Lưu ý khi ứng dụng công nghệ giúp học sinh tự học

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đưa ra những lưu ý khi ứng dụng AI, công nghệ giúp học sinh tự học.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội).

Tùy độ tuổi, điều kiện kinh tế - xã hội

Khẳng định tăng cường năng lực tự học của học sinh là yếu tố cốt lõi để giảm thiểu dạy-học thêm tràn lan, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đồng thời lưu ý tính khả thi của việc ứng dụng AI và công nghệ vào tự học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là đặc điểm của từng nhóm học sinh.

Ý tưởng ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo giúp học sinh tự học rất tiềm năng và phản ánh xu hướng phát triển chung. Tuy nhiên, cần tiếp tục phải nghiên cứu sâu hơn để xác định xem AI và công nghệ phù hợp với học sinh nào, trong bối cảnh hoàn cảnh nào?

Ví dụ, phải quan tâm đến độ tuổi và cấp học. Học sinh tiểu học còn chưa phát triển đầy đủ năng lực tự quản lý học tập, dễ bị sao nhãng, nên cần có sự hướng dẫn chặt chẽ từ giáo viên và phụ huynh. AI có thể hỗ trợ chứ không thể phó mặc và thay thế hoàn toàn sự hướng dẫn của người giáo viên. Hơn nữa, người giáo viên xuất hiện còn đảm bảo cho sự an toàn cho người học vì AI nói cho cùng vẫn là công thức, nó không có đạo đức.

Chúng ta cũng phải quan tâm đến nền tảng kỹ năng tự học đã hình thành ở mức độ nào. Học sinh đã có khả năng tổ chức và quản lý thời gian tốt chưa. Nếu học sinh không có năng lực tự chủ, học không có mục đích thì càng có nhiều AI và Công nghệ, học sinh sẽ càng sử dụng nó cho mục tiêu phi giáo dục và đối diện với nhiều nguy cơ hơn.

Thứ ba nếu đưa ra đề xuất này thì cần quan tâm đến điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền địa phương khác nhau. Không phải tất cả học sinh đều có điều kiện tiếp cận thiết bị công nghệ hoặc môi trường học tập đủ thuận lợi để ứng dụng AI vào việc tự học. Làm thế nào một chính sách đưa ra phải đảm bảo sự công bằng và không ai bị bỏ lại phía sau.

“Vì những lý do trên, tôi cho rằng tận dụng sức mạnh của AI và công nghệ để nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu phù hợp hơn với đối tượng Học sinh THPT trở lên (trong bối cảnh hiện nay). Họ phải là những người học có mục tiêu rõ ràng, có động lực học tập mạnh mẽ, có kỹ năng số và AI cơ bản để tối ưu hóa thời gian học, khai thác tài liệu phù hợp, sử dụng AI để theo dõi tiến độ và tạo động lực học tập”, PGS.TS.Trần Thành Nam chia sẻ.

Để tăng tính khả thi

PGS.TS.Trần Thành Nam cho rằng, để chuẩn bị và tăng tính khả thi của việc ứng dụng AI và công nghệ trong phát triển năng lực tự học, trước tiên chúng ta cần phải xây dựng lộ trình rèn luyện năng lực tự học. Không thể chỉ đơn giản cắt bỏ dạy thêm và kỳ vọng học sinh tự học tốt ngay lập tức. Cần có một chiến lược dài hơi để rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh từ sớm (ví dụ: đưa vào chương trình giáo dục các kỹ năng học tập hiệu quả, quản lý thời gian, tư duy phản biện…).

Tiếp đó, ứng dụng công nghệ một cách có định hướng: AI không thể chỉ là một công cụ thay thế giáo viên, mà cần được tích hợp vào hệ sinh thái giáo dục để bổ trợ cho quá trình học tập, giúp học sinh dần hình thành tư duy tự học mà không cảm thấy bị bỏ rơi.

Xây dựng hệ thống giám sát và tạo động lực: Giống như người tập gym cần PT để duy trì động lực, học sinh cũng cần có hệ thống phản hồi, hỗ trợ từ giáo viên, phụ huynh hoặc cố vấn học tập để đảm bảo việc tự học không trở thành một quá trình đơn độc và dễ bỏ cuộc.

“Bên cạnh những đề xuất về tận dụng công nghệ để nâng cao tự học nhằm giảm thiểu việc dạy thêm. Có lẽ chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến việc giúp người học đạt được tối đa lợi ích trong giờ học chính khóa.

Trước đây, chúng ta đã bàn nhiều đến khía cạnh chất lượng dạy học của giáo viên trong giờ học chính mà quên mất về trạng thái tinh thần, khả năng tiếp nhận của học sinh. Những đứa trẻ đến lớp trong trạng thái lơ mơ vì thiếu ngủ, mệt mỏi do phải học thêm đến khuya sẽ không bao giờ có thể tiếp thu một cách hiệu quả trong giờ học chính. Điều đó dẫn đến một vòng lặp “chính khóa lơ mơ - học thêm bơ phờ” để đối phó với các kỳ thi cũng như kỳ vọng của cha mẹ, giáo viên”, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý thêm.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luu-y-khi-ung-dung-cong-nghe-giup-hoc-sinh-tu-hoc-post720216.html
Zalo