9 loại rau giàu tinh bột tốt cho sức khỏe toàn diện
Theo các chuyên gia dinh dưỡng rau giàu tinh bột là nhóm thực phẩm thiết yếu, cung cấp chất xơ, protein và vô vàn dưỡng chất quan trọng để duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Rau giàu tinh bột là rau có hàm lượng carbohydrate và calo cao hơn so với các loại rau khác. Dưới đây là danh sách 9 loại rau giàu tinh bột mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.

Khoai tây là rau giàu tinh bột, là một nguồn cung cấp carbohydrate phức hợp tuyệt vời. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.
Khoai tây
Khoai tây là rau giàu tinh bột, là một nguồn cung cấp carbohydrate phức hợp tuyệt vời. Loại carbohydrate này tiêu hóa chậm hơn, giúp cung cấp năng lượng kéo dài, ổn định đường huyết hơn so với carbohydrate đơn giản.
Khoai tây còn chứa dồi dào chất xơ và các chất chống oxy hóa, đóng vai trò bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và ngăn ngừa bệnh tật. Chúng cũng là nguồn cung cấp vitamin K, vitamin C và kali đáng kể.
Ngô
Ngô là nguồn cung cấp chất xơ không hòa tan, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ tiêu hóa và duy trì nhu động ruột đều đặn. Bên cạnh đó, ngô còn chứa các chất chống oxy hóa carotenoid, có lợi cho sức khỏe tim mạch và mắt.
Khoai lang
Khoai lang được mệnh danh là một trong những loại rau củ cực kỳ bổ dưỡng. Chúng chứa hàm lượng cao vitamin A, chất xơ và kali. Chỉ một củ khoai lang có thể đáp ứng hơn 100% nhu cầu vitamin A hàng ngày của bạn.
Chất xơ trong khoai lang còn có đặc tính prebiotic, thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Đặc biệt, khoai lang chứa tinh bột kháng, một loại carbohydrate mà cơ thể không thể tiêu hóa, có khả năng hỗ trợ kiểm soát cân nặng, tăng cảm giác no và cải thiện độ nhạy insulin, rất có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Khoai lang được mệnh danh là một trong những loại rau củ cực kỳ bổ dưỡng. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.
Đậu lăng
Đậu lăng được xếp vào nhóm rau giàu tinh bột. Đây là nguồn cung cấp protein và chất xơ thực vật dồi dào, hỗ trợ kiểm soát cân nặng và duy trì sức khỏe đường ruột. Đậu lăng còn có chỉ số đường huyết (GI) thấp, giúp ngăn ngừa tình trạng tăng đột biến lượng đường trong máu.
Ngoài ra, đậu lăng còn chứa nhiều sắt, kali, magiê và các dưỡng chất thiết yếu khác.
Đậu Hà Lan
Đậu Hà Lan là một loại đậu có giá trị dinh dưỡng cao và rất đa năng trong chế biến. Chúng chứa nhiều chất xơ, protein, sắt, folate và các vitamin C, K, B6. Carbohydrate trong đậu Hà Lan được tiêu hóa chậm, rất hữu ích cho việc kiểm soát lượng đường trong máu, đặc biệt ở người mắc bệnh tiểu đường type 2.
Các loại đậu (đậu đen, đậu tây...)
Các loại đậu là nguồn cung cấp protein thực vật, chất xơ, magiê, folate và sắt tuyệt vời. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đậu với các lợi ích sức khỏe như giảm cân, giảm viêm và bảo vệ tim mạch. Một số bằng chứng ban đầu còn cho thấy đậu có thể giúp giảm nguy cơ ung thư trực tràng.
Bí ngô
Bí ngô nổi bật với hàm lượng chất xơ cao nhưng lại ít calo và carbohydrate hơn so với nhiều loại rau giàu tinh bột khác. Đây là nguồn cung cấp dồi dào các chất chống oxy hóa, bao gồm carotenoid và vitamin C, có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại một số loại ung thư.
Củ cải đường
Củ cải đường là một loại rau củ chứa nhiều vitamin C, kali, magiê và folate. Hàm lượng chất xơ dồi dào trong củ cải đường cũng khiến chúng trở thành một lựa chọn tốt cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Chuối tiêu là một loại trái cây, nhưng thường được sử dụng như một loại rau giàu tinh bột trong nấu ăn. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.
Chuối tiêu
Chuối tiêu là một loại trái cây, nhưng thường được sử dụng như một loại rau giàu tinh bột trong nấu ăn. Chuối tiêu là nguồn cung cấp vitamin C và kali dồi dào, mặc dù hàm lượng chất xơ không cao bằng nhiều loại rau củ giàu tinh bột khác.
Nghiên cứu cho thấy, chuối tiêu, dù ăn riêng hay kết hợp với đậu, có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2, có thể là do hàm lượng tinh bột kháng cao.