoàng Bá là ngài Vô Ngôn Thông. Sau khi đắc pháp, ngài sang Việt Nam truyền bá pháp thiền này, lập nên dòng thiền Vô Ngôn Thông.

Đời thứ 13 của dòng thiền Vô Ngôn Thông, có một thiền sư là Đại sĩ Thông Thiền. Ngài là vị thiền sư đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm như đã nói ở đầu bài viết.

Vào lúc khởi đầu, việc truyền thừa trong Thiền tông thường âm thầm diễn ra giữa một thầy một trò, nên ít người biết đến. Càng về sau, khi căn cơ chúng sinh ngày càng thuần thục, có nhiều người tin hiểu và thực hành được pháp thiền này, nên Thiền tông ngày càng hiển lộ trước mắt đại chúng. Do lúc đó Đức Thế Tôn đã nhập diệt, đại chúng chỉ thấy được Thiền tông qua sự chỉ dạy của các vị Tổ sư, nên gọi là Tổ sư thiền.

Dù có tên là Tổ sư thiền, nhưng Thiền tông nói chung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, đều từ Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni mà có.

- Thiền Tối thượng thừa: Đây là loại thiền thứ năm trong 5 loại thiền: thiền Ngoại đạo, thiền Phàm phu, thiền Tiểu thừa, thiền Đại thừa và thiền Tối thượng thừa. Năm loại thiền này được nói trong kinh Hoa nghiêm. Nó hàm chứa tất cả các pháp thiền từ hữu lậu đến vô lậu, từ thiền thế gian đến thiền xuất thế gian. Và được Thiền sư Khuê Phong Tông Mật giải thích rõ trong tác phẩm Nguồn Thiền.

Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm là ngài Pháp Loa, trong bài “Khuyến chúng thượng thừa tam học”, đã viết: “Thiền có chia làm năm: thiền Ngoại đạo, thiền Phàm phu, thiền Tiểu thừa, thiền Đại thừa và thiền Thượng thừa. Đây nói thiền chính là thiền Thượng thừa vậy. Thiền này, từ Đức Phật Tỳ Lô Giá Na trải qua số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết đến Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Thích Ca truyền xuống cho 28 vị Tổ ở Ấn Độ và 6 vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao nhau truyền bá khắp nơi…”(1).

Sau, là đứng trên mặt mục tiêu mà nói lược về 5 loại thiền:

- Thiền Ngoại đạo và thiền Phàm phu nhằm đưa hành giả trở thành một vị trời thuộc Dục giới, Sắc giới hay Vô sắc giới.

- Thiền Tiểu thừa nhằm đưa hành giả trở thành một vị A-la-hán.

- Thiền Đại thừa nhằm đưa hành giả trở thành một vị Bồ-tát.

- Thiền Tối thượng thừa nhằm đưa hành giả tiến tới quả vị Phật. Quả Phật là quả vị cao tột, không còn quả vị cao hơn, nên gọi là thiền Tối thượng thừa.

Xét trên nghĩa hẹp, muốn tu Thiền tông, trước phải ngộ Phật tâm, y cứ vào chỗ đó mà tu Nhất hạnh tam muội, mới gọi là Thiền tông hay thiền Tối thượng thừa.

Trên thực tế, hầu hết mọi người, khi đến với Thiền tông đều chưa ngộ. Do đây chư vị Tổ sư phải y cứ vào kinh, lập ra các pháp môn dẫn đạo, đưa người đến chỗ ngộ đạo. Vì lý do này, chúng ta có thể hiểu Thiền tông theo nghĩa rộng hơn: Bất kỳ một pháp môn nào, lấy việc ngộ nhập Phật tâm làm mục tiêu đều thuộc về Thiền tông.

Tất cả các pháp môn thuộc Thiền tông đều có cùng một mục tiêu là ngộ nhập Phật tâm. Trên thực tế, có nhiều phương cách khác nhau dẫn đến mục tiêu ấy. Đây là lý do làm xuất hiện nhiều thiền phái khác nhau trong Thiền tông. Trong đó có Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Tinh thần và đặc điểm của Thiền phái Trúc Lâm

Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Thiền phái Trúc Lâm gắn liền với cuộc đời của 5 vị vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Trong đó vua Trần Nhân Tông là Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Muốn thấy được tinh thần và đặc điểm của thiền phái, chúng ta cần biết qua cuộc đời tu hành ngộ đạo của các vị, nhất là hai vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông.

* Vua Trần Thái Tông:

Ngài là vị vua đầu tiên của nhà Trần. Ngài lên ngôi năm 8 tuổi. Đến năm 20 tuổi, do có nhiều nỗi khổ, lòng ray rứt bất an, ngài bỏ ngai vàng trốn lên núi Yên Tử đi tu. Sau bao khó khăn nhọc nhằn, ngài lên tới đỉnh núi, vào tham vấn Đại sa-môn Quốc sư Trúc Lâm (Thiền sư Viên Chứng).

Gặp ngài, Quốc sư liền hỏi:

- Bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ, lên chốn núi non hẻo lánh này nhằm cầu việc gì?

Vua Trần Thái Tông đáp:

- Trẫm lên đây chỉ để cầu làm Phật.

Quốc sư nói:

- Trong núi vốn không có Phật. Phật ở trong tâm. Nếu tâm lặng mà biết, đó là chân Phật. Nếu bệ hạ ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.

Ngay câu nói đó ngài thấy được đường vào và xin nhận Quốc sư làm thầy.

Ngày hôm sau, Trần Thủ Độ cùng các quan lên núi thỉnh ngài về kinh. Do lòng còn phân vân, ngài đến thỉnh ý thầy.

Quốc sư Trúc Lâm cầm tay ngài nói rằng: “Phàm là đấng nhân quân, phải lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình. Lấy tâm thiên hạ làm tâm mình. Nay thiên hạ muốn ngài về, ngài không về sao được? Tuy nhiên việc nghiên cứu nội điển đừng phút nào quên”.

Y theo lời dạy, ngài quay về kinh thành. Vừa thực hiện nhiệm vụ của một vị vua vừa tu hành. Hơn 10 năm sau, ngài ngộ đạo trở thành một thiền sư. Với trí tuệ của một vị vua thiền sư, ngài lãnh đạo đất nước, đánh tan quân xâm lược Mông Cổ.

Sau cuộc chiến, đất nước thái bình, ngài nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông và lên làm Thái thượng hoàng. Từ đây ngài vừa cố vấn cho con, vừa tu hành. Khi đất nước hoàn toàn ổn định, vua Trần Thánh Tông đã đủ sức để đảm đương việc nước, ngài lui về lập am ở chốn rùng núi Vĩ Lâm, cố đô Hoa Lư, vừa an dân lập ấp, vừa tu hành.

* Vua Trần Nhân Tông:

Ngài là vị vua đời thứ ba của nhà Trần. Cũng như vua Trần Thái Tông, vì không thích làm vua, nên có lần ngài trốn lên núi Yên Tử đi tu, nhưng không được. Ngài phải trở về kinh thành để vừa làm nhiệm vụ của một vị vua, vừa tu hành. Nhờ Tuệ Trung Thượng Sĩ khai thị, ngài thông suốt đường vào, nên thờ Thượng Sĩ làm thầy.

Dưới sự dẫn dắt của Thượng Sĩ, ngài thấu được cốt tủy của Thiền tông. Ngài là một vị vua anh hùng, hai lần cầm quân đánh thắng quân Nguyên - Mông, giữ yên bờ cõi. Khi đất nước thái bình ổn định, ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lui về chốn rừng núi, xuất gia tu hành theo hạnh đầu đà, nên có pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà.

Khi còn ở trong kinh thành, dù là vua, ngài sống đơn sơ đạm bạc, chỉ hết lòng lo cho dân cho nước. Ngài là tấm gương đạo đức cho quan lại noi theo để trở thành các vị quan thanh liêm. Lấy việc phục vụ đất nước nhân dân làm chính.

Vì người đời do sa đà theo ngũ dục, thường tạo thập ác nên cuộc đời thường chịu nhiều quả báo bất trắc, tai ương hoạn nạn, tuổi thọ ngắn ngủi. Nếu thường hành thập thiện thì tránh được các việc trên, phước đức tăng trưởng, được quả báo tốt đẹp. Vả lại, một xã hội trong đó có nhiều người hành thập thiện mang tinh thần Bồ-tát “tập vì người để bớt vì mình, tập quên mình để có thể sống vì người”, là một xã hội an hòa, vững mạnh, không cướp bóc tàn hại lẫn nhau. Người trong nước dễ dàng đoàn kết, cùng nhau tiến lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách đến từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Nên sau khi rời kinh thành, ngài vừa tu hành vừa giáo hóa nhân dân. Ngài đi khắp nơi chỉ dạy cho người dân hành thập thiện và đi khắp nơi phá bỏ các dâm từ.

Cuộc đời của hai vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đã nói lên tinh thần cũng như chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm:

1- Do Phật tại tâm, nên nếu khéo tu thì ở đâu tu cũng thành tựu.

2- Nếu được xuất gia để tu hành thì rất tốt. Nếu chưa, người tu vẫn có thể vừa đảm đương trách nhiệm thế gian, vừa tu hành đến chỗ ngộ đạo.

3- Chủ trương ấy đã nói lên đặc điểm của Thiền phái Trúc Lâm. Thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế. Nhập thế có nhiều mức độ: Sau khi đại ngộ ở trên núi cao, người đời tự tìm đến, theo đó mà giáo hóa người. Sau khi đại ngộ, xuống đồng bằng lập thiền viện để giáo hóa người. Sau khi đại ngộ, ở chợ đời tùy duyên mà giáo hóa người v.v... Trong trường hợp của các vua Trần, vừa làm vua, vừa tu hành, vừa giáo hóa nhân dân, là mức độ nhập thế cao nhất.

Thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế ở mức độ cao nhất, nên cũng là nhập thế ở mọi mức độ. Điều này được chứng minh khi sử sách ghi chép rằng dưới thời Tam Tổ Trúc Lâm có rất nhiều Tăng, Ni, quan chức, dân thường tu hành ngộ đạo.

Do thân chứng đến chỗ sâu xa nhiệm mầu của Phật pháp, nên chư vị có thể vận dụng Phật pháp một cách tinh tế trong việc giáo hóa, an dân, trị nước.

Dưới thời các ngài, đạo và đời luôn khắn khít, phát huy mạnh mẽ tính trí tuệ, can đảm, anh hùng nơi con người Việt. Từ đó làm nên những chiến công hiển hách, ba lần đánh thắng quân Mông, Nguyên, làm nên thời đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thành quả tu hành

Trong các tác phẩm của vua Trần Nhân Tông, có bài phú Cư trần lạc đạo. Bài phú này đã phần nào cho chúng ta thấy kết quả tu hành mà ngài đã đạt được.

Lục tổ Huệ Năng nói: “Đạo không lìa dòng đời, nhưng không nhiễm ô bởi dòng đời”. Vua Trần Nhân Tông đã hiện thực hóa câu nói này một cách hoàn hảo bằng chính cuộc đời mình. Với ngài đâu phải chỉ khi ở trên núi cao, ở nơi thanh vắng, ở trong chốn tòng lâm mới có niềm vui đạo. Ở đâu trong chốn trần lao, ngay cả khi ở trong sự bộn bề phức tạp của việc làm vua vẫn có thể vui đạo. Qua đây ngài muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng: “Nếu khéo tu thì dù đang ở trong cuộc đời đầy bất trắc loạn động, vẫn có được niềm vui vi diệu rộng lớn của đạo. Nếu khéo tu, dù đang ở trong chốn Tà-bà nóng bức, dẫy đầy những phiền não nhiễm ô, chúng ta vẫn có được sự mát mẻ, an vui, thanh tịnh của cõi Tịnh độ.

Đến đây, chúng ta mới thấy đầy đủ tính cách nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm.

Nhập thế là gì? Là đưa Phật pháp vào lòng người, là đưa đạo vào đời.

Hầu hết các thiền phái thuộc Thiền tông đều nhấn mạnh đến phần xuất thế. Phần nhập thế chỉ đặt ra với người đã triệt ngộ. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lại chủ trương rằng với những ai có đầy đủ niềm tin và chánh kiến thì có thể đặt ra vấn đề nhập thế khi chưa triệt ngộ. Người tu dù sống trong đời, làm nhiều việc cho đời, nhưng do có chánh kiến nên biết cách giữ mình, không “quên mình theo vật”. Do vậy, dù chưa ngộ, họ vẫn không sống trái với đạo, là điều kiện để tiến trình xuất thế diễn ra cho đến khi triệt ngộ. Hiện nay với chủ trương Thiền Giáo song hành, Hòa thượng Thanh Từ đang thể hiện tinh thần nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm.

Sau khi ngộ, vẫn tiếp tục vừa tu hành (để thể nhập) vừa làm lợi ích cho đời, để thực sự chứng nghiệm được rằng đạo vốn không lìa đời, ngay nơi đời mà là đạo, ngay trên từng sai biệt của cuộc đời mà vẫn thường thấy đạo, vui đạo. Đây là sự nhập thế triệt để, là đặc điểm riêng của Thiền phái Trúc Lâm.

Xuất phát từ dân tộc Việt, với đặc thù riêng, không như các thiền phái khác, thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền Việt Nam.

Vua Trần Nhân Tông vừa hoàn thành một cách xuất sắc trong vai trò của một minh quân, vừa đạt đến chỗ viên mãn của sự tu hành, nên không lạ gì khi người đời tôn ngài là Sơ tổ Trúc Lâm, là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

___________________

(1) Thiền sư Việt Nam - Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Chánh Tấn Tuệ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/thien-truc-lam-yen-tu-dong-thien-viet-nam-post27245.html
Zalo