Sau sáp nhập, mỗi xã được bố trí bao nhiêu biên chế?

Các địa phương cần chú trọng duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thời gian chuyển tiếp.

Sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế/xã, phường, đặc khu (bao gồm biên chế khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã).

Sau sáp nhập, mỗi xã dự kiến được bố trí 60 biên chế (Ảnh minh họa)

Sau sáp nhập, mỗi xã dự kiến được bố trí 60 biên chế (Ảnh minh họa)

Đây là thông tin được Bộ Nội vụ báo cáo tại phiên họp của Chính phủ về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp mới đây.

Theo Bộ Nội vụ, về biên chế cấp xã (xã, phường, đặc khu), trước mắt, cơ bản giữ nguyên biên chế hiện có của cấp huyện, cấp xã hiện nay để bố trí cho cấp xã mới (trừ cán bộ, công chức cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định xin nghỉ thôi việc).

Về biên chế cấp tỉnh, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Khi chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp đi vào hoạt động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngay sau khi kết thúc Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Trong giai đoạn tổ chức thực hiện, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phù hợp với đặc điểm cụ thể của địa phương mình.

Đồng thời với việc triển khai chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính để hình thành các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới, các địa phương cần tập trung cao cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự.

Cùng với đó, chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định việc chỉ định, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở địa phương sau sắp xếp.

Các địa phương cũng cần thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động từ việc sắp xếp; thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động sau sắp xếp, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, cần chú trọng duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thời gian chuyển tiếp, bảo đảm mọi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sau-sap-nhap-moi-xa-duoc-bo-tri-bao-nhieu-bien-che-196250510192822252.htm
Zalo