Lộn xộn trên thị trường tài chính toàn cầu: Ông Trump và ông thị trường

Kể từ ngày 2-4-2025, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan 'có đi có lại' với mức thuế tối thiểu 10% trên hầu hết hàng hóa nhập khẩu, lên tới trên 40% với hàng hóa từ nhiều nước châu Á, cá biệt tới 245% với hàng hóa Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua những biến động mạnh mẽ...

Giá vàng quốc tế vượt 3.400 đô la Mỹ/ounce, giá vàng trong nước vượt 120 triệu đồng

Một trong những diễn biến đáng chú ý là mức biến động lớn của giá vàng. Đến ngày 21-4-2025, giá vàng giao sau đã vượt 3.400 đô la Mỹ/ounce, đánh dấu mức tăng 29% từ đầu năm 2025 và khoảng 8% từ lúc ông Trump tuyên bố thuế quan “đối ứng” vào ngày 2-4. Hòa chung với nhịp tăng của thế giới, giá vàng trong nước có lúc vượt 120 triệu đồng/lượng và có lúc cao hơn giá thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng.

Lý do thứ nhất - lý do chính - dẫn đến việc giá vàng tăng mạnh trên thế giới là việc các nước tiến hành đa dạng hóa dự trữ, giảm nắm giữ tài sản bằng đô la Mỹ. Điều này đã diễn ra từ trước khi ông Trump công bố chiến lược thuế quan của mình từ tháng 2-2025. Tuy nhiên, xu thế tăng giá của vàng được đẩy nhanh vì lý do thứ hai, đó là độ bất ổn của kinh tế toàn cầu tăng lên với việc ông Trump áp thuế quan lên toàn cầu, dẫn đến rủi ro suy giảm kinh tế đi kèm với lạm phát cao, mà giới kinh tế gọi là “đình lạm”.

Trong bối cảnh bất định về chính sách, rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế và nhiều ngân hàng trung ương lớn, ví dụ như ECB, liên tục cắt lãi suất, thì vàng trở thành một công cụ “tránh bão” được quan tâm (bên cạnh đồng yen Nhật). Nhiều quỹ đầu tư đã gia tăng nắm giữ vàng và yen Nhật trong danh mục, đồng thời bán bớt đi vị thế đối với cổ phiếu và trái phiếu Mỹ.

Song song với vàng, yen Nhật cũng tăng lên mức cao nhất trong bảy tháng với tỷ giá đô la Mỹ/yen đang tiến tới cột mốc 140. Sự tăng giá của vàng và yen Nhật là một hiện tượng cho thấy thị trường đang tìm các điểm giữ tài sản an toàn, trong bối cảnh bất định về kinh tế tăng lên cao nhất kể từ năm 1997, theo thước đo của chỉ số bất định kinh tế do các nhà nghiên cứu Baker, Bloom và Davis thiết kế. Như cây bút Justin Fox viết trên Bloomberg, “những bất định về kinh tế chưa bao giờ khó đoán đến như thế này” (Economic uncertainty Has never felt this uncertain).

Chứng khoán giảm, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng

Song song với hoạt động di chuyển tiền vào các tài sản phòng thủ, các tổ chức đầu tư lớn cũng tái cấu trúc danh mục với việc giảm tỷ trọng tài sản đối với cổ phiếu và trái phiếu Mỹ. Một điều tra về vị thế giao dịch của các quỹ đầu tư chủ động của Mỹ cho thấy mức nắm giữ cổ phiếu Mỹ của họ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Điều này tạo ra lực bán tháo đối với nhiều cổ phiếu Mỹ, đặc biệt là với nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu gọi là “bảy cổ phiếu oai hùng” (Mag-7). Tính từ đầu năm, cổ phiếu công ty chip đình đám Nvidia đã giảm 24%, còn Tesla đã giảm 40%. Ngay cả Apple và Google cũng mất giá xấp xỉ 20%.

Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng nhanh là hiện tượng phản ánh các mối lo mà người ta hình dung là “đình lạm”. Sự rối loạn tạm thời của thị trường trái phiếu Mỹ cũng gây sức ép tâm lý lên các nhà quản lý tài sản, và họ lại bán thêm cổ phiếu được xem là nhạy cảm với lợi suất trái phiếu.

Việc giảm giá này đã kéo chỉ số SP500 của Mỹ giảm gần 10% từ đầu năm cũng như kéo tụt đà tăng giá của các cổ phiếu ở châu Âu. Ở đây cần lưu ý rằng xu thế giảm bớt nắm giữ cổ phiếu Mỹ, “chia bớt tiền sang châu Âu” đã diễn ra từ đầu năm. Những chính sách thuế quan của ông Trump chỉ làm tiến trình đó diễn ra nhanh hơn mà thôi.

Song song với việc cổ phiếu Mỹ bị bán tháo, trái phiếu Mỹ cũng chung số phận. Từ đầu năm, người ta kỳ vọng rằng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ theo chiều đi xuống, có khi còn nhanh nữa, vì ông Trump sẽ tạo sức ép buộc Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, mà Fed cũng sẽ có dư địa giảm lãi suất vì lạm phát ở Mỹ đang theo chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi với thuế quan gây sốc của ông Trump trong ngày 2-4. Lợi suất trái phiếu sau khi giảm về dưới 3,9% đã đột ngột quay đầu tăng nhanh trở lại. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng từ 3,87% lên 4,59% chỉ trong vài ngày, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1982.

Lý do tăng nhanh của trái phiếu Mỹ có nhiều nguyên nhân. Nó bao gồm việc giảm nắm giữ tài sản định giá bằng đô la Mỹ (mà thị trường đồn đoán là có việc Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ), một số vị thế đầu cơ lợi suất trái phiếu sẽ giảm bị yêu cầu nộp thêm tiền ký quỹ, cũng như việc kỳ vọng lạm phát tăng đột ngột lên mức cao nhất kể từ năm 1981 khiến các quỹ hưu trí điều chỉnh lại danh mục theo hướng phòng thủ.

Thị trường trái phiếu Mỹ đã trải qua một thời điểm “bối rối” trong giai đoạn từ ngày 10 đến 12-4 khi mà kỳ vọng lạm phát tăng cao còn lạm phát trong quá khứ lại giảm.

Kỳ vọng lạm phát 12 tháng của người tiêu dùng tăng lên 6,7%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Trong khi đó, số liệu công bố ngày 10-4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm 0,1% so với tháng 2, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 2,4%, thấp hơn mức tăng 2,8% của tháng 2.

Vì đâu như vậy? Tất cả là tại vì chính sách thuế quan của ông Trump đã khiến giới đầu tư tin rằng nó sẽ tăng chi phí hàng nhập khẩu ở Mỹ và do đó đẩy giá cả tăng trong những tháng tới. Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 giảm chưa phản ánh tác động của thuế quan.

Lo ngại lạm phát tăng, tăng trưởng kinh tế giảm được Chủ tịch Fed lẫn lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chia sẻ. Điều này tạo sức ép lên lợi suất trái phiếu Mỹ, ở cả góc nhìn phần bù rủi ro vỡ nợ cũng như tính hấp dẫn của trái phiếu có thu nhập cố định trong bối cảnh lạm phát có thể tăng nhanh.

Trong bối cảnh đó, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng nhanh là hiện tượng phản ánh các mối lo mà người ta hình dung là “đình lạm” (vừa đình trệ kinh tế, vừa lạm phát cao). Sự rối loạn tạm thời của thị trường trái phiếu Mỹ cũng gây sức ép tâm lý lên các nhà quản lý tài sản, và họ lại bán thêm cổ phiếu được xem là nhạy cảm với lợi suất trái phiếu.

Và đô la Mỹ mất giá

Khi nhiều người bán tài sản định giá bằng đô la Mỹ, cả trái phiếu và cổ phiếu, tất yếu giá đô la Mỹ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nếu kết hợp thêm với những tuyên bố không mấy tin tưởng của ngân hàng trung ương các nước về độ đáng tin cậy của đô la Mỹ trong bối cảnh thương chiến, thì không khó hiểu việc đô la Mỹ mất giá so với các đồng tiền chính. Tính đến ngày 21-4, chỉ số USD, thước đo sức mạnh của đô la Mỹ với rổ các đồng tiền chính, đã giảm xuống 91,8 điểm - mức thấp nhất ba năm qua.

So với những lần khủng hoảng trước đó, tôi tương đối lạc quan hơn với tình huống hiện nay, vì không giống như tác động của dịch bệnh hay làn sóng vỡ nợ nhà đất không biết khi nào dừng lại được, lần này công tắc nằm trong tay ông Trump. Và ông thị trường là một người can gián trung thực.

Chính sách thương mại bất định của ông Trump và việc ông đòi thay thế Chủ tịch Fed Jerome Powell được các nhà phân tích thị trường trích dẫn là nguyên nhân khiến đô la Mỹ mất giá.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett ngày 19-4 cho biết Tổng thống Doanld Trump cùng các trợ lý nghiên cứu việc liệu họ có thể sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell hay không. Trước đó, ông Trump phàn nàn trên mạng xã hội Truth Social rằng việc chấm dứt nhiệm kỳ của ông Powell “không diễn ra đủ nhanh”.

Liệu tình hình có quá bi quan?

Kinh tế toàn cầu chuyển biến xấu là thật. Hầu hết các nhà phân tích vĩ mô đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có người hạ tăng trưởng kinh tế Mỹ từ trên 2% xuống còn xung quanh 1,6%. Hệ quả tất yếu sẽ là một cú sốc lớn với lợi nhuận doanh nghiệp và chi tiêu tiêu dùng (trong khi lãi vay không giảm).

Tuy nhiên, mức tăng trưởng như vậy, cộng với dự báo lạm phát từ phía Fed là sẽ lên trên 4%, thì không phải là trạng thái suy thoái hay lạm phát quá cao. Bản thân nó có được xem là đình lạm hay suy thoái rồi hay chưa là vấn đề gây tranh cãi.

Ở một mặt khác, mặc dù trái phiếu Mỹ có dấu hiệu “lộn xộn” trong ngắn hạn, với tốc độ tăng rất nhanh, nhưng nếu xét về lợi suất tuyệt đối, nó vẫn ở dưới mức lợi suất cao nhất trong năm ngoái. Tốc độ tăng lợi suất thì nhanh thật và do đó gây lỗ cho nhiều người kinh doanh trái phiếu, nhưng mà nếu nói là nó cực xấu cho nền kinh tế thì không phải.

Nói cách khác, với thị trường tài chính toàn cầu, câu chuyện mà tôi nhìn thấy là: mọi thứ xấu đi so với kỳ vọng cả trước và sau khi ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ. Nhưng nếu nói là nó dẫn đến khủng hoảng kinh tế, đình lạm hay suy thoái thì chưa. Chúng ta cần nhấn mạnh là “chưa” chứ không phải là “không”, vì nếu tình hình không chuyển biến tốt, thì ngày càng nhiều quỹ đầu tư lớn sẽ phải hành động. Hiện nay thị trường tài chính Mỹ vẫn đang có khối lượng giao dịch tương đối thấp và độ bất ổn cao, là vì những “con voi” lớn trong giới tài chính vẫn đang chờ đợi và đã có phòng thủ trước ngày 2-4 rồi (nhờ ông Trump đã báo trước về tuyên bố thuế quan đối ứng).

Sự kiên nhẫn của họ là có giới hạn, và khi những “con voi” này buộc phải bán hàng, thị trường mới thật sự gánh chịu áp lực lớn.

Vấn đề là liệu ông Trump có để điều đó diễn ra hay không? Không giống như đại dịch Covid-19 hay khủng hoảng tài chính năm 2007, tình huống hiện nay của thị trường hoàn toàn do ông Trump nắm quyền chi phối. Nếu không phải chính sách thuế quan đối ứng gây sốc hay việc đòi thay Thống đốc Fed thì thị trường vẫn sẽ bình thường mà thôi. Thậm chí thị trường đã kỳ vọng thuế quan là phải có, và thương chiến Mỹ - Trung Quốc sẽ quyết liệt. Họ chỉ không ngờ trước những mức thuế quan cao, ví dụ trên 40%, nhắm vào các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nói cách khác, công tắc “bật, tắt” rủi ro đình lạm, suy thoái hay thậm chí khủng hoảng kinh tế hiện nay nằm ngay trong tay ông Trump. Và như câu chuyện hoãn thuế quan cho thấy, khi tình hình thị trường tài chính chạm vào mức xấu, thì nhóm tư vấn xung quanh ông Trump sẽ biết là phải dừng lại và sẽ tìm ra cách thuyết phục ông Trump.

Như tờ Financial Times có một bài bình luận về “ông Trump và ông thị trường”, ông thị trường sẽ không nói dối, và không cúi đầu trước thế lực của ông Trump. Đó sẽ là người can ngăn ông Trump rằng “ông nên dừng lại đi” khi chạm vào giới hạn rủi ro.

Vì vậy, so với những lần khủng hoảng trước đó, tôi tương đối lạc quan hơn với tình huống hiện nay, vì không giống như tác động của dịch bệnh hay làn sóng vỡ nợ nhà đất không biết khi nào dừng lại được, lần này công tắc nằm trong tay ông Trump. Và ông thị trường là một người can gián trung thực.

Hồ Quốc Tuấn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lon-xon-tren-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-ong-trump-va-ong-thi-truong/
Zalo