Mở rộng vùng sinh thái công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với lợi thế về địa lý, hạ tầng và nguồn lực lao động dồi dào, đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình trở thành trung tâm công nghiệp-dịch vụ logistics trọng điểm của cả nước. Trong đó, việc phát triển các vùng sinh thái công nghiệp chính là một trong những đột phá chiến lược nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế-xã hội toàn vùng phát triển hài hòa.

Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh nhìn từ trên cao.

Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh nhìn từ trên cao.

Phát huy lợi thế hạ tầng, thu hút đầu tư vào công nghiệp

Công nghiệp được xác định là ngành trụ cột trong tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở hệ thống hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ với các tuyến cao tốc trục ngang và trục dọc, cùng đường thủy nội địa và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, các địa phương chủ động quy hoạch, mời gọi đầu tư, hướng tới hình thành những vùng sinh thái công nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường.

Các khu công nghiệp được phát triển theo hướng liên hoàn, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạn chế tình trạng cụm công nghiệp nhỏ lẻ, thiếu hệ thống xử lý nước thải, nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Trong chiến lược phát triển đó, Hậu Giang nổi lên như một điểm sáng khi tận dụng vị trí giao cắt giữa các tuyến cao tốc đang được đầu tư như: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang thi công.

Cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đang thi công.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết: “Thông qua các quy hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông, tỉnh Hậu Giang đã chủ động quy hoạch các khu, cụm công nghiệp nhằm kết nối hành lang phát triển công nghiệp-đô thị, tạo động lực tăng trưởng và góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững”.

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Hậu Giang quy hoạch 8 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.800ha, cùng các trung tâm đô thị vệ tinh. Quy hoạch được định hướng theo quan điểm “Một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm trọng tâm” trên ba mặt trận: không gian, kinh tế và quản lý.

Trong đó, trọng điểm là 3 vùng sinh thái công nghiệp, mà nổi bật là khu vực huyện Châu Thành và Châu Thành A. Khu vực này được quy hoạch phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, dược-mỹ phẩm và logistics gắn với sản phẩm nông nghiệp quy mô vùng.

Ông Nguyễn Phong Minh, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: “Chúng tôi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung tại các tuyến cao tốc và quốc lộ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư”.

Gia tải cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Gia tải cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đồng bộ giải pháp hiện thực hóa quy hoạch

Để hiện thực hóa quy hoạch, tỉnh Hậu Giang triển khai đồng bộ các giải pháp: Lập quy hoạch và kế hoạch chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp; giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối; ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là vào lĩnh vực công nghiệp xanh, bền vững.

Thành phố Cần Thơ là trung tâm đầu mối tổng hợp vùng. Trên nền tảng đó, Đề án xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại Cần Thơ đóng vai trò then chốt trong việc kết nối “ba nhà”: nhà nông - nhà sản xuất - nhà xuất khẩu, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp hiện đại và hiệu quả.

Theo thống kê, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tuy nhiên, hiện mới có hơn 1.460 doanh nghiệp logistics, chỉ chiếm khoảng 4,4% cả nước. Trong đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng tới năng lực xuất khẩu nông sản, vốn đang bị chi phối bởi chi phí vận chuyển và hạn chế kho lạnh, chế biến sau thu hoạch.

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui

Đầu tư phát triển và tạo điều kiện cho logistics là một phần quan trọng trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu. Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát tại thành phố Cần Thơ thấu hiểu với nông dân trồng lúa, chịu cảnh giá cả bấp bênh, cho rằng sở dĩ giá cả và đầu ra còn thấp, một phần ảnh hưởng từ khâu vận chuyển xuất khẩu: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, là nhiều lúc không đủ container, ảnh hưởng đến nâng cao năng lực xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp và giảm chi phí cho các sản phẩm khi vận chuyển, lúc đó công ty chịu tác động rất lớn”.

Nằm ở khu vực Nam sông Hậu, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang có lợi thế đặc biệt là trung tâm trung chuyển, kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam sông Hậu với phần còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế khác của cả nước thông qua các tuyến giao thông thủy, bộ như: sông Hậu, các tuyến quốc lộ 1, 61, 61B, 61C, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam sông Hậu, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn, 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Khi mạng lưới giao thông hoàn chỉnh kết nối cùng quy hoạch tổng thể của tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ sẽ là động lực hướng tới phát triển công nghiệp bền vững tại khu vực này.

Cải cách hành chính, hoàn thiện chuỗi giá trị, thúc đẩy logistics

Việc hình thành các trung tâm logistics trọng điểm, gắn kết với vùng sản xuất chuyên canh, sẽ giúp tháo gỡ nút thắt đầu ra, ổn định thu nhập cho nông dân, nhất là trong bối cảnh các loại cây ăn trái đặc sản ở Cần Thơ, Hậu Giang như dâu Hạ Châu, cam sành, sầu riêng… vẫn chịu cảnh “rộ mùa - rớt giá”.

Theo nhiều nhà vườn tại Cần Thơ, trước kia, nông dân làm ăn tự phát, mỗi người làm một kiểu, một loại cây, một giống cây. Do đó, cần quy hoạch lại để có vùng sản phẩm tập trung hàng hóa và giúp cho người dân tiếp cận được khoa học kỹ thuật. Đồng thời, đây là cơ sở để đăng ký thương hiệu, tạo điều kiện giúp đầu vào và đầu ra của sản phẩm dễ dàng hơn. Tránh được tình trạng nông dân chạy theo trồng loại cây ăn trái đang hút hàng rồi thời gian sau lại chặt bỏ để chuyển sang trồng loại khác và loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn.

Ông Trần Văn Chiến ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết: "Những năm vừa qua ông có hợp đồng với Công ty tiêu thụ trái Vú sữa của gia đình, ông và nhiều xã viên trong hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu, bây giờ bà con có thu nhập ổn định lắm".

Bên cạnh đó, phát triển logistics không chỉ góp phần giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm mà còn là mắt xích quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Nhằm thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và logistics, tỉnh Hậu Giang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch thủ tục, đồng thời tăng cường đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư.

Để chuẩn bị mặt bằng sạch, giao đất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Hậu Giang đã thành lập 10 tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tổ trưởng, chỉ đạo trực tiếp các huyện, thị xã, thành phố.

Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh tại tỉnh Hậu Giang.

Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh tại tỉnh Hậu Giang.

Tỉnh đã nói là làm, với phương châm "một văn hóa, một ngôn ngữ", cam kết phải thực hiện và đã làm phải làm đến nơi đến chốn. Tỉnh cam kết “2 nhanh là: Nhanh thủ tục, nhanh giải phóng mặt bằng, 3 tốt là: Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt” trong thu hút đầu tư. Từ đó, nhiều tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đã đến khảo sát, tìm hiểu các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với quy mô lớn.

Việc phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị vùng sinh thái gồm Trung tâm đầu mối tổng hợp ở thành phố Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang là động lực mới để địa phương mở rộng không gian và điều kiện nâng cao nhịp độ phát triển kinh tế. Điều đó thể hiện rõ vai trò của miền Tây không chỉ là vựa lúa, vựa trái cây của cả nước, mà còn là trung tâm công nghiệp-logistics mới, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Việc mở rộng không gian phát triển vùng sinh thái công nghiệp sẽ là bước đi tất yếu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng để miền tây nói chung, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang nói riêng sẽ phát triển đột phá trong giai đoạn tới.

VĂN ÚT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-vung-sinh-thai-cong-nghiep-dong-luc-moi-cho-phat-trien-ben-vung-post876544.html
Zalo