Minh Tiến giảm nghèo từ những mô hình phát triển kinh tế

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Minh Tiến (Ngọc Lặc) đã mạnh dạn phá bỏ cây trồng kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, đồng thời tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Nhờ đó, kinh tế phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4,8%.

Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở xã Minh Tiến.

Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở xã Minh Tiến.

Trên diện tích 2.000m2 đất vườn đồi của gia đình, chị Đoàn Thị Dung ở thôn Thanh Sơn trước đây chuyên trồng sắn và mía nên hiệu quả thu nhập không cao. Khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cây trồng, đầu năm 2014 gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn đồi sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Từ chỗ chỉ quen trồng cây sắn, mía, nên khi chuyển sang trồng ổi lê và chăn nuôi theo hình thức gia trại, gia đình chị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, do được đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế trang trại và tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Hội Làm vườn và Trang trại của huyện, của tỉnh tổ chức kết hợp tìm hiểu thêm qua sách báo, giúp chị có thêm kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây ăn quả và 30 con lợn thịt tốt hơn.

Chị Dung cho biết: “Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn, tôi đã lựa chọn chăm sóc cây trồng theo phương pháp hữu cơ. Toàn bộ chất thải của 30 con lợn thịt được ủ hoai mục để bón cho cây nên chất lượng quả ngon, được thương lái đến tận vườn thu mua”.

Gần 10 năm đầu tư, chăm sóc và sản xuất theo hướng nông nghiệp an toàn, mô hình kinh tế cây - con của gia đình chị Dung đã cho thu nhập ổn định. Hiện tại, thu nhập từ vườn ổi lê và 30 con lợn thịt mỗi năm 2 lứa xuất bán, sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu khá cho gia đình.

Ở cùng thôn, gia đình chị Hà Thị Yên đã hình thành mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Hiện tại, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình đang cho thu về 400 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí).

Theo chị Yên, trước đây khu vườn có diện tích 1ha này được trồng cây cao su, mỗi năm cho thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng. Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-HU năm 2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc về cải tạo vườn tạp và chỉ đạo của UBND xã, năm 2018 gia đình chị quyết định phá bỏ cây cao su, thay thế bằng các loại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để mô hình phát huy hiệu quả, hướng đến xây dựng vườn mẫu, chị đã quy hoạch lại khu vườn, phân chia thành các khu riêng biệt dành trồng các loại cây ăn quả như dứa, bưởi, ổi. Phía cuối khu vườn là khu vực chăn nuôi với hơn 100 con lợn thịt, 15 con lợn nái sinh sản. Dưới tán bưởi, gia đình nuôi thả từ 5 - 6 nghìn con gà/lứa.

Vừa sản xuất, vừa học hỏi kinh nghiệm qua các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tham quan các mô hình tiêu biểu, giúp chị có thêm kiến thức trong kỹ thuật canh tác, hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2020, khu vườn được xã chọn xây dựng vườn mẫu, gia đình chị tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Đồng thời, quá trình sản xuất được chăm sóc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng các loại phân bón, thuốc hóa học, chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học để trị sâu bệnh cho cây và bón bằng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục.

Sau 7 năm cải tạo vườn đồi, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Hà Thị Yên không chỉ giúp kinh tế gia đình trở lên khá giả với nguồn thu khoảng 400 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí), mà còn đoạt giải nhì vườn mẫu năm 2022 do Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh tổ chức.

Nói về hiệu quả của việc phát triển các mô hình kinh tế trên địa bàn xã thời gian qua, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến Triệu Văn Kim cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Lặc về cải tạo vườn tạp, thời gian qua, xã đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp. Thực hiện chủ trương này, đến nay, trên địa bàn xã đã có hàng chục mô hình phát triển theo hướng gia trại đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên như: Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn của chị Hà Thị Yên, chị Đoàn Thị Dung ở thôn Thanh Sơn; mô hình trồng cây ăn quả của hộ ông Đào Mạnh Hùng ở thôn Hương Tiến; mô hình nuôi ong lấy mật của hộ ông Triệu Hậu Nghệ ở thôn Minh Thành... Các mô hình này không chỉ giúp các hộ có kinh tế khá giả, mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp của xã phát triển, đưa thu nhập bình quân đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm xuống còn 4,8%. Qua đó, góp phần đưa địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí và về đích NTM năm 2024.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/minh-tien-giam-ngheo-tu-nhung-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-232384.htm
Zalo