Triển khai quy định về dạy - học thêm: Thầy cô tất bật làm thủ tục đăng ký
Sau ngày 14/2, số lượng người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính các quận, huyện ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi tăng đột biến.

Người dân chờ hoàn tất các thủ tục cấp phép kinh doanh hộ gia đình tại quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Ảnh: PV
Quá tải bộ phận một cửa
Dù mỗi nhóm chỉ dưới 10 học sinh, nhưng từ ngày 14/2, thầy N.V.B - giáo viên dạy môn Toán một trường THCS tại quận Hải Châu tạm dừng các lớp dạy thêm để hoàn thành những thủ tục có liên quan đến điều kiện tổ chức.
Do không thể đứng tên đăng ký kinh doanh, nên thầy B. nhờ người nhà đứng tên để xin giấy phép theo hình thức kinh doanh hộ gia đình. Theo đó, vợ của thầy B. được hướng dẫn làm thủ tục tại bộ phận một cửa của Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng).
Theo thầy B. chia sẻ: “Nếu đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ gia đình thì giữ được chi phí học tập hiện nay. Nếu chuyển ra trung tâm, mức học phí có khả năng tăng lên vì phải có thêm chi phí quản lý, điện, nước… từ phía các trung tâm đưa ra”.
Hiện gia đình thầy B. trong thời gian chờ đợi hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh hộ gia đình sau khi đã nộp các phiếu tờ khai. Bà Nguyễn Hoàng Oanh - Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND quận Hải Châu cho biết, từ ngày 17/2, chỉ tính riêng hồ sơ đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực dạy thêm có khoảng 100 bộ mỗi ngày. Trong khi đó, thời điểm cao điểm trước đây, đơn vị này chỉ tiếp nhận khoảng 50 bộ hồ sơ xin cấp phép.
Từ sau ngày 14/2, mỗi ngày, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Phòng Tài chính - Kế hoạch của quận Cẩm Lệ chỉ nhận khoảng 50 hồ sơ để kịp xử lý. Để tránh phải chờ đợi lâu, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đã phát giấy tờ liên quan để người dân chủ động điền sẵn thông tin rồi hẹn thời gian quay lại.
Anh V.V.A. đã 2 lần đến bộ phận một cửa làm thủ tục đăng ký giấy nhưng nhận được thông báo hệ thống xử lý bị trục trặc do quá tải. Từ ngày 18/2, hệ thống bị treo nên không xử lý được các thông tin có liên quan. Anh A. được dặn trước khi đến cần gọi điện để cập nhật xem hệ thống đã xử lý được chưa, tránh phải đi lại nhiều lần.
Quận Liên Chiểu cũng có khoảng 120 hồ sơ đã và đang chờ hoàn thiện thủ tục đăng ký dạy thêm theo hình thức kinh doanh hộ gia đình.
Gần như các lớp dạy thêm ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đều tạm dừng. Từ ngày 14/2, theo phản ánh của thầy cô giáo, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bình Sơn chỉ nhận giải quyết khoảng 10 hồ sơ do quá tải và nghẽn mạng. Với những hồ sơ đã được cấp giấy phép đăng ký theo hình thức kinh doanh hộ gia đình thì vẫn chờ hướng dẫn về yêu cầu phòng cháy chữa cháy.
Cô giáo L.T.B. chia sẻ, những việc làm này, gần như chưa có tiền lệ đối với một huyện nông thôn nên thầy cô giáo cũng gặp nhiều lúng túng. Nhiều giáo viên bậc THCS trước đây chủ yếu kèm cặp thêm học sinh của mình đang dạy chính khóa ở trường nên khi thực hiện Thông tư 29, các lớp học này dừng hẳn và không có ý định thực hiện các thủ tục cấp phép để mở lớp trở lại.
Hiện số ít giáo viên của huyện này mở lớp dạy thêm trở lại. Theo tìm hiểu, đây là những trường hợp trước đó gia đình, người thân đã thành lập công ty rồi bổ sung thêm lĩnh vực hoạt động tại Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ngãi nên các thủ tục hoàn tất nhanh chóng hơn.

Ảnh minh họa INT.
Điều kiện cần và đủ
Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, qua nắm tình hình, hồ sơ đăng ký cấp giấy phép kinh doanh hộ gia đình để thành lập trung tâm dạy thêm đều thuận lợi nếu có đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu.
Người dân chỉ cần căn cước công dân và khai thông tin theo mẫu do bộ phận một cửa cấp. Trong vòng 3 ngày sẽ được xử lý và trả kết quả. Tuy nhiên, trong cấp phép, phòng Tài chính – Kế hoạch đều có ghi chú cơ sở kinh doanh cần đáp ứng yêu cầu của cơ quan chuyên môn có liên quan.
Thế nên, theo ông Lịch, giấy phép kinh doanh mới chỉ là thủ tục ban đầu để các trung tâm có cơ sở pháp lý hoạt động. Phòng Tài chính - Kế hoạch sẽ gửi thông tin về xã, phường và phòng GD&DT quận để thuận tiện quản lý. Phòng GD&ĐT đang chờ hướng dẫn chính thức của Sở GD&ĐT Đà Nẵng để có căn cứ kiểm tra các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của một trung tâm tổ chức dạy - học.
“Các trung tâm phải đáp ứng những điều kiện tối thiểu như diện tích phòng học, ánh sáng, phương án phòng cháy chữa cháy… Ngoài ra, theo yêu cầu của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) về quản lý dạy thêm học thêm thì các cơ sở dạy thêm phải niêm yết danh sách giáo viên, môn học, thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo khối lớp, mức học phí… Trường hợp nào nếu cơ sở vật chất quá nhếch nhác, không đảm bảo mỹ quan sư phạm sẽ buộc phải dừng”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu thông tin.
Chính vì vậy, để lớp học thêm không bị gián đoạn, nhiều giáo viên đã chọn chuyển địa điểm dạy từ nhà riêng ra các trung tâm. Cô V.T.H. - giáo viên Ngữ văn một trường THCS ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết: “Thời điểm này, học sinh chuẩn bị cho đợt kiểm tra định kỳ học kỳ II. Nếu dừng các lớp học thêm để đợi hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan thì thiệt thòi cho học sinh. Vì vậy, với học sinh thuộc sĩ số của lớp chính khóa đang dạy tại trường, tôi gửi các em sang học ở giáo viên khác sau khi đã trao đổi với phụ huynh và học sinh”.
Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, cùng với thủ tục cấp phép cần có những khuyến nghị đi kèm của các cơ quan chuyên môn liên quan để hoạt động dạy thêm đáp ứng các điều kiện theo Thông tư 29.
Chẳng hạn như người tham gia dạy thêm phải có trình độ chuyên môn phù hợp với môn/lớp đứng dạy và có nghiệp vụ sư phạm; các điều kiện về cơ sở vật chất, công tác phòng cháy chữa cháy… Hộ kinh doanh và cá nhân tham gia dạy thêm chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập hộ kinh doanh, thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật”.