Lý do Elon Musk cần người giống Tim Cook để điều hành Tesla

Trang Insider nhận bức thư được cho là từ các nhân viên Tesla bất mãn, kêu gọi Elon Musk ngừng làm giám đốc điều hành (CEO) để công ty có thể quay lại tập trung vào việc bán thật nhiều ô tô điện.

Theo nội dung thư này, việc Elon Musk gặp vấn đề với Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) trong chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến thương hiệu Tesla tổn hại nghiêm trọng đến mức ông nên lùi bước.

Nội dung thư đặt ra một câu hỏi thú vị: Tại sao CEO hãng ô tô giá trị nhất thế giới lại rời xa công việc trong nhiều tháng để theo đuổi hoạt động chính trị, khi cuộc chiến xe điện bước vào giai đoạn mới then chốt? Câu trả lời có thể rất đơn giản: Elon Musk chán việc sản xuất ô tô điện.

Tỷ phú giàu nhất thế giới đã dành cả thập kỷ vừa qua làm việc quần quật để kéo Tesla thoát khỏi nguy cơ phá sản và biến nó thành hãng ô tô điện thống trị phương Tây. Đã có rất nhiều sự đổi mới và nhiều đêm Elon Musk mất ngủ.

Song giờ đây, người ta có thể lập luận rằng sản xuất ô tô điện là vấn đề đã được giải quyết với ông. Tesla có nhiều nhà máy khổng lồ và các cơ sở lớn khác trên thế giới, mỗi năm sản xuất hàng trăm nghìn chiếc ô tô điện. Các giai đoạn tiếp theo chủ yếu là hoàn thiện quy trình, mở rộng quy mô sản xuất hiệu quả và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm.

Đó lại không phải là sở trường của Elon Musk. Tỷ phú người Mỹ sinh năm 1971 thích phát minh ra những thứ mới, chứ không phải tinh chỉnh sản phẩm có sẵn. Một bài viết trên trang The Information đã diễn đạt rất đúng ý này khi mô tả lý do Elon Musk bác lời khuyên của cấp dưới về việc phát triển mẫu ô tô điện giá rẻ hơn, thay vào đó ông dốc toàn lực vào trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự lái và robot hình người.

Người quen thuộc với tình hình nói một câu rất đáng chú ý: “Tôi nghĩ Elon đơn giản là không hứng thú gì với việc làm một chiếc ô tô kiểu như Volkswagen Golf. Nó không khiến Elon Musk thấy phấn khích vào buổi sáng. Ông ấy nghĩ: Để người khác làm chuyện đó đi”.

Volkswagen Golf là một dòng xe hatchback cỡ nhỏ nổi tiếng do hãng Volkswagen (Đức) sản xuất từ năm 1974 đến nay. Đây từng là một trong những mẫu ô tô bán chạy nhất thế giới và biểu tượng trong phân khúc xe phổ thông.

Xe hatchback là loại ô tô có phần đuôi được thiết kế với một cửa sau mở lên trên, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận khoang hành lý. Đây là kiểu xe phổ biến, đặc biệt trong đô thị, nhờ thiết kế nhỏ gọn, linh hoạt và tiết kiệm nhiên liệu.

Tesla cần kiểu CEO nào?

Vậy ai có thể thay Elon Musk làm CEO Tesla và điều này sẽ có ý nghĩa gì với tương lai công ty?

“Nếu Elon Musk từ bỏ vai trò CEO, tôi nghĩ Tesla sẽ cần một nhà điều hành kiểu Tim Cook để nắm quyền”, theo Alistair Barr - nhà báo kỳ cựu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính.

Tim Cook là bậc thầy chuỗi cung ứng, tiếp quản Apple khi Steve Jobs qua đời vào ngày 5.10.2011. Khi đó, Alistair Barr còn là phóng viên công nghệ ở hãng tin Reuters và rất nhiều chuyên gia đã dự đoán Apple sẽ lụi bại.

Giống Elon Musk, Steve Jobs là nhà sáng lập công nghệ có tính cách thất thường, nổi tiếng vì các phát minh đột phá và cũng tai tiếng vì cách quản lý nhân sự khắc nghiệt. Steve Jobs cũng từng kéo Apple thoát khỏi bờ vực phá sản.

Năm 2011, nhà đầu tư không thể hình dung được Apple sẽ tiếp tục phát triển thế nào nếu thiếu đi Steve Jobs.

Ở một góc độ nào, họ đã đúng khi lo lắng điều này. Kể từ khi Steve Jobs qua đời, Apple không ra mắt nhiều sản phẩm thực sự mới lạ, dự án ô tô tự lái thất bại, còn kính thực tế hỗn hợp Vision Pro khởi đầu chậm chạp và chỉ theo sau Quest của Meta Platforms.

Tuy nhiên ở một góc độ khác, Tim Cook đã đưa Apple lên những tầm cao mới mà 14 năm trước không ai tưởng tượng được. Doanh nhân người Mỹ sinh năm 1960 làm được điều đó bằng cách phát triển một “vấn đề đã được giải quyết” là iPhone và cải tiến nó hết lần này đến lần khác.

Từ năm 2011, Apple dưới thời Tim Cook miệt mài với từng thay đổi nhỏ của iPhone, tự thiết kế chip, đàm phán khắt khe với hàng trăm nhà cung cấp, phát triển một trong những chuỗi cung ứng lớn nhất thế giới (của công ty) giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành.

CEO kiểu như Tim Cook có thể đảm nhiệm vai trò điều hành, tập trung xử lý triệt để “vấn đề đã được giải quyết” ở mảng ô tô điện cốt lõi của Tesla - Ảnh: Getty Images

CEO kiểu như Tim Cook có thể đảm nhiệm vai trò điều hành, tập trung xử lý triệt để “vấn đề đã được giải quyết” ở mảng ô tô điện cốt lõi của Tesla - Ảnh: Getty Images

Alistair Barr đã hỏi Apple để tìm câu trả lời nhưng không nhận được hồi âm. Nhà báo kỳ cựu này gửi email cho Elon Musk để hỏi liệu ông có muốn dành 10 năm tới tinh chỉnh hoạt động sản xuất ô tô điện của Tesla không, nhưng cũng chẳng có phản hồi.

Apple giờ là công ty trị giá 3.100 tỉ USD

Giá trị mà Tim Cook tạo ra cho Apple kể từ năm 2011 thật đáng kinh ngạc. Cuối năm đó, Apple được định giá khoảng 350 tỉ USD. Giờ đây, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã đạt vốn hóa thị trường 3.100 tỉ USD.

Chỉ bằng cách lặp lại và tối ưu sản phẩm có sẵn, hạ chi phí và nâng cao hiệu quả, Tim Cook đã tạo ra gần 2.750 tỉ USD giá trị cho cổ đông và đưa Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới.

Khi Apple trở thành công ty đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ USD vào năm 2018, Tony Fadell (cựu Phó chủ tịch cấp cao tại Apple, lãnh đạo bộ phận iPod từ năm 2001 đến 2008) chủ yếu khen Tim Cook thay vì ca ngợi di sản của Steve Jobs.

“Tim Cook và đội ngũ đã làm rất tốt việc tiếp nối tầm nhìn của Steve Jobs, đồng thời mang lại sự xuất sắc về vận hành và môi trường cho mọi khía cạnh trong hoạt động của Apple, giúp công ty đạt được quy mô chưa từng có, khi vẫn duy trì biên lợi nhuận phi thường ở ngành hàng điện tử tiêu dùng”, Tony Fadell nói.

Tesla đang ở thời điểm giống Apple năm 2011?

Alistair Barr nghĩ Tesla đang ở thời điểm giống Apple năm 2011. Elon Musk vẫn còn sống, nhưng có lẽ đam mê sản xuất ô tô điện của ông đã nhạt phai.

Giống Apple khi đó, nhiều nhà đầu tư vào Tesla không thể hình dung công ty sẽ thế nào nếu không có Elon Musk làm CEO. Song trên lý thuyết, ông hoàn toàn có thể rút khỏi vai trò điều hành hằng ngày và tiếp tục theo đuổi các dự án tiên phong như robot hình người Optimus ở hậu trường.

Trong khi đó, một CEO kiểu như Tim Cook có thể đảm nhiệm vai trò điều hành, tập trung xử lý triệt để “vấn đề đã được giải quyết” của mảng ô tô điện cốt lõi. Điều này cũng có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến thương hiệu Tesla mà những phát ngôn chính trị từ Elon Musk gây ra.

Apple là minh chứng rõ ràng cho kịch bản này: 2.750 tỉ USD giá trị thị trường được tạo ra chỉ bằng cách làm tốt hơn một việc đã tồn tại.

Alistair Barr đã hỏi Grace Kay, phóng viên chuyên trách Tesla của trang Insider, rằng ai có thể là ứng viên sáng giá thay thế Elon Musk làm CEO. Grace Kay đề xuất Omead Afshar (38 tuổi), giám đốc ít tên tuổi, có tính cách ôn hòa, từng điều hành một cơ sở sản xuất lớn của Tesla và trở thành người được Elon Musk tin tưởng.

Omead Afshar là trợ lý lâu năm của Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Omead Afshar là trợ lý lâu năm của Elon Musk - Ảnh: Getty Images

Vai trò của Omead Afshar tại Tesla và SpaceX:

- Omead Afshar gia nhập Tesla năm 2017, làm việc trong văn phòng CEO, hỗ trợ trực tiếp Elon Musk.

- Lãnh đạo xây dựng Gigafactory Texas (Mỹ), một trong những nhà máy lớn nhất của Tesla.

- Năm 2022, Omead Afshar tạm thời chuyển sang SpaceX (công ty hàng không vũ trụ do Elon Musk điều hành) làm Phó chủ tịch phụ trách sản xuất tên lửa khổng lồ Starship.

- Ông trở lại Tesla năm 2024, được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch phụ trách bán hàng và sản xuất tại Bắc Mỹ lẫn châu Âu.

Omead Afshar được xem là người thay thế của Elon Musk ở nhiều dự án quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh CEO Tesla tập trung vào các lĩnh vực khác như AI và robot. Omead Afshar nổi tiếng với khả năng làm việc cường độ cao và sẵn sàng ngủ lại nhà máy để đảm bảo tiến độ.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ly-do-elon-musk-can-nguoi-giong-tim-cook-de-dieu-hanh-tesla-232129.html
Zalo