Mối đe dọa lạm phát lớn hơn thuế quan
Khi nhắc đến lạm phát, người ta thường nghĩ đến các yếu tố kinh tế truyền thống như chính sách tiền tệ, tăng lương hay các đợt điều chỉnh thuế. Tuy nhiên, một mối nguy đang ngày càng rõ rệt nhưng lại ít được đưa vào trọng tâm chính sách, đó là tác động ngày càng sâu rộng của khủng hoảng khí hậu đối với mức giá chung toàn cầu.
Lạm phát hiện không chỉ đơn thuần đến từ cung - cầu, mà còn chịu áp lực lớn từ thời tiết cực đoan, sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, và những bất ổn khí hậu khiến thị trường toàn cầu biến động theo hướng khó dự báo hơn bao giờ hết.

Khủng hoảng khí hậu tác động sâu rộng đến tài chính thế giới.
Từ lạm phát thực phẩm đến bất ổn tài chính
Năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử hiện đại, với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ở cả Bắc bán cầu lẫn các khu vực nhiệt đới. Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức), số ngày có nhiệt độ cao kỷ lục trên toàn cầu đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước năm 2000. Các hiện tượng như nắng nóng, hạn hán và mưa lớn đang khiến sản lượng nông nghiệp giảm mạnh ở nhiều nơi, gây nên tình trạng giá lương thực leo thang trên phạm vi toàn cầu.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn Chuỗi cung ứng Inverto (Đức), giá ca cao và cà phê đã lần lượt tăng 163% và 103% trong 12 tháng qua, do ảnh hưởng của mưa lớn và nhiệt độ cao bất thường ở Tây Phi, Brazil và Việt Nam. Dầu hướng dương tăng 56% do hạn hán tại Bulgaria và Ukraine, trong khi nước cam, bơ và thịt bò ghi nhận mức tăng giá trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu đang khiến gần 345 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tiến sĩ Pete Falloon - Chuyên gia về an ninh thực phẩm tại Cơ quan Khí tượng Anh, cho rằng: “Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tần suất và mức độ khốc liệt của các hiện tượng khí hậu cực đoan tăng lên và điều này sẽ tác động trực tiếp đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu”.
Nhà Kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định: “Chúng ta đang bước vào một thời kỳ kinh tế mới, nơi mà thương mại bị gián đoạn, thời tiết không còn ổn định, và lạm phát ngày càng khó dự báo. Nếu các quốc gia không phối hợp hành động chống biến đổi khí hậu, mọi chính sách tiền tệ sẽ trở nên vô hiệu”.
Theo nhà nghiên cứu Max Kotz thuộc Potsdam: “Khi nhiệt độ toàn cầu tăng, chúng ta đang chứng kiến các đợt nắng nóng làm giá gạo tại Nhật Bản và rau quả tại Trung Quốc tăng vọt. Nếu không đưa lượng khí thải về 0, tác động lạm phát từ khí hậu sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở lương thực. Tại Mỹ, các công ty bảo hiểm lớn đã cắt giảm hoặc rút hoàn toàn các hợp đồng bảo hiểm nhà ở tại các bang như California và Florida do rủi ro thiên tai tăng vọt. Điều này buộc chính quyền địa phương phải đứng ra gánh chi phí, gây áp lực lớn lên ngân sách và làm thị trường bất động sản rối loạn. Chi phí bảo hiểm tăng cũng kéo theo giá nhà tăng và gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng mua nhà.
Tại châu Âu, hạn hán kéo dài ở Địa Trung Hải đã khiến giá rau quả tại các nước như Tây Ban Nha, Ý và Pháp tăng tới 40%. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong một nghiên cứu công bố năm 2023, dự báo rằng nếu xu hướng tăng nhiệt độ toàn cầu tiếp diễn đến năm 2035, lạm phát thực phẩm tại khu vực này sẽ tăng từ 0,9% đến 3,2% mỗi năm, cao hơn mức mục tiêu lạm phát chung 2% mà ECB theo đuổi.
Hệ quả lan rộng đến kinh tế vĩ mô và chính sách toàn cầu
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo tháng 4/2025 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,8%, đồng thời nâng dự báo lạm phát của các nước phát triển lên 4,3% trong năm 2025. IMF cho rằng các căng thẳng thương mại, kết hợp với chi phí biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đang đặt ra thách thức lớn đối với ổn định kinh tế toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương như Riksbank (Thụy Điển) đang thử nghiệm các phương pháp đo lường lạm phát mới, trong đó loại trừ giá năng lượng và giá nông sản để tránh phản ứng chính sách sai lệch. Nghiên cứu của Riksbank cho thấy chính sách tiền tệ nên tập trung ổn định “lạm phát lõi” - thay vì chỉ nhìn vào Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - trong bối cảnh giá thực phẩm và năng lượng bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết.
Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở chi phí sinh hoạt mà còn lan rộng đến các trụ cột lớn của kinh tế vĩ mô như đầu tư công, chính sách tài khóa và ổn định tiền tệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp sẽ đòi hỏi đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào năng lượng sạch, hạ tầng khí hậu và công nghệ bền vững. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thế giới cần đầu tư thêm 6,9 nghìn tỷ USD mỗi năm, một phần chi phí này sẽ được chuyển thành thuế, phí hoặc giá thành hàng hóa, đẩy chi phí sống tăng theo.
Bên cạnh đó, các cú sốc khí hậu không chỉ khiến giá cả tăng mà còn làm gia tăng chi tiêu công cho ứng phó, cứu trợ và phục hồi, từ đó làm tăng nợ công. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2024 cho thấy, các quốc gia có tần suất thiên tai cao thường phải chi từ 1,5% đến 5% GDP mỗi năm cho khắc phục hậu quả. Điều này tạo áp lực lên ngân sách quốc gia và làm giảm dư địa tài khóa cho các mục tiêu phát triển dài hạn.
Trong bối cảnh đó, chính sách tiền tệ truyền thống đang đứng trước thử thách lớn. Các ngân hàng trung ương không thể chỉ dựa vào lãi suất để kiểm soát lạm phát nếu nguồn gốc giá cả đến từ yếu tố vật lý như thời tiết hay suy giảm sản lượng nông nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất các ngân hàng trung ương cần tích hợp rủi ro khí hậu vào mô hình dự báo, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với chính phủ trong các chính sách xanh như tài trợ ưu đãi cho năng lượng tái tạo, hỗ trợ tài chính cho nông nghiệp bền vững hay phát hành trái phiếu khí hậu.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cần xây dựng khung phân tích mới để đánh giá sự thay đổi của lãi suất trung tính - mức lãi suất không gây kích thích hay kìm hãm tăng trưởng - trong bối cảnh thế giới đầu tư mạnh vào chuyển đổi xanh. Lãi suất trung tính có thể tăng nếu đầu tư tăng mạnh, nhưng cũng có thể giảm nếu tăng trưởng kinh tế bị đe dọa bởi rủi ro khí hậu kéo dài.
Nếu các quốc gia tiếp tục xem nhẹ khủng hoảng khí hậu như một vấn đề môi trường thuần túy, thì những cú sốc kinh tế mới sẽ liên tục lặp lại với quy mô ngày càng lớn. Lạm phát không còn là thước đo thuần túy của dòng tiền, mà đang phản ánh sự biến động ngày một rõ rệt của chính Trái đất chúng ta.