[Megastory] Cuốn nhật ký từ chiến trường và câu chuyện tình yêu hơn nửa thế kỷ của người vợ liệt sĩ ở Biên Hòa

“Em yêu! Em có còn nhớ gì anh đã căn dặn trước giờ chia ly?”
“Anh vẫn sợ một nỗi là ngày mai gặp lại nó làm lạ không nhìn anh thì chắc là buồn lắm”...
Đây là những dòng chữ thân thương trong cuốn nhật ký của liệt sĩ Dương Ngọc Bửu. Cuốn nhật ký là kỷ vật chiến trường cuối cùng của ông vừa được phía Hoa Kỳ cung cấp cho Ban Chỉ đạo 515 (Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ), Quân khu 7 trao trả cho gia đình sau 56 năm ông hy sinh.

Bà Trương Kim Ngoa tại buổi trao trả di vật cho cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ do Ban Chỉ đạo 515, Quân khu 7 tổ chức. Ảnh: NVCC
Nhận kỷ vật của chồng, vợ ông, bà Trương Kim Ngoa (81 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) không cầm được nước mắt. Suốt hơn nửa thế kỷ, bà sống lặng lẽ, không đi thêm bước nữa, một mình nuôi con khôn lớn nên người, giữ trọn lời hứa với người chồng đã ngã xuống vì Tổ quốc.


Cuốn nhật ký là kỷ vật của liệt sĩ Dương Ngọc Bửu. Ảnh: Minh Hạnh

Từng nét chữ chứa đầy tình yêu thương của một người chồng, người cha viết cho vợ và con gái của mình. Ảnh: Minh Hạnh
Theo thông tin trên lý lịch, liệt sĩ Dương Ngọc Bửu sinh năm 1941, quê ở Chánh Hiệp, Châu Thành, Bình Dương (nay là phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Ông từng tham gia cách mạng, làm việc tại đơn vị Trinh sát Quân đội Tân Uyên. Ông hy sinh ngày 21-6-1969.
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng yêu nước nên từ nhỏ ông đã hun đúc cho bản thân một ý chí kiên trung, một lòng quyết tâm phục vụ cho Tổ quốc khi đất nước cần đến.
Tình yêu giữa liệt sĩ Dương Ngọc Bửu và bà Trương Kim Ngoa bắt đầu khi cả hai còn là học sinh. “Ông để ý tôi từ lúc còn đi học. Có lần viết thư cho tôi, nhưng tôi ngại quá nên không dám nhận”, bà kể lại, ánh mắt ánh lên cả sự e ấp lẫn tiếc thương của một thời tuổi trẻ.
Sau khi đỗ tú tài, ông tham gia cách mạng. Tháng 10-1961, ông bị bắt tại Mỹ Lộc (Tân Uyên) và giam tại nhà tù Phú Lợi. Đến tháng 12, ông được thả về nhưng vẫn bị theo dõi gắt gao. Dù trải qua ngục tù, tình cảm ông dành cho người con gái năm xưa vẫn không phai nhạt. Biết bà đang áp lực vì thi rớt Trung học Đệ Nhất cấp, ông kiên nhẫn an ủi, kèm bà học. Nhờ đó, năm 1962 bà thi lại và đã đậu kỳ thi này. Một năm sau, họ nên duyên vợ chồng, và năm 1964 có với nhau một cô con gái đầu lòng.

Ảnh chụp gia đình được bà Ngoa cất giữ cẩn thận. Ảnh: Minh Hạnh
Tổ ấm nhỏ vừa bắt đầu, thì lý tưởng cách mạng lại thôi thúc ông. Tháng 4-1965, ông trở lại chiến trường. “Lúc đó, ông không nói gì, chỉ để lại bức thư rồi lặng lẽ rời đi. Tôi vẫn còn nhớ rõ đó là đúng 17 tháng 5 ngày sau ngày cưới. Con gái còn nhỏ xíu mà bình thường ông thương lắm, ở nhà là cứ bồng con suốt. Nên tôi không nghĩ là ông sẽ đi đột ngột như vậy.” – bà Ngoa nghẹn ngào nhớ lại.


Từ ngày ông vào chiến khu, bà Ngoa trở thành trụ cột của gia đình. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, bà gồng gánh đủ nghề để nuôi con gái nhỏ. Dù cuộc sống khốn khó, bà vẫn đều đặn bồng con đi thăm chồng ở căn cứ mỗi khi có cơ hội. Mỗi cuộc gặp ngắn ngủi giữa rừng sâu là một lần tiếp sức, là lời yêu không nói thành câu giữa khói lửa chiến tranh.

Khi kể về lần hẹn cuối cùng với ông, bà khóc nghẹn ngào vì lần hẹn cuối lại là một cuộc hẹn dở dang.
Đó là rằm tháng Giêng năm 1969. Ông Bửu nhắn bà ra điểm hẹn quen thuộc. Sau khi gửi thư báo tin cho bà, ông ở lại chờ bà suốt mấy ngày trời. Nhưng đúng dịp đó, bà bận bán hàng chay. Bà nghĩ: “Thôi ráng bán cố, kiếm thêm chút tiền, mua được nhiều đồ ăn ngon vào tiếp tế cho ông.”
“Ngày 16 tháng Giêng âm lịch, tôi thuê một chiếc xe lam, bồng con ra rừng đúng điểm hẹn, tới nơi là khoảng 2 giờ chiều,” bà kể, ánh mắt chứa đầy một thứ cảm xúc không lời, “nhưng vừa đến nơi thì nghe người ta nói ông đã chờ mấy ngày liền, mà tới 10 giờ sáng hôm đó thì ông đã phải rút đi rồi…”
Bà không thể tưởng tượng đó cũng là cuộc hẹn cuối cùng của hai người. Ít tháng sau bà bàng hoàng nhận tin dữ “Chị Tư, chị Tư bình tĩnh nha, anh Bửu hy sinh rồi”. Là lúc bà biết từ nay bà không thể gặp lại chồng của mình được nữa. Đất nước mất đi một người chiến sĩ, còn bà, mất cả một nửa cuộc đời.

Sau ngày ông hy sinh, bà Ngoa ở vậy nuôi con. Đến nay đã 81 tuổi nhưng suốt 56 năm qua, trong lòng bà vẫn luôn lưu giữ những hình ảnh về người chồng của mình.
Những bài thơ ông sáng tác khi còn ở nhà đều được bà lưu giữ cẩn thận. Mỗi nét chữ, mỗi dòng thơ đều là kỷ niệm của một thời yêu thương.
Ngày nhận lại di vật là cuốn nhật ký của ông, bà khóc nghẹn ngào, phần vì vui mừng, phần vì tủi thân, vì cả một đời chờ đợi giờ mới được tìm lại được những kỷ niệm về ông.
Khi nhắc về cha của mình, bà Dương Thị Bích Ngọc chia sẻ: “Cha hy sinh lúc tôi mới vừa được 4,5 tuổi, lúc đó nhỏ quá, cũng không nhớ gì về cha mình cả. Chỉ biết về cha qua những lời kể của mẹ. Nhắc đến cha tôi luôn cảm thấy tự hào và xúc động chứ không thấy thiệt thòi gì cả. Vì mẹ chưa bao giờ để tôi thiếu thốn một thứ gì, từ vật chất cho đến tình cảm.”

Bà Trương Kim Ngoa được Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai khen tặng vì nuôi dạy con tốt. Ảnh: Minh Hạnh

Sau khi đọc từng câu, từng chữ mà ông ngoại viết trong cuốn nhật ký, chị Võ Anh Thy, cháu gái của ông phần nào hiểu thêm được về lý tưởng cao cả, và tình yêu nồng nàn mà ông dành cho bà ngoại.
Chị Võ Anh Thy chia sẻ: “Tuổi thơ của 3 chị em tôi gắn liền với những câu chuyện đẹp về ông ngoại, về sự yêu thương, ấm áp của ông dành cho bà, cho mẹ, nhưng chưa lần nào ngoại nhắc về nỗi đau của năm đó. Cho đến nay, ngày ngoại và mẹ được mời đến để trao trả kỷ vật của ông ngoại, hình ảnh bà lật trang nhật ký rồi khóc òa, hình ảnh mẹ tôi nhận cuốn nhật ký rồi cúi gằm mặt, tôi mới cảm nhận được phần nào nỗi mất mát, sự tiếc thương vô hạn của người phụ nữ góa chồng và người con mất cha từ nhỏ. Nỗi đau của chiến tranh để lại là quá lớn cho hai người phụ nữ tôi yêu thương nhất, nhưng chị em tôi vẫn luôn rất tự hào vì có ông là một chiến sĩ cách mạng yêu nước, có bà là một hậu phương vững chắc để chị em tôi có cuộc sống hạnh phúc bình dị như ngày hôm nay”.

Bà Trương Kim Ngoa cùng con cháu xúc động khi đọc những dòng nhật ký mà ông viết trong thời gian hoạt động cách mạng. Ảnh: Minh Hạnh
