Ngừng dạy thêm, nhà trường tích cực triển khai các giải pháp ôn thi cho học sinh cuối cấp
Tận dụng tối đa thời gian dạy học chính khóa để truyền thụ kiến thức cho học sinh; tăng cường hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu tài liệu; giao bài tập về nhà; phối hợp với phụ huynh trong kiểm tra, giám sát việc học của học sinh tại nhà; giáo viên chủ nhiệm gọi video call bất ngờ để kiểm tra việc học của một số học sinh tại nhà;... là những giải pháp đang được nhiều trường học tại Thanh Hóa triển khai thực hiện để việc dạy học, ôn thi của học sinh đạt hiệu quả khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 29) có hiệu lực.

Đơn đăng ký học thêm của học sinh Trường THPT Nông Cống 1.
Không buông lỏng học sinh khi dừng DTHT
Chia sẻ không gặp khó khăn khi Thông tư 29 quy định cấm DTHT có hiệu lực, bởi đối với bậc tiểu học, vấn đề về cấm DTHT đã được quán triệt từ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, cô giáo Đặng Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Sơn (Nông Cống) cho biết: “Nhà trường đã phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh nhà trường về tinh thần Thông tư 29, đồng thời yêu cầu giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định không DTHT đối với học sinh tiểu học.Quy định mới tại Thông tư 29 đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, giáo viên nhà trường và coi đây là cơ hội để giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Sơn trong giờ ra chơi.
Cô Đặng Thúy Hằng cho biết thêm: “Mỗi năm Trường Tiểu học Hoàng Sơn có từ 3-8 học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường “trọng điểm” của huyện là Trường THCS Trần Phú. Để các em học sinh có đủ kiến thức tham gia bài đánh giá năng lực, nhà trường đã yêu cầu giáo viên khối 5 cho các em học sinh tích cực ôn tập ngay trên lớp bằng cách giao bài tập và có định hướng về tài liệu ôn tập cho học sinh”.
Cô giáo Đặng Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Sơn (Nông Cống).
Xác định việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện, tuyệt đối không để tình trạng ngừng dạy thêm trong nhà trường mà buông lỏng việc hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi, Trường THCS Thiệu Phú (Thiệu Hóa) đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm giữ ổn định chất lượng giáo dục nằm trong top đầu của huyện.

Cô trò Trường THCS Thiệu Phú.
Cô giáo Lê Thị Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Phú chia sẻ: “Thông tư mới về DTHT buộc các nhà trường phải xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, toàn diện, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để học sinh được tiếp cận với nhiều phương pháp học, được lựa chọn thầy cô mà mình thấy phù hợp. Thông tư mới cũng buộc các thầy cô phải nỗ lực, đổi mới phương pháp, nâng cao kỹ năng giảng dạy, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến.
Đối với học sinh lớp 9, năm nay là năm đầu tiên các em sẽ thi theo chương trình mới, trong đó môn Ngữ văn hoàn toàn không sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa trong đề thi, do đó, việc tổ chức ôn tập cho các em là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Nhà trường đã yêu cầu giáo viên bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý, khoa học để có thể truyền đạt trọn vẹn kiến thức trong 45 phút/tiết học cho học sinh, đồng thời tăng cường kiểm tra đánh giá, cụ thể hóa những kiến thức trọng tâm, đặt ra các yêu cầu cần đạt để học sinh có lộ trình học tập rõ ràng, giúp các em tự chủ hơn trong việc học”.
Cô giáo Lê Thị Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Phú (Thiệu Hóa).
Chia sẻ về ngồn kinh phí hỗ trợ giáo viên dạy ôn thi vào buổi chiều cho học sinh khối 9, cô Lê Thị Yên cho biết thêm: “Nhà trường sẽ cân đối nguồn kinh phí chi thường xuyên để hỗ trợ giáo viên trong mức độ điều kiện cho phép để động viên, hỗ trợ giáo viên”.
Tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng
Nhận định tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng để việc thực hiện Thông tư 29 nghiêm túc, đảm bảo chất lượng dạy học, Trường THPT Nông Cống 1 (Nông Cống) đang chỉ đạo nâng cao chất lượng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học để việc học tập của học sinh không phụ thuộc vào việc DTHT mà vẫn đảm bảo chất lượng, công tác ôn tập cho học sinh khối 12 đạt hiệu quả tốt.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 1 Trần Thị Khánh Toàn chia sẻ: “Toàn trường hiện có hơn 500 học sinh khối 12. Nhà trường đang tổ chức cho các em ôn thi đúng như tinh thần chỉ đạo của Thông tư 29, đó là ôn 2 tiết/môn/tuần trên tinh thần tự nguyện. Đồng thời động viên giáo viên, tổ chuyên môn tận dụng giờ dạy chính khóa để cô đọng kiến thức, dành thời gian để học sinh khối 12 ôn thi. Đối với học sinh khối 10 và 11, yêu cầu giáo viên hướng dẫn cho học sinh tự học, tự khai thác nguồn học liệu sẵn có trên mạng Internet trên cơ sở định hướng có chọn lọc của giáo viên.
Đối với kinh phí hỗ trợ giáo viên ôn thi cho học sinh khối 12, nhà trường dự tính trên cơ sở số tiết dạy chính khóa trên lớp cộng với số tiết ôn thi vào buổi chiều nếu giáo viên dạy thừa 17 tiết/môn/tuần nhà trường sẽ chi trả theo mức thừa giờ với số tiền 50 nghìn đồng/tiết, nguồn kinh phí được trích từ ngân sách phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của nhà trường”.
Cô giáo Trần Thị Khánh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 1 (Nông Cống).
Tương tự, Trường THPT Cẩm Thủy 2 (huyện Cẩm Thủy) hiện đang tổ chức dạy thêm vào buổi chiều cho 3 đối tượng học sinh theo quy định trên cơ sở đơn đăng ký học thêm của học sinh.
Thầy giáo Trần Đức Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT Cẩm Thủy 2 chia sẻ: “Nhà trường yêu cầu giáo viên phải kết hợp giữa việc giảng dạy trên lớp với giao nhiệm vụ học tập tại nhà, tận dụng tối đa thời gian để kiểm tra việc tự học của học sinh ở nhà. Đồng thời, tạo lập các nhóm zalo để thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh nhằm cùng phối hợp kiểm tra, nhắc nhở. Đối với việc ôn thi cho học sinh khối 12 vào buổi chiều, nhà trường hiện đang duy trì ôn tập 2 tiết/môn/tuần bố trí thành 4 buổi ôn. Đồng thời cân đối lại hoạt động để hỗ trợ giáo viên ôn thi cho học sinh khối 12 với mức 50 nghìn đồng/tiết”.
Được kỳ vọng sẽ là bước tiến quan trọng để hướng tới một nền giáo dục công bằng, thực chất và hiệu quả hơn, việc triển khai thực hiện Thông tư 29 đang được ngành giáo dục Thanh Hóa quán triệt thực hiện trên tinh thần nghiêm túc, đổi mới, sáng tạo, chấn chỉnh và minh bạch hóa hoạt động DTHT.