Những điểm sáng trong bảo tồn đa dạng sinh học

Cùng với những giá trị đặc hữu về hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học, tỉnh Quảng Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức trong công cuộc bảo vệ thiên nhiên trước nạn săn bắt động vật rừng trái phép, nạn chặt phá rừng trái phép.

Thực trạng ấy đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh, thôi thúc các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và các tổ chức quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường, phục hồi và bảo tồn sinh thái. Trong đó, việc đặt con người vào vị trí trung tâm của các chiến lược và kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng được xem là yếu tố then chốt. Chính nhờ những nỗ lực đồng bộ ấy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam đang từng bước chuyển mình, đem lại những tín hiệu tích cực cho sự hồi sinh của thiên nhiên hoang dã.

Nói về những nỗ lực trong công tác bảo tồn động thực vật quý hiếm tại Quảng Nam thì đầu tiên phải kể đến Vườn Quốc gia Sông Thanh. Với diện tích rộng hơn 76.500ha, nằm tại điểm giao nhau giữa dãy Trường Sơn Bắc và Nam, Vườn Quốc gia Sông Thanh là một trong những khu bảo tồn lớn nhất cả nước. Đây là nơi có tính kết nối sinh cảnh cao, tiếp giáp các khu bảo tồn khác như Ngọc Linh (Kon Tum) và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi - Quảng Nam.

Hình ảnh cá thể voi được ghi nhận tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam.

Hình ảnh cá thể voi được ghi nhận tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam.

Tại đây, các loài như voọc vá, mang lớn, mang Trường Sơn và nhiều loài lan quý vẫn đang được phát hiện và ghi nhận thường xuyên. Hệ thống rừng Pơmu hàng trăm héc-ta cũng là một điểm nhấn sinh thái đặc biệt. Nhờ giá trị ấy, Sông Thanh không chỉ là khu bảo tồn quốc gia mà còn mang tầm ảnh hưởng toàn cầu về sinh học.

Một điển hình khác là Khu bảo tồn (KBT) Sao la Quảng Nam, nằm trên địa bàn hai huyện Đông Giang và Tây Giang. Được thành lập từ năm 2012, KBT có diện tích hơn 15.000ha. Sự ra đời của KBT Sao la đã mở hành lang cho các sinh vật vùng núi giữa Lào và Việt Nam, ý nghĩa nhất là giúp bảo tồn loài Sao la đang bị đe dọa.

Công tác bảo vệ tại đây được triển khai hết sức đồng bộ từ tuần tra rừng, gắn bẫy camera, đến truyền thông cộng đồng và hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng đệm. Nhờ vậy, ngoài Sao la, nơi đây còn là nơi nương nấu an toàn của nhiều loài động vật hoang dã như thỏ vằn Trường Sơn, rùa hộp trán vàng, gà so Trung Bộ... Có lẽ cũng vì thế mà từ lâu, nơi đây được đánh giá là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, được xác định là vùng ưu tiên toàn cầu trong bảo tồn các loài quý hiếm.

Năm 2017, KBT loài và sinh cảnh voi Quảng Nam được thành lập với mục tiêu bảo vệ đàn voi châu Á hoang dã và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc hữu tại khu vực này. KBT có diện tích gần 19.000ha, nằm trên địa bàn hai xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Quế Sơn trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm khoảng 13.000ha.

Hiện nay, KBT là nơi sinh sống của một đàn voi rừng gồm 8 cá thể, bao gồm cả voi đực, voi cái và voi con, cho thấy dấu hiệu sinh sản tự nhiên và cấu trúc đàn ổn định . Ngoài voi, khu vực còn ghi nhận sự hiện diện của nhiều loài động vật quý hiếm như mang lớn Trường Sơn, voọc chà vá chân xám, khỉ mặt đỏ, thỏ vằn Trường Sơn và trỉ sao.

Trong suốt nhiều năm qua, Ban Quản lý KBT loài và sinh cảnh voi Quảng Nam đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Nhờ đó, không chỉ đàn voi rừng mà nhiều loài động thực vật quý hiếm tại đây cũng có được điều kiện sống khá ổn định.

Còn tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, hơn 30ha rừng tự nhiên đang là mái nhà của hàng chục cá thể voọc chà vá chân xám - loài linh trưởng quý hiếm chỉ có ở Việt Nam. Đây là quần thể voọc duy nhất trên thế giới có thể quan sát được ngoài tự nhiên.

Theo thống kê, năm 2017, tại đây chỉ có khoảng 23-25 cá thể voọc. Sau những nỗ lực áp dụng các biện pháp bảo tồn, đến giữa tháng 6/2024 thì số lượng cá thể voọc được ghi nhận đã tăng lên 77 con, tăng hơn gấp 3 lần chỉ sau 6 năm. Để có được kết quả đáng mừng đó, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng các ban ngành đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của loài, từ đó cùng chung tay gìn giữ loài động vật quý hiếm này. Song song đó, nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm mở rộng và phục hồi sinh cảnh cho voọc.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nhung-diem-sang-trong-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-i769315/
Zalo