ĐBQH băn khoăn việc không xử lý hình sự DN nợ bảo hiểm hàng nghìn tỷ đồng
Đại biểu đoàn TP.HCM nêu băn khoăn khi những doanh nghiệp nợ bảo hiểm hàng chục năm, với số tiền cực lớn nhưng không bị xử lý hình sự, nếu tuyên bố phá sản thì người lao động sẽ mất trắng.
Chiều 10/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Phát biểu tại tổ 2 (Tổ TP.HCM), đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ban hành nói về kinh tế tư nhân và Luật Doanh nghiệp cũng chủ yếu liên quan tới doanh nghiệp tư nhân.
Theo đại biểu, trong dự án luật có nêu nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với người lao động. Trong khi thực tế vừa qua, đã có tình trạng vi phạm nghĩa vụ với người lao động, cụ thể là vi phạm về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và những bảo hiểm khác cho người lao động xảy ra rất là nặng nề. Trong đó, có những doanh nghiệp nợ BHXH đến hàng chục năm, với số tiền lên tới hàng trăm tỷ. Vi phạm này tạo ra một sự bức xúc rất lớn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
“Chúng ta biết rằng, chủ doanh nghiệp có tài sản, có tư liệu sản xuất, còn người lao động chỉ có có đồng lương và quyền lợi bảo hiểm theo luật định. Đây là những khoản tiền doanh nghiệp phải đóng cho người lao động. Nhưng doanh nghiệp nợ bảo hiểm, không đóng bảo hiểm đã xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của người lao động”, ông Nghĩa nói.
Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, Điều 8 trong dự án luật quy định “thực hiện chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác” cần chặt chẽ hơn, theo đó phải bổ sung việc tuân thủ đầy đủ các quy định về chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp…
“Doanh nghiệp có thể nói có thực hiện quyền lợi bảo hiểm của người lao động, nhưng thực tế, họ thực hiện chưa đầy đủ các quy định này. Cũng cần phải kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu đoàn TP.HCM cũng nêu rõ, việc nợ BHXH là hoàn toàn có thể khởi tố hình sự. Những doanh nghiệp nợ bảo hiểm hàng chục năm, với số tiền cực lớn nếu tuyên bố phá sản thì người lao động sẽ mất trắng.
“Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn hầu như không có khởi tố hình sự. Và việc không kiểm soát để nợ bảo hiểm tích lũy lên hàng chục năm và hàng trăm tỷ, thì đây cũng là khuyết điểm của chúng ta”, ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nghĩa cũng tiếp tục cho ý kiến về Điều 11 trong dự án luật liên quan đến chế độ lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp. Theo đó nhấn mạnh, trong giai đoạn áp dụng chuyển đổi số, cho phép doanh nghiệp thực hiện đăng ký điện tử. Song thực tế, quá trình này vẫn dựa vào giấy tờ. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chế độ lưu giữ tài số, lưu trữ dữ liệu điện tử, nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại lại yêu cầu giấy tờ.
Đại biểu nêu thực tế, lưu trữ giấy tờ 5-10 năm có thể gặp rủi ro vì mối mọt, mưa lũ, ngập lụt, hỏa hoạn, trong khi, công cụ số, công cụ điện tử có thể đảm bảo lưu trữ toàn hơn và lưu trữ bằng nhiều cách khác nhau.
“Tôi nghĩ Luật doanh nghiệp lần này trước Nghị quyết về chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước, chúng ta phải có một số quy định rõ ràng để doanh nghiệp được quyền sử dụng các hình thức số hóa và hình thức điện tử trong việc thực hiện các giao dịch và lưu giữ tài liệu”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM). (Ảnh: Media Quốc hội)
Cũng nêu ý kiến cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, dự án luật cho phép sử dụng mã số định danh cá nhân để đăng ký thành lập doanh nghiệp là một hướng tiên tiến, phù hợp với thời đại chuyển đổi số.
Theo đại biểu, từ thể chế hóa Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều điều rất phù hợp.
“Việc sửa đổi lần này cũng để đáp ứng yêu cầu lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về vấn đề minh bạch đối với chủ doanh nghiệp có tham gia quản lý, tham gia sở hữu nhiều công ty có liên quan”, ông Ngân nói.