Kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm do nhập khẩu tăng đột biến
Ngày 30/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bất ngờ suy giảm trong 3 tháng đầu năm 2025, phần lớn là do lượng hàng nhập khẩu tăng đột biến khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng tích trữ trước khi Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế quan toàn diện.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo ước tính của bộ trên, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm 0,3% trong quý I/2025, sau khi tăng 2,4% trong những tháng cuối năm 2024. Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính của thị trường là 0,4%.
Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Sự suy giảm GDP thực tế trong quý đầu tiên phản ánh sự gia tăng trong nhập khẩu, chi tiêu của người tiêu dùng chững lại và chi tiêu của chính phủ sụt giảm".
Thị trường tài chính Mỹ đã phản ứng tiêu cực với tin tức này. Cả 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Phố Wall đã giảm mạnh trong phiên mở cửa.
Trong bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: "Điều này không liên quan đến thuế quan”, đồng thời kêu gọi người dân “hãy kiên nhấn”.
Giáo sư kinh tế Tara Sinclair của Đại học George Washington nhận định: “Những thay đổi chính sách mạnh mẽ đang trực tiếp làm suy yếu nền kinh tế".
Về phần mình, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren cũng cho rằng 100 ngày sau khi ông Trump nhậm chức, chính sách thuế quan thất thường đang làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến các doanh nghiệp tích trữ hàng nhập khẩu để chuẩn bị ứng phó với các mức thuế cao.
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1, Tổng thống Trump đã công bố một số đợt áp thuế, vạch ra kế hoạch để áp đặt các khoản thuế toàn diện đối với các đối tác thương mại hàng đầu từ đầu tháng 4 nhằm thiết lập lại quan hệ thương mại của Mỹ. Điều này đã gây ra một đợt bán tháo trên thị trường tài chính, khiến các nhà đầu tư hoảng sợ.
Sau biến động mạnh của thị trường vào tháng 4, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố tạm dừng áp dụng các mức thuế quan cao đối với hàng chục quốc gia trong 90 ngày để cho phép đàm phán thương mại, trong khi vẫn duy trì mức thuế cơ bản là 10% đối với hàng hóa của hầu hết các quốc gia. Bên cạnh đó, các biện pháp cụ thể theo ngành cũng được công bố đối với thép, nhôm, ô tô và phụ tùng không sản xuất tại Mỹ, cùng với các mức thuế mới lên tới 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng đã áp đặt các biện pháp thuế quan nhằm vào hàng hóa Mỹ.
Tác động của thuế quan đối với tăng trưởng và lạm phát đang là một "bài toán khó" đối với Cục Dự trữ liên bang (Fed) khi ngân hàng trung ương Mỹ đang phải tìm cách duy trì giá cả ổn định và việc làm bền vững.