Hạt nhân kết nối cảng biển và logistics miền Trung - Bài cuối: Vươn lên bằng nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong bức tranh tổng thể về định hướng phát triển cảng biển và logistics, Đà Nẵng và Quảng Nam trở thành những đầu mối trọng yếu, đóng vai trò trung tâm kết nối và điều phối hệ thống cảng biển - logistics khu vực miền Trung. Từ các dự án như cảng Liên Chiểu, cảng Chu Lai - Tam Hiệp, cho đến chuỗi hành lang logistics liên vùng, khu vực này đang định hình tương lai hạ tầng vận tải biển hiện đại, hội nhập và bền vững.

Nền tảng từ tầm nhìn quy hoạch quốc gia

Toàn cảnh khu vực dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: TTXVN phát

Toàn cảnh khu vực dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện Quyết định 140/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ Xây dựng ban hành các quyết định 320/QĐ-BXD và 310/QĐ-BXD (cùng ngày 25/3/2025), về công bố danh mục bến cảng quốc gia và quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Nhóm cảng biển số 3, bao gồm các cảng biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, được quy hoạch cho mục tiêu 160 - 187 triệu tấn hàng hóa cùng với 2,5 - 3,1 triệu TEU container vào năm 2030; trong đó, cảng biển Đà Nẵng là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ chính ra biển của khu vực miền Trung, phục vụ vận tải hàng hóa và hành khách quốc tế. Cảng biển Quảng Nam, gồm các khu bến như Tam Hiệp, Tam Hòa, Kỳ Hà, Tam Giang, phục vụ phát triển kinh tế biển và công nghiệp.

Cảng Đà Nẵng (gồm cảng Tiên Sa hiện hữu và cảng Liên Chiểu đang xây dựng) sẽ có năng lực thông qua tới 13 triệu tấn hàng hóa và 1,2 triệu TEU container mỗi năm từ năm 2030. Dự kiến đến năm 2050, con số này lần lượt là 27 triệu tấn và 2,2 triệu TEU.

Trong khi đó, Quy hoạch chi tiết cảng biển Quảng Nam đến năm 2030, có khối lượng hàng hóa thông qua lên đến 10,3 triệu tấn/năm; trong đó hàng container đạt từ 0,6 đến 0,8 triệu TEU... và có 6 bến cảng với 10 cầu cảng, chiều dài gần 2.300m.

Đáng chú ý, cảng Đà Nẵng được quy hoạch là đầu mối vận tải biển của khu vực, trong khi cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) sẽ được nâng cấp, từng bước hình thành cảng nước sâu Tam Hiệp, hỗ trợ trực tiếp khu công nghiệp - đô thị Chu Lai.

Cụm cảng này sẽ phát triển hệ thống cảng biển hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách; tăng cường kết nối giữa các cảng biển trong nhóm và với các khu công nghiệp, khu kinh tế, vùng sản xuất; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong quản lý và khai thác cảng biển, bảo vệ môi trường biển và ven biển, phát triển cảng biển bền vững.

Cùng đó, các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường sắt tốc độ cao đang và sẽ được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, để bứt phá, điều kiện cần thiết là một chiến lược logistics liên vùng thống nhất, trong đó Đà Nẵng và Quảng Nam phải phối hợp chia sẻ hạ tầng, kết nối quản lý và tích hợp quy hoạch. Đường bộ được kết nối qua Quốc lộ 1A, đường tránh Nam Hải Vân, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Nguyễn Tất Thành nối dài; Đường sắt có hướng mở logistics qua ga Kim Liên; đường hàng không kết nối hàng hóa với sân bay quốc tế Đà Nẵng (nâng cấp nhà ga hàng hóa mới và có thể tạo khu logistics hàng không).

Một trong những điểm then chốt trong phát triển logistics miền Trung là thiết lập quy hoạch logistics cấp vùng, nhằm tạo ra một mạng lưới kết nối mạnh mẽ giữa các khu vực, đồng thời hình thành hội đồng điều phối logistics vùng. Hội đồng này sẽ có trách nhiệm chia sẻ kho bãi, cảng cạn, dịch vụ hậu cần và thúc đẩy quá trình số hóa theo chuỗi giá trị liên hoàn. Đây không chỉ là việc kết nối 2 địa phương, mà còn tạo ra cơ hội mở rộng liên kết với các hành lang kinh tế quốc tế như EWEC (Đông -Tây) và tuyến ven biển mở lối ra biển Đông cho Lào, Thái Lan, Myanmar.

“Sân bay quốc tế cùng ba cảng biển quốc tế của khu vực có cơ hội tạo ra hành lang kinh tế Đông Tây thứ hai, giúp vượt qua biên giới đường bộ, mở rộng nguồn hàng và gia tăng cơ sở sản xuất. Đây là cơ hội để tạo thành một cực tăng trưởng mới tại miền Trung, với vai trò là đầu mối phát triển. Chúng ta cần thay đổi cách vận hành, mở rộng tư duy liên kết và nâng cao năng lực kết nối giữa các vùng. Địa phương cần được phân cấp để chủ động giải quyết vấn đề tại chỗ và chịu trách nhiệm với kết quả. Làm thế nào để Đà Nẵng trở thành một thành phố không chỉ đáng sống mà còn là điểm đáng đầu tư”, ông Trần Chí Cường nhấn mạnh về vai trò điều phối vùng của Đà Nẵng.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đà Nẵng hiện đang xúc tiến đầu tư mạnh vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp vệ tinh phục vụ logistics và sản xuất phụ trợ, đồng thời thúc đẩy xúc tiến thương mại chuyên sâu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics. Mô hình hợp đồng vận chuyển hiện đại, minh bạch và hiệu quả cũng đang được áp dụng để tối ưu hóa hoạt động logistics trong khu vực.

Yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển logistics miền Trung chính là chất lượng nguồn nhân lực. Nhu cầu về đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp logistics cần đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, có khả năng ứng dụng công nghệ mới và quản lý logistics hiệu quả.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: “Hiện tại, logistics tại Đà Nẵng vẫn thiếu các trung tâm logistics cấp vùng, thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao và chi phí vận chuyển còn khá cao. Hoạt động logistics vẫn chưa có bước đột phá rõ ràng; chưa phát triển đúng quy mô và chưa kết nối được với các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế”.

Ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Công ty Viet Huong Logistics, thành viên Câu lạc bộ các doanh nghiệp logistics thành phố Đà Nẵng, cho rằng cần sớm thành lập Hiệp hội Logistics Đà Nẵng để giúp kết nối và thúc đẩy sự phát triển của ngành này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng vấn đề nguồn nhân lực trong ngành logistics hiện đang gặp phải khó khăn về chất lượng chuyên môn.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng đề nghị thành phố đầu tư thêm các khu công nghiệp và cụm công nghiệp vệ tinh phục vụ logistics và sản xuất phụ trợ; đồng thời, thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, đồng thời áp dụng mô hình hợp đồng vận chuyển hiện đại, minh bạch và hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải đề xuất, Đà Nẵng sau khi hợp nhất với Quảng Nam có thể xem xét kiến nghị trung ương cho thiết lập Khu thương mại tự do tại Chu Lai. Đây là khu vực có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để thành lập và sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển cảng biển và logistics tại thành phố Đà Nẵng.

“Về nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng là một phần trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics có thể liên kết hoặc đặt hàng cho các trường đại học đào tạo lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, đủ sức góp phần đưa lĩnh vực logistics Đà Nẵng trong tương lai gần hòa nhập với thế giới”, ông Hải nói.

Trên nền tảng các quy hoạch tầm quốc gia, Đà Nẵng - Quảng Nam đang dần hình thành một cực tăng trưởng mới, lớn hơn nhiều so với hiện nay, nơi kết nối biển - không - bộ, nơi hạ tầng, chính sách và doanh nghiệp cùng hội tụ. Từ cảng Liên Chiểu đến Chu Lai, từ hành lang logistics xuyên vùng đến không gian mở ra biển Đông, miền Trung đang vươn lên mạnh mẽ, sẵn sàng hợp sức cùng các cụm cảng biển Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải, thành phố Hồ Chí Minh, đủ sức định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Đông Nam châu Á.

Kha Phạm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hat-nhan-ket-noi-cang-bien-va-logistics-mien-trung-bai-cuoi-vuon-len-bang-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-20250430224731806.htm
Zalo