Văn bia tháp Trinh từ ở chùa làng Phả Lại, Bắc Ninh
Nội dung ghi chép trên văn bia là nguồn tư liệu Hán Nôm quan trọng cho biết chi tiết quy mô các hạng mục công trình kiến trúc chùa làng Phả Lại vào nửa cuối thế kỷ XVII.
Tác giả: Nguyễn Văn An
Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh
Làng Phả Lại, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh xưa thuộc tổng Đào Viên, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Phả Lại là một vùng đất “sơn thủy hữu tình” có bề dày lịch sử gắn liền với nhiều chiến thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên sông Lục Đầu huyền thoại. Qua thời gian, nơi đây còn bảo lưu được nhiều di tích lịch sử văn hóa giá trị, trong đó tiêu biểu nhất là khu di tích đền, chùa làng Phả Lại được khởi công xây dựng từ triều Lý (thế kỷ XII) để thờ Phật cùng An Nam đại Thánh tổ Quốc sư Nguyễn Minh Không (Khổng Minh Không).
Chùa làng Phả Lại xưa kia có tên chữ là 古庵寺 “Cổ Am tự”, về sau đổi thành 天福寺“Thiên Phúc tự”[1]. Sách 北寜風土雜記 “Bắc Ninh phong thổ tạp ký” cho biết: “Chùa xưa có 100 gian, làm vào thời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) được xây trên ngọn núi Phả Lại rộng hơn 40 mẫu, bao gồm các công trình: chùa Phật, chùa Hộ, chùa Am, Tam quan nội, Tam quan ngoại, Điện kính thiên, Gác chuông, Gác trống, Tăng thất, Nhà khách… tổng cộng gần hai chục dãy nhà với hơn một trăm gian...”. Trải qua thời gian quần thể di tích đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần dưới thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn theo lối kiến trúc “tiền Phật hậu Thánh”. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp đền, chùa làng Phả Lại bị phá hủy hoàn toàn, đến năm 1958 nhân dân địa phương xây dựng lại đền, chùa liền kề nhau tạo thành một quần thể di tích gồm hai tòa: Tiền đường 5 gian, Thiêu hương 3 gian nối với phần Hậu cung 2 gian làm nơi thờ tự.
Theo thần phả, sắc phong hiện còn lưu giữ tại đền, chùa cho biết Quốc sư Nguyễn Minh Không đã chọn chùa Cổ Am làm nơi trụ trì và hưng công tu tạo, mở rộng khuôn viên ngôi chùa này. Sau đó Quốc sư cùng với Thiền sư Dương Không Lộ theo học về đạo Phật ở các chùa Thảo Đường, chùa Hạ Trạch. Về sau, trải qua quá trình tu hành khổ hạnh đắc đạo, ngài lại quay trở về chùa Cổ Am. Quốc sư Nguyễn Minh Không đã đi quyên đồng đúc chuông làm “An Nam tứ đại khí”. Ngài còn vào kinh đô chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông, khi khỏi bệnh được nhà vua trọng thưởng.
Ngoài ra, trong quá trình tu hành Quốc sư Nguyễn Minh Không còn có nhiều công lao với đất nước nên được nhân dân tôn thờ làm Thành hoàng của làng. Nhằm tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, hàng năm lễ hội truyền thống đền, chùa làng Phả Lại diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 8 (Âm lịch). Trong những ngày diễn ra lễ hội có nhiều nghi thức và tục trò độc đáo, đặc biệt là tục “rước nước” được tổ chức với quy mô lớn.
Theo các nguồn sử liệu cho biết tục rước nước được bắt nguồn từ sự tích đức Thánh tổ Khổng Minh Không đi quyên đồng để đúc chuông, khi chuông thành, đánh thử chuông thì có con trâu vàng ở trong núi nghe tiếng chuông vội chạy đến. Gần tới chùa thì dứt tiếng chuông ngân, trâu bèn đằm xuống hồ Lãng Bạc.
Quốc sư nổi giận lấy chân đạp hất văng quả chuông lăn từ trên núi xuống sông Cái (sông Lục Đầu), chuông lăn tới đâu thành vệt tới đó. Nay ở khúc sông ấy có tên gọi là “Vực chuông”. Mỗi khi trời âm u, thấy có tăm nước nổi lên. Từ đó về sau, chuông chùa Phả Lại trở thành một trong “An Nam tứ khí” của nước Việt.

Bia “Trinh từ tháp tự Đại Minh thạch tượng tả san” dựng khắc năm Vĩnh Trị thứ 01 (1676) trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh. Ảnh tác giả cung cấp.
Tại khu di tích đền, chùa làng Phả Lại hiện còn bảo lưu được một số di vật cổ niên đại tạo tác vào thời Lê - Nguyễn, tiêu biểu như: tượng Thánh tổ Nguyễn Minh Không; 02 bản thần phả chữ Hán ghi chép về hành trạng của Quốc sư Nguyễn Minh Không; 04 tấm bia đá (01 tấm mờ chữ): 普賴寺碑 “Phả Lại tự bi” niên đại 正和 Chính Hòa 12 (1691), 普賴山塔記 “Phả Lại sơn tháp ký” niên đại 龍德 Long Đức 3 (1734), 重修碑記 “Trùng tu bi ký” niên đại năm 癸酉 Quý Dậu; 03 đạo sắc phong do các đời vua ban tặng cho Thánh tổ Nguyễn Minh Không vào các năm 同慶 Đồng Khánh 2 (1887), 維新 Duy Tân 3 (1909), 啓定 Khải Định 9 (1924) cùng nhiều đồ thờ tự chất liệu khác nhau như gỗ, đồng, sành, sứ…
Đặc biệt, tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh hiện trưng bày 01 tấm bia đá貞慈塔序大明石匠寫刊 “Trinh từ tháp tự Đại Minh thạch tượng tả san” khắc năm 1676, mang ký hiệu BTBN 1279 có nguồn gốc từ chùa làng Phả Lại. Tấm bia đá này vốn được gắn trên tháp Trinh từ xây dựng vào thế kỷ XVII, do thời gian, chiến tranh ngôi tháp đã bị đổ nát, bia đá cũng thất lạc.
Đến năm 2006 Bảo tàng Bắc Ninh phối hợp với các cụ cao niên trong Ban Quản lý di tích thôn Phả Lại cùng tìm kiếm tấm bia ở khu vực xung quanh chùa, kết quả phát hiện tấm bia đá kể trên ở độ sâu cách mặt đất 3m.
Tấm bia hình chữ nhật, được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, dạng dẹt có kích thước dài 95cm, cao 72cm, dầy 17cm, bề mặt bia bằng phẳng không hạ lòng, không trang trí hoa văn, chữ Hán khắc thể chân phương, nhiều chữ đã bị mờ.
Nội dung chính ghi chép lai lịch, công trạng của người cúng dường ruộng đất cho chùa Phả Lại, xây dựng tòa ngự điện cùng bảo tháp uy nghi. Phần đầu văn bia cho biết:
“…Nay có vị Cung tần trong phủ Chúa là Ưu bà di Nguyễn Thị Ngọc Quế hiệu Diệu Thời người xã Quế Ổ, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, khi khôn đạo đã tư thành, mang dấu tích thác sinh mà dung nghi dụ phát, khí chất luân siêu, cử chỉ an nhiên, hạnh ngôn mẫu mực. Năm 14 tuổi, được vào hầu hạ trong phủ Chúa. Lớn lên, giữ gìn lễ tiết của người con gái, thường thực hiện theo phận “tiểu tinh” mà “Kinh thi” đã dạy. Vì vậy, người trong cung vẫn xưng tụng là người hiền thục. Đến khi hạn cấm về làng, bà dốc hết sức dâng biểu xin với Chúa xin miễn giảm lao dịch cho làng, đồng thời đứng ra tổ chức cho những người trẻ tuổi trong nhà sớm hôm học tập nghề canh cửi, nông tang. Bản thân bà cũng chăm chỉ làm việc, không từ một việc gì. Trong cuộc sống không bao giờ a dua, nói năng những điều thị phi...”[2]
Bà cùng với thân mẫu Nguyễn Thị Ngọc Thung hiệu Vĩnh Tiến, thân huynh Đô đốc Đồng tri Thụy Quận công Nguyễn Đức Trung xây 1 tòa ngự điện, thềm đá 4 mặt, cúng 6 mẫu ruộng cho nhà chùa làm ruộng tế điền, giao cho nhân dân sở tại luân lưu cày cấy để đèn hương tế tự trước sau không đổi.
Phần cuối là dòng lạc khoản 黎皇永治元年歲在丙辰十月榖日造 “Lê hoàng Vĩnh Trị nguyên niên tuế tại Bính Thìn thập nguyệt cốc nhật tạo” cho biết văn bia được lập vào ngày tốt, tháng 10 năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 01 (1676) triều Lê.
Văn bia 貞慈塔序大明石匠寫刊 “Trinh từ tháp tự Đại Minh thạch tượng tả san” ở chùa làng Phả Lại chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Nội dung ghi chép trên văn bia là nguồn tư liệu Hán Nôm quan trọng cho biết chi tiết quy mô các hạng mục công trình kiến trúc chùa làng Phả Lại vào nửa cuối thế kỷ XVII.
Văn bia còn cung cấp thông tin chính xác về chức tước, địa vị của Thụy Quận công Nguyễn Đức Trung cùng thân mẫu Nguyễn Thị Ngọc Thung hiệu Vĩnh Tiến và em gái Vương phủ nội Cung tần Ưu bà di Nguyễn Thị Ngọc Quế hiệu Diệu Thời thuộc dòng họ Nguyễn Đức làng Quế Ổ nổi tiếng “to và mạnh” nhất ở trấn Kinh Bắc xưa.
Bia “Trinh từ tháp tự Đại Minh thạch tượng tả san” dựng khắc năm Vĩnh Trị thứ 01 (1676) trưng bày tại khuôn viên ngoài trời Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh.
Tác giả: Nguyễn Văn An
Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh
Chú thích:
[1] Trong lịch sử hình thành và phát triển chùa làng Phả Lại còn có nhiều tên gọi khác nhau như: Viên Quy tự, Bảo Minh tự, Chúc Thánh tự…
[2] Bản dịch nghĩa của Thích Thanh Huân, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa Đức Long”, Bắc Ninh, tháng 11/2015, trang 90 - 91.