Cuộc đua khốc liệt tìm khoáng vật quý ở 'Chị Hằng'
Mặt trăng có thể trở thành giai đoạn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh giữa các nước về nguồn tài nguyên giàu có.
Thiết lập sự hiện diện lâu dài
Khai thác khoáng vật quý giá mặt trăng không chỉ là chủ đề cho các bộ phim. Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Mỹ (NASA) và Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đang sử dụng chuyên môn Trái đất để xác định và lập danh mục các nguồn tài nguyên trên thiên thể nhằm tìm kiếm các vật liệu có giá trị - từ khoáng sản và đá nghiền có thể được sử dụng để xây dựng nhà ở và các thiết bị, đến nước băng có thể biến thành nước uống và thậm chí là nhiên liệu tên lửa.

Các cường quốc đang chạy đua khai thác mặt trăng. Ảnh: eenews.
Các khoáng vật quý hiếm có rất ít trên trái đất, điều khiến các nước nỗ lực lớn hơn nhằm đưa con người trở lại mặt trăng lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, thiết lập sự hiện diện lâu dài và cuối cùng là hỗ trợ du hành đến sao hỏa. Ngay từ năm 2025, NASA có kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng. Về lâu dài, cơ quan vũ trụ này đang nỗ lực khai thác và xử lý oxy, nước, titan, sắt, nhôm, magiê và các nguyên tố đất hiếm. "Đó không phải là câu chuyện khoa học viễn tưởng, có những nguồn tài nguyên cần khai thác", Laszlo Kestay, một nhà nghiên cứu núi lửa hành tinh tại Trung tâm Khoa học Địa chất học Vũ trụ USGS ở Flagstaff, Arizona, Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, tham vọng về mặt trăng của chính phủ Mỹ phải đối mặt với vô số thách thức, từ hạn chế về ngân sách đến rào cản công nghệ. Quan trọng không kém, địa chính trị của việc khai thác các nguồn tài nguyên không gian vẫn còn mơ hồ - một tình huống khiến Washington và các đồng minh của họ phải đối đầu với Bắc Kinh, Trung Quốc và Moscow, Nga.
Hoa Kỳ và hơn 20 quốc gia khác vào năm 2020 đã tham gia Hiệp định Artemis, đồng ý trở thành một phần của chương trình mặt trăng của NASA và ký vào một bộ nguyên tắc không ràng buộc dựa trên Hiệp ước Không gian Vũ trụ năm 1967. Các nguyên tắc đó liên quan đến mọi thứ, từ việc bảo tồn các di tích lịch sử trong không gian đến tránh xung đột, đảm bảo tính minh bạch và yêu cầu khai thác và sử dụng bất kỳ tài nguyên nào trên mặt trăng để tuân thủ hiệp ước. Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác đang theo đuổi một dự án cạnh tranh, Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế.
"Hai quốc gia có các quy tắc khác nhau, và do đó, nó đã bị phân cực, mặc dù Trung Quốc không hoàn toàn bất đồng quan điểm với Artemis", Angel Abbud-Madrid, Giám đốc Chương trình Tài nguyên Không gian của Đại học Mỏ Colorado, Mỹ cho biết. "Họ không phải là một phần của câu lạc bộ vì họ muốn giữ nó tách biệt, vì vậy căng thẳng đang gia tăng trong bối cảnh địa chính trị này".

Nghiên cứu cho thấy, các thiên thạch nhỏ va chạm với mặt trăng để tạo thành cảnh quan mặt trăng. Ảnh: polytechnique.
Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc
Nhấn mạnh điểm này, Quản trị viên NASA Bill Nelson đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO, rằng Bắc Kinh có thể thiết lập chỗ đứng trên mặt trăng, đặc biệt là ở những khu vực giàu tài nguyên như cực nam của mặt trăng và có thể hạn chế quyền tiếp cận của Hoa Kỳ. Cựu phi hành gia và thượng nghị sĩ bang Florida cho biết Hoa Kỳ đang bị mắc kẹt trong một "cuộc đua không gian", chỉ ra các kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc là đưa con người lên mặt trăng vào cuối thập kỷ này.
Một số người cho rằng các nguồn tài nguyên trên mặt trăng - năng lượng mặt trời, oxy và kim loại - có thể nằm trong tầm ngắm vì các thỏa thuận không nêu rõ ranh giới quốc gia trên mặt trăng. "Cuộc chiến giành lãnh thổ trên mặt trăng có thể giống như các cuộc xung đột khi các cường quốc nước ngoài giao tranh với nhau để giành thêm đất đai và tài nguyên", Matthew Gross, biên tập viên của Harvard International Review, cho hay. Những người khác cho rằng những người ủng hộ đang thổi phồng quá mức triển vọng khai thác trên mặt trăng và bối cảnh pháp lý, công nghệ và tài chính xung quanh việc định giá các nguồn tài nguyên trên mặt trăng vẫn còn trong giai đoạn trứng nước.
Henry Hertzfeld, một nhà kinh tế học và Giáo sư luật không gian tại Đại học George Washington, Mỹ cho biết việc nói về "khai thác" mặt trăng là không chính xác và những gì đang diễn ra nên được mô tả tốt hơn là nghiên cứu và phát triển. Ông cũng cho biết các nhà nghiên cứu, công ty tư nhân và học giả còn phải đi một chặng đường dài để chứng minh rằng mặt trăng có các nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế.

Một du khách đang xem các mẫu vật từ mặt trăng do tàu thăm dò Chang'e-5 của Trung Quốc mang về tại Bảo tàng Quốc gia. Ảnh Xinhua/Yin Dongxun.
“Quay lại để ở lại”
Không giống như lần cuối cùng con người đặt chân lên mặt trăng vào năm 1972 theo chương trình Apollo của Hoa Kỳ, NASA đang hướng tới mục tiêu tạo ra sự hiện diện lâu dài đầu tiên tại đó. Cuối năm 2024, NASA đã chỉ định một phi hành đoàn gồm 4 người tham gia chuyến bay Artemis II kéo dài 10 ngày quanh mặt trăng - lần đầu tiên sẽ có một phi hành gia người Canada, cũng như một người da màu là phụ nữ, trong sứ mệnh lên mặt trăng. Nhưng việc tạo ra một tiền đồn trên mặt trăng sẽ đòi hỏi cơ sở hạ tầng để tiếp nhiên liệu cho tàu vũ trụ và phương tiện, xây dựng trại căn cứ, chế tạo các bộ phận thay thế và duy trì sự sống - tất cả đều có chi phí hợp lý.
"NASA đã nói rằng mục tiêu của chương trình Artemis là quay trở lại để ở lại", Kestay cho biết. "Nếu bạn định ở lại, điều đó có nghĩa là phải xây dựng các căn cứ... và có một cuộc thảo luận liên tục về việc cố gắng tạo ra nhiên liệu tên lửa từ các vật liệu trên mặt trăng".
Tài nguyên vũ trụ gồm những gì?
Theo một bài đăng trên trang web của NASA mô tả về một "cơn sốt vàng trên Mặt Trăng" tiềm năng, các cuộc khảo sát địa chất cho thấy mặt trăng chứa các thành phần chính: nước để uống, đất trồng trọt và làm nhiên liệu cho tên lửa; heli để tổng hợp hạt nhân; và các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong nhiều thiết bị điện tử hiện đại. Abbud-Madrid ở Trường khai thác mỏ Colorado, Mỹ cho biết trọng tâm trước mắt sẽ là xác định vị trí và tìm hiểu về nước, oxy và sau đó là khoáng chất. Ông cho biết trong 5 năm tới, sẽ có một loạt các sứ mệnh thám hiểm lên mặt trăng - tiến hành khoan và thử nghiệm - để hiểu chính xác số lượng và độ đậm đặc của các vật liệu đó và mức độ dễ tiếp cận của chúng. Và trong thập kỷ tới, ông cho biết sẽ có nhiều cuộc thám hiểm hơn để thực sự khai thác vật liệu đó.
Các cơ quan vũ trụ đã hợp tác với ngành công nghiệp tư nhân để xem cảnh quan mặt trăng có những gì. Gerald Sanders, một nhà khoa học tên lửa tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA, đã nói với những người tham dự tại một hội nghị khai thác ở Úc rằng, cơ quan này đang khám phá việc khai quật đất mặt trăng, hay còn gọi là regolith, cũng như một nhà máy xử lý thí điểm có thể xây vào năm 2032. Sanders đã làm rõ rằng phạm vi và thời gian của các nhiệm vụ đó phụ thuộc vào ngân sách của NASA.
Nhà nghiên cứu núi lửa Kestay và các đồng nghiệp của ông đã viết một nghiên cứu đề xuất một cách để đánh giá sự giàu có của mặt trăng. Họ nhấn mạnh đến tính khả dụng của năng lượng mặt trời được sản xuất gần như liên tục tại các cực của mặt trăng có thể được khai thác bằng cách sử dụng các tấm gương. Kestay cho biết: "Không có thời tiết, không có bầu khí quyển để làm suy yếu mọi thứ, vì vậy nó rất đáng tin cậy và có thể dự đoán được". Báo cáo nhấn mạnh một trọng tâm lớn khác về mặt trăng - băng được cho là bị khóa chặt trong các miệng hố có bóng tối vĩnh viễn gần các cực của mặt trăng. Abbud-Madrid cho biết băng tan chảy của mặt trăng, còn được gọi là "nước sao hỏa", có thể được làm sạch và sử dụng để làm nước uống, và có một số dự án của các nhóm nghiên cứu tập trung vào cách xác định và loại bỏ các chất gây ô nhiễm để làm cho nước mặt trăng có thể uống được.
“Một lợi thế là bạn không cần nhiều nguồn nước mới cho con người, vì chất thải của con người (nước tiểu và mồ hôi) có thể được tái chế và làm cho có thể uống được trở lại (đó là những gì xảy ra trong Trạm vũ trụ quốc tế với tỷ lệ thu hồi lên tới 98%),” ông nói thêm. Nhưng Kestay và các đồng nghiệp của ông cũng lưu ý rằng có những câu hỏi cơ bản chưa được trả lời về thời điểm và cách thức băng hình thành.
“Cho đến khi các sứ mệnh của tàu thám hiểm mang lại dữ liệu thực tế mới, băng trên mặt trăng sẽ vẫn là một nguồn tài nguyên mang tính suy đoán cao, có thể vừa hạn chế vừa không thể tái tạo”, họ viết. Một nguồn tài nguyên khác, Kestay cho biết, là đá bột rời bao phủ bề mặt mặt trăng có thể được sử dụng để làm bệ hạ cánh và nhà ở, cũng như oxy để tạo nhiên liệu tên lửa.

Tên lửa Peregine Mission One của châu Âu đã sẵn sàng chinh phục mặt trăng. Ảnh: Cristóbal Herrera/EPA.
“Giai đoạn rất sớm”
Tham vọng của Nhà Trắng về một tiền đồn lâu dài trên mặt trăng là động thái mới nhất trong một loạt các động thái chính trị bị ảnh hưởng bởi các câu hỏi và sự không chắc chắn. Kestay cho biết tương lai vừa "đầy hứa hẹn hấp dẫn vừa rất không chắc chắn cùng diễn ra", và nỗ lực đưa con người trở lại mặt trăng của NASA phải đối mặt với các câu hỏi về quy mô, các câu hỏi xung quanh chuyện ngân sách và cách thức hoạt động của tên lửa. "Tôi nghĩ có thể nói rằng điều đó khá lạc quan", ông cho hay. Trong nhiều năm, các chính phủ đã đưa ra các chương trình và luật để tham gia vào nỗ lực ngày càng tăng nhằm khai thác tài nguyên từ không gian.
Năm 2015, Tổng thống Barack Obama đã ký một đạo luật cấp cho người Mỹ quyền sở hữu các nguồn tài nguyên được khai thác trong không gian. Và vào năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp báo hiệu ý định của chính quyền ông là hợp tác với các công ty tư nhân để khám phá mặt trăng, sao Hỏa và các thiên thể khác để tìm khoáng sản và nước.
Về xung đột trên thiên thể, Henry Hertzfeld thuộc Đại học George Washington, Mỹ lưu ý rằng không một quốc gia nào có quyền tuyên bố lãnh thổ trên mặt trăng theo Hiệp ước Không gian Vũ trụ. Hiệp ước đa phương, tạo thành cơ sở của luật không gian quốc tế, nêu rõ rằng không gian vũ trụ, "bao gồm mặt trăng và các thiên thể khác, không phải là đối tượng chiếm đoạt của quốc gia thông qua tuyên bố chủ quyền, thông qua sử dụng hoặc chiếm đóng hoặc bất kỳ phương tiện nào khác".
Hertzfeld nhấn mạnh rằng, các thỏa thuận như Hiệp định Artemis và các thỏa thuận mà Trung Quốc đang theo đuổi chỉ là các nguyên tắc tại thời điểm này, không có quy tắc nào được nêu rõ. Về cơ bản, chúng đại diện cho sự khởi đầu cho các thỏa thuận trong tương lai và các cuộc đàm phán có thể xảy ra.