Lịch sử, văn hóa, điểm đến liệu có bị 'nhấn chìm' sau đặt lại tên xã, phường?

Mỗi tên gọi đậm đặc giá trị cốt lõi sẽ gợi cảm hứng và in sâu vào tâm thức, để gợi du khách nhớ một câu chuyện gắn với lịch sử, văn hóa… vùng đất ấy và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân bản địa.

Sau khi chốt các phương án sáp nhập phường, xã trên cả nước, câu chuyện đặt tên thế nào cho phù hợp với bối cảnh mới của xã hội, văn hóa truyền thống mà vẫn hợp lòng dân đang trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi.

Ý kiến số đông đều nghiêng về việc dùng địa danh lịch sử, hay những tên gọi có ý nghĩa văn hóa sâu sắc thay cho việc đánh số thứ tự, hoặc theo phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cơ học... Bởi tên gọi không chỉ là định danh mà còn thể hiện tính nguồn cội, gắn bó về mặt tinh thần, và đặc biệt có giá trị trong việc xây dựng thương hiệu điểm đến.

Nhiều người dân, thậm chí chuyên gia lo ngại cuộc cải tổ tên gọi lần này có khiến nhiều vùng đất đặc trưng của lịch sử, văn hóa, điểm đến bị “nhấn chìm”? Tuy nhiên, quyết định cuối cùng ra sao hiện vẫn đang được chính quyền các địa phương “đặt lên bàn cân” trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025.

Danh xưng từ những di sản cốt lõi

Bà Phạm Mai, đại tá quân đội về hưu, một tổ trưởng tổ dân phố ở quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng những cái tên như phường 1, phường 2… hay gọi theo phương hướng… không chứa đựng bất kỳ câu chuyện gắn với văn hóa, lịch sử nào, cũng không giúp nhận diện thương hiệu cho địa phương trong dài hạn. Cách gọi cơ học này có thể thuận tiện cho việc quản lý ngắn hạn nhưng không mang tính biểu tượng cho cộng đồng.

Theo bà, thực tế tồn tại tâm lý muốn hạn chế “xung đột” quan điểm, tránh phức tạp nên một số cấp có thẩm quyền chọn cách an toàn. Điều này dẫn đến việc xa rời các nguyên tắc cơ bản khi đặt tên đơn vị hành chính như: tên gọi thường hàm chứa hoặc xuất phát từ đặc điểm riêng về vị trí địa lý; chứa đựng yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống; hay còn là gửi gắm mong muốn về sự phát triển trong tương lai…

 Thành phố biển Đà Nẵng được mệnh danh là nơi đáng sống nhất Việt Nam, sẽ sáp nhập với Quảng Nam và giữ tên Đà Nẵng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thành phố biển Đà Nẵng được mệnh danh là nơi đáng sống nhất Việt Nam, sẽ sáp nhập với Quảng Nam và giữ tên Đà Nẵng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhiều quan điểm cho rằng đặt tên xã, phường mới tuy khó mà không khó nếu thể hiện được tinh thần trách nhiệm trên cơ sở hiểu biết văn hóa và biết lắng nghe… Bởi cứ dễ dãi cho xong việc, hệ quả tất khôn lường và chính thế hệ mai sau sẽ “gánh quả.”

Một số chuyên gia văn hóa chia sẻ quan điểm, việc lựa chọn tên gọi sao cho vừa đảm bảo tính khoa học, vừa bảo tồn được bản sắc, lại tạo được đồng thuận cao trong lòng nhân dân là bài toán cần được giải bằng sự tinh tế và cả tầm nhìn.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, cách đặt tên gọi được nhiều người dân đồng thuận nhất luôn bắt đầu từ sự thấu cảm và tôn trọng quá khứ. Ở các địa phương có tên gọi đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng thì việc giữ lại các danh xưng này không chỉ là cách để bảo vệ di sản mà còn là cam kết của chính quyền trong việc luôn lắng nghe và gìn giữ giá trị lịch sử.

Điều đáng nói, một địa danh được gọi tên từ chiều sâu văn hóa sẽ khơi gợi niềm tự hào, gắn kết và khơi dậy tinh thần cùng phát triển của cộng đồng. Một cái tên có giá trị không chỉ là một cái tên, mà có thể là chất keo gắn kết quá khứ-hiện tại-tương lai, là cầu nối giữa những vùng sáp nhập, là cách khéo léo để mỗi địa phương quảng bá mình với cả nước và thế giới.

 Hà Giang là tỉnh giàu bản sắc văn hóa, sẽ sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang và giữ tên gọi Tuyên Quang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hà Giang là tỉnh giàu bản sắc văn hóa, sẽ sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang và giữ tên gọi Tuyên Quang. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cũng vì thế, qua trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, các chuyên gia du lịch, CEO của một số doanh nghiệp du lịch đều cho thấy quan điểm, để xây dựng và định vị hình ảnh thương hiệu, thu hút đầu tư, quảng bá điểm đến và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thì một danh xưng ý nghĩa, giàu bản sắc chính là lợi thế.

Bởi những tên gọi đậm đặc giá trị cốt lõi như vậy sẽ luôn gợi cảm hứng và in sâu vào tâm thức, để mỗi cái tên đều gợi nhắc tới du khách một câu chuyện gắn với lịch sử, văn hóa… của vùng đất ấy, và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân bản địa.

Những “điểm sáng” tiên phong

Trong bối cảnh một số địa phương còn lúng túng chốt phương án thì cách đặt tên 5 phường mới mà thành phố Đà Lạt vừa công bố nhận được nhiều đánh giá tích cực, vì từng tên gọi đều gắn liền với lịch sử, văn hóa và đặc điểm địa lý của thành phố ngàn hoa.

Dự kiến, năm phường mới này có tên: phường Xuân Hương-Đà Lạt; phường Cam Ly-Đà Lạt; phường Lâm Viên-Đà Lạt; phường Xuân Trường-Đà Lạt; phường Lang Biang-Đà Lạt (trên cơ sở sáp nhập phường 7, thành phố Đà Lạt với thị trấn Lạc Dương và xã Lát của huyện Lạc Dương).

Có thể thấy, một nơi chứa đựng dòng chảy ký ức đô thị rõ rệt với nhiều danh thắng như Đà Lạt, lãnh đạo địa phương đã phải cân nhắc kỹ khi quyết định tên từng địa danh đều gắn với chỉ dẫn địa lý quốc tế nổi tiếng Đà Lạt. Bởi trước đó, năm 2023, thành phố này đã được UNESCO công nhận thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

 Tên 5 phường mới mà thành phố Đà Lạt vừa công bố đều gắn liền với lịch sử, văn hóa và đặc điểm địa lý của địa phương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tên 5 phường mới mà thành phố Đà Lạt vừa công bố đều gắn liền với lịch sử, văn hóa và đặc điểm địa lý của địa phương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, chỉ dẫn địa lý Đà Lạt còn là thương hiệu lớn của ngành hoa và nông sản được bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Do đó, việc gắn thêm sau tên các phường nhằm duy trì lợi thế cho các phường sau sắp xếp.

Cách kết hợp tên gọi mang đậm bản sắc văn hóa địa phương với tên hành chính hiện đại như vậy vừa giúp Đà Lạt giữ được hồn cốt, vừa thuận tiện cho quản lý hành chính và phát triển du lịch. Đây cũng là cách đặt tên phù hợp với xu hướng thế giới, khi vừa bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện đại và hội nhập.

Hơn nữa, qua cách đặt tên mới, chính quyền và nhân dân Đà Lạt đã giúp thế hệ trẻ và du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc của vùng đất này bằng tên gọi tôn trọng lịch sử, văn hóa và đặc trưng vùng miền; đồng thời thể hiện mong muốn sớm khẳng định thương hiệu uy tín trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch...

Cũng chọn cách làm như thành phố ngàn hoa, vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là các địa danh cũ từng bám sâu trong tiềm thức của người dân. Bởi những định danh như Gia Định, Chợ Lớn, An Đông, Hóc Môn, Bà Điểm... đã neo vào tâm trí và giúp người dân nhắc nhớ về diện mạo cả một vùng đất.

 Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và yên bình cùng hàng loạt di tích lịch sử ở Cao Bằng là những điểm thu hút du khách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và yên bình cùng hàng loạt di tích lịch sử ở Cao Bằng là những điểm thu hút du khách. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Tương tự, Quảng Nam cũng chọn sử dụng tên gọi xã, phường mới gắn liền với các di tích lịch sử, trầm tích văn hóa có tính đại diện cho mỗi vùng đất như mong muốn của đa số cử tri, thay vì đánh số thứ tự hay phương hướng như phương án ban đầu.

Nhờ đó, rất nhiều tên vùng đất, tên làng cũ mang tính biểu tượng đã đi vào lịch sử và đời sống của biết bao thế hệ người con xứ Quảng được dùng để đặt tên mới như: Gò Nổi (thị xã Điện Bàn); Chu Lai (huyện Núi Thành); Hương Trà, Bàn Thạch (thành phố Tam Kỳ)… Những địa danh thân thuộc như Mỹ Sơn, Vu Gia, Thu Bồn, Gò Nổi, Bến Giằng, Chợ Được, Bình Dương... cũng được đặt tên cho các xã mới.

Thời gian nộp đề án đặt tên mới cho các xã, phường hậu sáp nhập lên Trung ương không còn nhiều, song những “tấm gương” như Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam… sẽ góp phần gợi mở cho mỗi địa phương trong việc lắng nghe thêm ý kiến người dân và dư luận xã hội để có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tầm nhìn dài hạn, cũng như không "nhấn chìm" những giá trị cốt lõi.

“Hãy đặt tên bằng trái tim, bằng sự thấu cảm và bằng khát vọng dựng xây một tương lai bền vững trên nền tảng của ký ức và bản sắc,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh./.

 Vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc ở Cung An Định, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Vương Công Nam)

Vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc ở Cung An Định, Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Vương Công Nam)

Theo Quyết định 759/QĐ-TTg ban hành ngày 14/4/2025 về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nguyên tắc đầu tiên để xác định tên gọi là việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Tên đơn vị hành chính mới được ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập, nhằm hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập…

Việc đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự là nguyên tắc thứ 5 trong Quyết định này.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên tắc khác như tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân địa phương; góp phần giữ gìn, phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và tinh thần đoàn kết của nhân dân đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp...

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-van-hoa-diem-den-lieu-co-bi-nhan-chim-sau-dat-lai-ten-xa-phuong-post1034765.vnp
Zalo