Lý thuyết 'nghịch cảnh người tù' trong kinh doanh

Một lần nữa, sự theo đuổi lợi ích cá nhân một cách ích kỷ dẫn đến một kết cục xấu hơn. Khi không bên nào chịu khai nhận, kết cục sẽ là tốt hơn đối với cả hai.

Trong suốt thập kỷ 70 của thế kỷ XX, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã thỏa thuận hợp sức với nhau để nâng giá dầu thô từ dưới 3 đôla một thùng vào năm 1973 lên trên 30 đôla một thùng vào năm 1980. Thế giới lo lắng chờ đợi trước mỗi cuộc họp định giá của OPEC.

Vào cuối những năm 1970, một số chuyên gia về năng lượng đã dự báo giá dầu có thể tăng lên tới 100 đôla mỗi thùng khi thiên niên kỷ kết thúc. Nhưng sau đó bỗng nhiên thỏa thuận hành động chung này có vẻ như bị phá sản. Giá dầu đi xuống, gần chạm đến ngưỡng 10 đôla một thùng vào đầu năm 1986 trước khi khôi phục lại đến mức 18 đôla một thùng vào năm 1987.

Khi chúng tôi đang viết cuốn sách này, cuộc chiến của Iraq đối với Kuwait đã đẩy giá dầu lên 35 đôla một thùng và các chuyên gia đã có những dự đoán rất khác nhau về tương lai của OPEC.

Điều gì chi phối thành công hay thất bại của những thỏa thuận hành động chung (cartel) như vậy? Tổng quát hơn, điều gì chi phối cán cân giữa hợp tác và cạnh tranh, không chỉ trong kinh doanh mà cả trong chính trị và cơ cấu xã hội nữa? Câu hỏi này có thể trả lời ít nhất phần nào bằng cách áp dụng cái chúng ta gọi là nghịch cảnh mà chúng ta đã thấy tại Tổng hành dinh của KGB trong Chương 1.

 Lợi ích luôn được phân chia cho bên biết tận dụng ưu thế. Ảnh: Benefitspro.

Lợi ích luôn được phân chia cho bên biết tận dụng ưu thế. Ảnh: Benefitspro.

Câu chuyện của OPEC chính là một trò chơi giống như vậy. Tất nhiên chúng tôi sẽ cách điệu hóa nó một chút, nhấn mạnh vào nghịch cảnh và bỏ qua một số chi tiết lịch sử. Để bắt đầu, hãy xem các quyết định sản xuất của hai thành viên OPEC là Iran và Iraq. Để đơn giản hóa, chúng ta chỉ có hai mức sản lượng cho mỗi quốc gia là 2 hoặc 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Phụ thuộc vào các quyết định về sản lượng của hai nước này mà tổng sản phẩm dầu thô mỗi ngày trên thị trường thế giới có thể là 4, 6 hoặc 8 triệu thùng.

Giả sử mức giá tương ứng với mỗi mức tổng sản lượng sẽ là 25 đôla, 15 đôla và 10 đôla mỗi thùng. Chi phí khai thác là 2 đôla một thùng ở Iran và 4 đôla một thùng ở Iraq. Bây giờ chúng ta có thể chỉ ra mức lợi nhuận (tính bằng đôla mỗi ngày) của hai đối thủ cạnh tranh theo bảng sau. Trong mỗi ô trên bảng, góc trên bên phải là lợi nhuận của Iraq mỗi ngày còn góc dưới bên trái là lợi nhuận tương ứng của Iran.

Mỗi nước đều có một chiến lược lấn át, đó là sản xuất ở mức nhiều hơn trong số hai mức sản lượng có thể. Chẳng hạn Iran thấy rằng dòng lợi nhuận của họ tương ứng với mức sản lượng 4 triệu thùng (52 triệu đôla và 32 triệu đôla) luôn luôn cao hơn lợi nhuận tương ứng với mức sản lượng 2 triệu thùng (46 triệu đôla và 26 triệu đôla). Khi cả hai nước đều chọn chiến lược lấn át của mình, lợi nhuận tương ứng của họ sẽ là 32 và 24 triệu đôla. Không phải là ít, nhưng hợp tác có thể mang lại cho mỗi bên còn nhiều hơn thế, tương ứng là 46 và 42 triệu đôla.

Tình huống khó xử này được gọi là nghịch cảnh người tù. Điểm đáng chú ý là cả hai cùng áp dụng chiến lược lấn át, cố gắng tối đa hóa tỷ phần của mình nhưng kết cục chung thì lại kém hơn so với khi cả hai cùng theo đuổi chiến lược tối thiểu hóa tỷ phần. Vậy thì tại sao họ lại không áp dụng chiến lược tối thiểu hóa tỷ phần? Hãy quay lại để xem vấn đề đối với hai quốc gia này. Ngay cả khi nếu Iran dự định theo đuổi chiến lược tối thiểu hóa tỷ phần và chỉ sản xuất 2 triệu thùng thì Iraq vẫn có động cơ để sản xuất 4 triệu thùng.

Khi đó kết cục sẽ là lý tưởng nhất đối với Iraq và là xấu nhất đối với Iran. Nếu Iran không hợp tác và sản xuất 4 triệu thùng, sẽ là ngu ngốc nếu Iraq hy sinh lợi nhuận của chính mình bằng cách vẫn chỉ sản xuất 2 triệu thùng một ngày. Vấn đề của cartel ở đây là phải tìm cách duy trì chiến lược sản lượng thấp, giá cao để thu được tổng lợi nhuận chung cao nhất, trong khi biết trước sự cám dỗ đối với mỗi bên khi gian lận để thu lợi nhuận trên thiệt hại của bên kia.

Tình huống giữa Iran và Iraq tương tự với những gì đã xảy ra giữa những người tù của KGB. Mỗi người trong bọn họ đều nhận thấy chiến lược lấn át của mình là khai nhận: nếu một người ngoan cố, những người còn lại sẽ được lợi khi đồng ý khai nhận; nếu một người đã khai nhận, chẳng ai còn lại ngu ngốc để tiếp tục ngoan cố.

Do vậy, bất kỳ người này làm gì thì người kia cũng vẫn muốn khai nhận. Điều đó đúng với cả hai bên. Và khi cả hai bên cùng khai nhận, mỗi người trong số họ sẽ đều lãnh một mức án nặng hơn. Một lần nữa, sự theo đuổi lợi ích cá nhân một cách ích kỷ dẫn đến một kết cục xấu hơn. Khi không bên nào chịu khai nhận, kết cục sẽ là tốt hơn đối với cả hai. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để đạt tới sự hợp tác như vậy trong sự cạnh tranh vốn luôn để giành được lợi ích riêng cho bản thân mình.

Avinash K. Dixit & Barry J. Nalebuff/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-thuyet-nghich-canh-nguoi-tu-trong-kinh-doanh-post1552385.html
Zalo