Mèo Vạc (Hà Giang): Đón nhận danh hiệu 'Cây Di Sản Việt Nam'

Tối 23/4, tại Quảng trường trung tâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Lễ công nhận và đón nhận danh hiệu 'Cây Di sản Việt Nam' dành cho 4 cây cổ thụ quý hiếm gồm: 1 cây gạo, 2 cây đa và 1 cây nhội tọa lạc trên địa bàn thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Đây là những cây cổ thụ có tuổi đời từ 180 đến hơn 200 năm, với chiều cao trung bình từ 13 đến 20 mét, đường kính tán lá rộng từ 18,5 đến 30 mét, là những chứng nhân lịch sử âm thầm ghi dấu bao biến động và thăng trầm của vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Cây Di sản đã trực tiếp trao Bằng công nhận và tặng hoa chúc mừng cho đại diện lãnh đạo thị trấn Mèo Vạc, lãnh đạo huyện Mèo Vạc lên chứng kiến khoảnh khắc quan trọng. Ảnh: Minh Huệ

Các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Cây Di sản đã trực tiếp trao Bằng công nhận và tặng hoa chúc mừng cho đại diện lãnh đạo thị trấn Mèo Vạc, lãnh đạo huyện Mèo Vạc lên chứng kiến khoảnh khắc quan trọng. Ảnh: Minh Huệ

Tham dự buổi lễ có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; Nhà báo Phùng Quang Chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di Sản Việt Nam; Thạc sĩ Nguyễn Danh Trường, Phó Tổng Thư ký Hội đồng, cùng các thành viên trong hội đồng. Về phía huyện Mèo Vạc tham dự lễ công bố có Thường trực Huyện ủy, đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn, lãnh đạo thị trấn Mèo Vạc và đông đảo bà con nhân dân địa phương.

Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hải đã công bố quyết định công nhận 4 cây cổ thụ tại thị trấn Mèo Vạc là Cây Di sản Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Hội đồng Cây Di sản đã trực tiếp trao bằng công nhận và tặng hoa chúc mừng cho đại diện lãnh đạo thị trấn Mèo Vạc, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của địa phương.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Phùng Quang Chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam nhấn mạnh: “Việc công nhận những cây cổ thụ tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là Cây Di sản Việt Nam không chỉ là sự tôn vinh giá trị tự nhiên, mà còn là sự gìn giữ ký ức văn hóa, tín ngưỡng và bản sắc dân tộc, những điều đang ngày càng trở nên quý giá trong dòng chảy phát triển hiện đại.”

Hội đồng Cây Di sản, lãnh đạo thị trấn Mèo Vạc, lãnh đạo huyện Mèo Vạc lật biển cây Di Sản Việt Nam

Hội đồng Cây Di sản, lãnh đạo thị trấn Mèo Vạc, lãnh đạo huyện Mèo Vạc lật biển cây Di Sản Việt Nam

Mỗi cây cổ thụ được vinh danh đều mang trong mình một câu chuyện riêng, gắn bó mật thiết với đời sống và tâm linh của người dân địa phương. Cây gạo tại tổ 2 là điểm tụ họp của người dân mỗi độ hoa nở, nơi in đậm ký ức tuổi thơ của bao thế hệ học trò. Khi hoa gạo nở rực rỡ như thắp lửa giữa trời xuân, cũng là lúc những hồi ức về một Mèo Vạc thanh bình, giản dị lại ùa về.

Cây đa cổ thụ nằm trong khu vực miếu Đền Mẫu Thượng Ngàn từ lâu đã được người dân thị trấn tôn thờ như biểu tượng linh thiêng, bảo hộ cho sự bình an, no đủ. Đây cũng là điểm đến tín ngưỡng quen thuộc trong các lễ cúng cầu an, tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh bản địa. Cây đa thứ hai, nằm gần một lối đi cổ trong thị trấn, từ lâu đã trở thành nơi dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện của người dân mỗi buổi chiều. Với thân cây to, tán lá xèo rộng, nó không chỉ mang vẻ đẹp cổ kính mà còn là chứng nhân thầm lặng của bao câu chuyện đời thường là hình ảnh gắn liền với nét sinh hoạt cộng đồng của người dân thị trấn.

Cây nhội tại tổ 2, loài cây đặc trưng của vùng núi phía Bắc, không chỉ có giá trị dược liệu quý mà còn hiện diện như một phần không thể thiếu trong đời sống sản xuất và tín ngưỡng của đồng bào. Bà Vừ Thị Lia, người dân tổ 1 xúc động chia sẻ: “Cây nhội không chỉ cho bóng mát, mà còn là nơi bà con thường tụ họp vào những dịp quan trọng. Lá, quả đều dùng được, nhưng điều đặc biệt là trong tâm thức dân làng, nó như một phần linh hồn của đất này. Nay được công nhận là Cây Di sản, chúng tôi thấy niềm tự hào khó tả.”

Trước khi được công nhận, hồ sơ khoa học của các cây đã được thực hiện qua một quá trình khảo sát, kiểm đếm, lập hồ sơ chi tiết và lấy ý kiến cộng đồng, sau đó được Hội đồng chuyên môn thẩm định kỹ lưỡng.

Danh hiệu "Cây Di sản Việt Nam" là sáng kiến của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhằm tôn vinh những cá thể cây quý có giá trị đặc biệt về sinh học và di sản, qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa một cách bền vững.

Buổi lễ không chỉ là dịp để tôn vinh các cây cổ thụ, mà còn là cơ hội để nhân dân Mèo Vạc cùng nhau nhìn lại những giá trị quý báu mà thiên nhiên đã trao tặng, từ đó nuôi dưỡng thêm niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ di sản cho thế hệ mai sau.

Ông Bùi Duy Thưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Chúng tôi xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào. Đây sẽ là điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với giáo dục truyền thống, góp phần đưa hình ảnh Mèo Vạc đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước.”

Trong không khí trang trọng và đầy cảm xúc, lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã trở thành một dấu mốc đáng nhớ, góp phần làm dày thêm bản sắc văn hóa của một vùng đất biên cương thiêng liêng, nơi hội tụ những nét đẹp của thiên nhiên và con người.

Minh Huệ - Mèo Vạc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/meo-vac-ha-giang-don-nhan-danh-hieu-cay-di-san-viet-nam-a28440.html
Zalo