Mỗi giờ, hàng chục nghìn hecta rừng nhiệt đới toàn cầu 'bị xóa sổ' do cháy rừng

HNN.VN - Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy cháy rừng đã gây ra tình trạng mất rừng 'chưa từng có' trên toàn cầu vào năm 2024, do sự kết hợp nguy hiểm của hạn hán liên quan đến biến đổi khí hậu, nhiệt độ cực đoan và việc mở rộng nông nghiệp ở vùng nhiệt đới.

 Cháy rừng ngày càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Twitter

Cháy rừng ngày càng nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Twitter

Tổng cộng trong năm ngoái, diện tích cây xanh toàn cầu đã thiệt hại lên đến 30 triệu ha, tăng 5% so với một năm trước đó, với những dữ liệu đặc biệt đáng lo ngại ở khắp các vùng nhiệt đới, các tác giả của nghiên cứu được Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) công bố cho hay.

Diện tích cây xanh bị thiệt hại ở các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới đã lên tới con số kỷ lục 6,7 triệu ha - tức là bằng khoảng 1/2 diện tích Bán đảo Malaysia và gần gấp đôi mức thiệt hại 3,7 triệu ha của năm 2023. Quy mô tổn thất này tương đương với trung bình mỗi giờ, các khu vực rừng nhiệt đới trên toàn cầu “bị xóa sổ” bởi cháy rừng, tương đương với diện tích của khoảng 1080 sân vận động, tức khoảng hàng chục nghìn hecta.

Đáng lưu ý, hơn 50% diện tích rừng nhiệt đới “biến mất” do cháy rừng trong năm 2024 thuộc Brazil và Bolivia. Diện tích cây xanh bị thiệt hại cũng tăng ở một số vùng Trung Phi, nhưng lại giảm ở Indonesia và Malaysia.

Tại Indonesia, mưa gió mùa muộn và các nỗ lực phòng cháy của cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp nông sản đã giúp giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó tại Malaysia, các nỗ lực của chính phủ như thắt chặt luật lâm nghiệp, cùng với các cam kết của doanh nghiệp nhằm giảm nạn phá rừng đang phát huy hiệu quả.

“Những số liệu của năm 2024 chính là lời cảnh tỉnh cho mọi quốc gia, mọi ngân hàng, mọi doanh nghiệp quốc tế. Nếu tiếp tục đi theo con đường này, nền kinh tế, việc làm của người dân và mọi cơ hội ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu sẽ bị phá hủy”, bà Elizabeth Goldman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Global Forest Watch, nêu rõ.

Cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng

Rừng nhiệt đới rất quan trọng đối với nhân loại, đặc biệt là với các cộng đồng địa phương - chúng đóng vai trò là nơi dự trữ nước cho sông ngòi và mây, hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide, chứa lượng đa dạng sinh học phong phú nhất trên đất liền và là nguồn nguyên liệu thô chính cho các loại thuốc quan trọng.

Suốt nhiều năm qua, các nhà khoa học và chuyên gia về cháy rừng đã cảnh báo rằng thời tiết nóng hơn và hạn hán kéo dài, dữ dội hơn đang khiến các mùa cháy rừng trở nên khắc nghiệt hơn.

Điều đó phù hợp với dữ liệu về tổn thất của cây xanh trong năm 2024: Các vụ cháy rừng xảy ra trong năm ấm nhất từng được ghi nhận với điều kiện thời tiết nóng và khô, chủ yếu là do biến đổi khí hậu và kiểu thời tiết El Nino.

Các vụ cháy rừng trên toàn cầu trong năm 2024 cũng làm ô nhiễm không khí trầm trọng, thải ra 4,1 tỷ tấn carbon dioxide - gấp hơn 4 lần lượng khí thải từ tất cả các chuyến bay của năm 2023, và tiếp tục thúc đẩy biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo, diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới bị thiêu rụi trong năm 2024 cao hơn 5 lần so với năm 2023, trong đó cháy rừng là nguyên nhân chính của 50% tổng diện tích rừng nguyên sinh bị mất trong năm ngoái.

Brazil đứng đầu danh sách các quốc gia nhiệt đới bị mất rừng, với thiệt hại lên đến 2,8 triệu ha, tăng 148,5% so với năm 2023, do hạn hán và một trong những mùa cháy rừng tồi tệ nhất của quốc gia này. Được biết, 2/3 diện tích rừng bị tổn thất của Brazil trong năm ngoái là do cháy rừng.

Bolivia đứng thứ hai với diện tích rừng nguyên sinh bị mất tăng vọt đến 201% trong năm 2024 lên 1,48 triệu ha, trong đó gần 2/4 là do cháy rừng, chủ yếu là do khai hoang để hoạt động công nghiệp.

Diện tích rừng nguyên sinh bị mất cũng gia tăng ở Congo, nơi có một trong những rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, một phần là do cháy rừng và xung đột.

Trong một tia sáng hiếm hoi, tình trạng mất rừng nguyên sinh trong năm ngoái đã giảm ở Malaysia, giảm 13% xuống còn 68.851 ha. Ở Indonesia, tình trạng mất rừng nguyên sinh cũng giảm 11% từ năm 2023 xuống còn 258.812 ha.

Được biết vào năm 2021, hơn 140 quốc gia đã ký Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Glasgow, cam kết sẽ ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng vào năm 2030. Nhưng những số liệu mới nhất của nghiên cứu cho thấy mục tiêu này đã đi chệch hướng.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Guardian)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/moi-gio-hang-chuc-nghin-hecta-rung-nhiet-doi-toan-cau-bi-xoa-so-do-chay-rung-153916.html
Zalo