Mở không gian kết nối nông sản, sản phẩm làng nghề Thủ đô
Kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch văn hóa - nông nghiệp - nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế đa giá trị cho nông dân, HTX, doanh nghiệp là hướng đi quan trọng của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống không chỉ giúp duy trì các giá trị văn hóa lâu đời mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thêm “sân chơi” để kết nối
Một trong những giải pháp để phát triển sản phẩm làng nghề được Hà Nội triển khai là liên tục tổ chức các sự kiện giao thương, hội chợ, triển lãm, từ đó tạo điều kiện để các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác...
Điển hình, từ ngày 24-27/12/2024 sẽ diễn ra Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội. Sự kiện được tổ chức nhằm thực hiện và cụ thể hóa các chương trình hợp tác của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước với tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội"; Kế hoạch số 73/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Festival cũng là dịp để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, tạo điểm nhấn mua sắm cho người dân Thủ đô dịp cuối năm 2024.
Đồng thời, đây cũng là “sân chơi” để các HTX, doanh nghiệp quảng bá các nét văn hóa độc đáo, tinh hoa ẩm thực, đặc trưng vùng miền, giới thiệu, quảng bá và trình diễn sản phẩm làng nghề truyền thống đến người tiêu dùng, khách tham quan, mua sắm, du khách quốc tế, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội dự kiến diễn ra tại quận Hoàng Mai với quy mô gần 180 gian hàng sẽ gồm không gian chung quảng bá sản phẩm hàng hóa nông sản; khu gian hàng trưng bày, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng nông sản, đặc sản vùng miền, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh của các HTX, sản phẩm OCOP từ 3-5 sao được cấp chứng nhận sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề truyền thống.
Nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường
Gần như cùng thời điểm diễn ra Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội, từ ngày 25-29/12/2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Phiên chợ đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP tại Hà Nội.
Phiên chợ đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ, OCOP tại Hà Nội được tổ chức nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm, OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương; kích cầu tiêu dùng.
Đồng thời, hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp phân phối trong và ngoài nước với các doanh nghiệp sản xuất, tạo chuỗi cung ứng; tiêu thụ sản phẩm bền vững lâu dài tại thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…
Phiên chợ dự kiến có 160-200 gian hàng tham gia, được thiết kế, trang trí, dàn dựng phù hợp với từng lĩnh vực ngành hàng và đặc trưng các vùng miền, khu vực; được phân bố thành các khu không gian: Khu các gian hàng của các tỉnh, thành phố trong cả nước; Khu các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản, quà tặng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP của doanh nghiệp; Không gian quảng bá hình ảnh, sản phẩm tiêu biểu của Hà Nội; Không gian giới thiệu văn hóa ẩm thực; Không gian quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương; Các tiểu cảnh trang trí, sân khấu, cổng chào...
Sản phẩm trưng bày, quảng bá giới thiệu gồm các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các vùng miền; các sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý; sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm chế biến, đồ uống, trái cây, bánh kẹo, trà, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm... đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa.
Các nhà phân phối, Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử... giao dịch trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên chợ tìm hiểu sản phẩm, năng lực sản xuất, khả năng cung cấp... tìm kiếm nguồn hàng đưa vào hệ thống phân phối; đàm phán ký kết biên bản hợp tác, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, các sự kiện liên tục được tổ chức đang giúp các sản phẩm làng nghề, nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết tới, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất...