Bài 1: Chiến trường Củ Chi trong kháng chiến chống Pháp
Trong lịch sử hai cuộc kháng chiến trường kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm trên chiến trường Nam Bộ trong hơn 1 vạn 800 ngày, từ mùa thu tháng 9 năm 1945 đến khi kết thúc Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, nói đến Củ Chi, trước hết là nói đến vùng đất thánh cách mạng, nói đến căn cứ địa và hậu phương kháng chiến bền vững đã trở thành biểu tượng của 'đất thép thành đồng', 'quê hương địa đạo', 'vành đai diệt Mỹ', và là 'lá cờ đầu của phong trào chiến tranh du kích'. Nói đến Củ Chi là nói đến 'nơi chưa ra ngõ đã gặp anh hùng', biểu tượng cho khí phách anh hùng, cho ý chí trung kiên, nghĩa dũng của các thế hệ người dân Củ Chi nồng nàn yêu nước. Tại địa phương này mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi mét đất là một địa đạo, một chiến hào, một hầm chông, một hố đạp lôi... Nói đến Củ Chi, là nói đến 'chiến trường lửa' của Khu Sài Gòn - Gia Định đã từng làm cho quân thù phải hồn xiêu phách lạc.
Thông thường xưa nay khi đặt tên cho một vùng đất nào, đồng bào ta hay dựa vào tên nhân vật lịch sử hoặc tên của một loại cây đặc trưng bản địa nơi đó. Ở chiến khu Bời Lời, giáp giới với Củ Chi - một góc của vùng Tam giác Sắt (thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), nhân dân đã sử dụng cây bời lời (tên khoa học là Litsea Glutinosa C.B.Rob) để đặt tên. Còn tại vùng đất Củ Chi, căn cứ Củ Chi – cũng là một góc của vùng Tam giác Sắt, bà con nông dân đã sử dụng cây củ chi để đặt tên. Củ chi là một loài cây độc, mọc hoang, còn được gọi là "cây cổ chỉ” (tên khoa học là: Strychnos nux - vomica L.). Cây cao từ 5 đến khoảng 20m, vỏ thân màu xám trắng, lá đơn, mọc đôi, hoa màu xám trắng hoặc vàng nhạt, có mùi thơm. Vì là loại cây độc có biệt danh là "trẻ tránh xa, già hoảng sợ" nên từ lâu đã bị đốn sạch. Hiện nay trên vùng đất Củ Chi chỉ còn sót lại một số cây ở xã Phú Hòa Đông.
Kháng chiến về quân sự
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Củ Chi là vùng đất hội đủ những yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hòa để xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Theo binh pháp, đây là nơi "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lùi có thể giữ).
Chúng ta đã thấy trong cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất trên đất Củ Chi và vùng phụ cận vào cuối thế kỷ 19, nghĩa quân Trương Quyền (con trai người anh hùng dân tộc Trương Định) đã đánh cho quân Pháp những đòn tơi tả. Nhiều tên chỉ huy quân sự dày dặn trận mạc của Pháp đã bị tiêu diệt như: Savin Larchauze, Đại tá Marchaisse...

Nhân dân Củ Chi trong Đồng khởi (1960)
Sau khi tiếng súng cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai vào mùa Thu năm 1945 bùng nổ trên đất Củ Chi, đồng bào ta đã sáng tác và lan truyền hai câu thơ trỗi lên hồi kèn xung trận: Củ Chi ơi, Củ Chi này/Quân thù mà đến tan thây quân thù.
Thực hiện khẩu hiệu chiến đấu của Trung ương và Xứ ủy Nam Bộ: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!", sau khi tiếng súng kháng chiến chống Pháp bùng nổ, huyện ủy Củ Chi đã ra sức xây dựng tổ chức Đảng, lực lượng vũ trang cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất, các căn cứ địa và hậu phương kháng chiến, đặc biệt là Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu và dân quân du kích đã ra đời ở khắp các địa phương.
Một điều đặc biệt là, trong 5 năm đầu kháng chiến, các căn cứ địa trên vùng đất Củ Chi là nơi bất khả xâm phạm đối với quân viễn chinh Pháp.
Thắng lợi lớn nhất về quân sự trên chiến trường Củ Chi trong 9 năm kháng chiến chống Pháp là sự vận dụng năng động, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng phù hợp với tính chất riêng biệt và hoàn cảnh đặc thù của địa phương, đã liên tiếp đánh bại các chiến lược và chiến thuật về quân sự của đội quân nhà nghề Pháp như: "chiến lược đánh nhanh thắng nhanh", "chiến thuật tầm ăn lá dâu", "chiến thuật vết dầu loang", "chiến thuật chiếm đất giành dân bằng đồn bót", "chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh"...
Một trong những bài học kinh nghiệm đặc sắc về việc vận dụng sáng tạo cách đánh giặc trên chiến trường Củ Chi, là ngay trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, việc nhân dân đào địa đạo kết hợp với xây dựng xã, ấp chiến đấu và bố trí hầm chông, hố đinh... đã tạo ra lối đánh xuất quỷ nhập thần. Sự sáng chế ra muôn hình vạn trạng loại vũ khí tự tạo đã trở thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng.
Ngay trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, quân dân Củ Chi đã làm phá sản chiến lược "tốc chiến, tốc thắng" (đánh nhanh, thắng nhanh) của quân Pháp. Bằng việc xây dựng, mở rộng và đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, ta đã tiêu hao và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch trên các chiến trường như ở Trung Lập, Phước Vĩnh An...; đã đẩy lùi và liên tiếp đánh bại những trận càn quét lớn vào căn cứ kháng chiến của ta tại nhiều vùng như ở Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Tân An Hội, Tân Phú Trung...
Trong những năm giữa cuộc kháng chiến chống Pháp, trên chiến trường Củ Chi, quân dân ta đã chặn đứng và đẩy lùi "kế hoạch tằm thực" (tằm ăn lá dâu), kế hoạch phát triển theo kiểu "vết dầu loang" bằng cách xây dựng "hệ thống tháp canh" của tướng Pháp Đờ Latua trên các trục đường giao thông thủy bộ nhằm lấn chiếm đất, giành dân; đồng thời mở các cuộc càn quét liên miên vào những căn cứ kháng chiến của ta để thực hiện âm mưu "tát nước bắt cá".
Trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, do bị thất bại nặng trên chiến trường Bắc Bộ nên thực lực của quân Pháp ở Nam Bộ ngày càng suy yếu. Tận dụng "thời cơ vàng" này, quân dân Củ Chi đã nổi dậy bao vây và san bằng đồn bót, tiêu diệt sinh lực địch, phá tề trừ gian, làm tê liệt bộ máy chính quyền địch, mở rộng không ngừng vùng giải phóng, đẩy quân viễn chinh Pháp vào thế thua sau khi đại quân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Kháng chiến về chính trị, kinh tế, văn hóa
Thành quả nổi bật trong lĩnh vực kháng chiến về chính trị ở huyện Củ Chi là sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng đã được thành lập tại khắp các địa phương. Sau khi Ủy ban hành chính và mặt trận Việt Minh ra đời, những cơ quan chức năng của bộ máy chính quyền cách mạng, các đoàn thể cứu quốc và hội quần chúng cũng đã hình thành. Hoạt động chủ yếu của các tổ chức này là tổ chức nhân dân chống địch càn quét, xây dựng xã - ấp chiến đấu, đóng góp nuôi quân, vận động thanh niên tham gia bộ đội và du kích để bảo vệ xóm làng. Năm 1948, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, cùng với khắp nơi trên chiến trường Nam Bộ, nhân dân vùng giải phóng của huyện Củ Chi đã tổ chức bầu cử HĐND xã.
Từ ngày bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi ký kết Hiệp định đình chiến ở Genève, các cơ quan chính quyền cách mạng trên chiến trường Củ Chi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân tiến hành kháng chiến về mặt chính trị: Củng cố các cơ quan chính quyền, tăng cường bộ máy kháng chiến, phát triển các đoàn thể cứu quốc và các tổ chức quần chúng nhằm phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng!".
Cuộc kháng chiến của nhân dân Củ Chi không phải chỉ được tiến hành với tinh thần hy sinh và xã thân trên chiến trường, mà còn được thực hiện quyết liệt trong lĩnh vực kháng chiến về kinh tế. Nhờ thực hiện năng động, sáng tạo nhiệm vụ xây dựng kinh tế kháng chiến dựa trên cơ sở lấy việc phát triển nông nghiệp làm chủ yếu và quán triệt phương châm tự lực cánh sinh, tiến hành việc tự cung tự cấp, tự sản tự tiêu nên quân dân Củ Chi đã đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của kháng chiến mà không phải lệ thuộc vào nguồn ngoại viện, không phải phụ thuộc vào thành thị.
Chỉ tính riêng trong năm 1949, Củ Chi đã sản xuất được 896.000 giạ lúa. Tại căn cứ địa An Nhơn Tây đã xây dựng được khu kinh tế độc lập. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, tỉnh Gia Định nói chung và huyện Củ Chi nói riêng, là nơi xây dựng vững vàng nhất về kinh tế - tài chính kháng chiến.
Nổi bật nhất trong việc củng cố và nâng cao thực lực kinh tế kháng chiến trên chiến trường Củ Chi là các cơ quan chính quyền cách mạng đã sớm tiến hành chủ trương "cấp đất cho nông dân nghèo". Chỉ tính riêng trong xã Trung An (Củ Chi), Ủy ban kháng chiến - hành chính xã đã lấy 100 héc-ta đất của địa chủ, Việt gian để chia cho 300 hộ bần cố nông. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, chính trị và tư tưởng, nó làm cho giai cấp nông dân phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tích cực đóng góp về mọi mặt cho kháng chiến.
Lúc sinh thời, đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM thường phát biểu câu nói ví von: "Trong những năm đánh Pháp, chúng ta đã tạo ra được một xã hội thời Nghiêu - Thuấn". Thuở ấy, trong các chiến khu mọi người gọi là xã hội của "cách mạng dân chủ mới".
Ở Củ Chi trong vùng giải phóng, nhất là những năm 1950 - 1951, hoạt động văn hóa - văn nghệ rất sôi nổi. Ban ngày cấy cày, chợ búa, ban đêm biểu diễn văn nghệ quần chúng. Phong trào ca hát, hò vè, đốt lửa trại đã được tổ chức trong những ngày hội họp. Phong trào xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện "đời sống mới" được phát động mạnh mẽ. Xóm làng được xây dựng trên tinh thần đoàn kết, sống trong sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau, không còn nạn trộm cắp, cờ bạc, đĩ điếm, rượu chè, mê tín dị đoan không còn hiện tượng bạo hành gia đình, ban đêm ngủ không cần đóng cửa.
Trong vùng căn cứ địa kháng chiến ở Củ Chi, còn phát triển mạnh các "phong trào chăm sóc và nuôi dưỡng thương binh", phong trào "hũ gạo nuôi quân", "con gà kháng chiến", "bụi chuối yêu nước" do Hội Mẹ chiến sĩ làm nòng cốt phát triển rất mạnh. Phong trào "vệ sinh phòng bệnh", "sử dụng cây thuốc Nam", "sử dụng những toa thuốc căn bản", "cấy Phi-la-tốp" để chữa bệnh ngày càng phát triển lan rộng... Ở khắp các xã đều có trạm y tế, nhà bảo sinh, đội cứu thương...
(Còn tiếp...)