Luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo không phải là 'ưu ái' cho ngân hàng

Tán thành việc luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng, song đại biểu quốc hội cũng lo ngại quy định này sẽ khiến ngân hàng chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo khi cho vay.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều nay (20/5), đại biểu Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh) đánh giá cao nhóm quy định luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14.

Về luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo, đại biểu cho rằng đây không phải là sự “ưu ái” cho ngành ngân hàng mà là để đảm bảo nguyên tắc “có vay có trả” và cũng là để bảo vệ tiền gửi của người dân.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh)

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Quảng Ninh)

“Bảo vệ quyền lợi chính đáng của TCTD cũng có nghĩa là bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, cũng như lợi ích của nhà nước. Hơn nữa, người đi vay, người bảo lãnh phải nhận thức đầy đủ khi dùng tài sản của mình để thế chấp, bởi vì nguyên tắc cao nhất là có vay phải có trả. Khi chúng ta có quan điểm rõ ràng về chuyện này, không có nguồn nào để trả nợ thì phải chấp nhận cho TCTD thu hồi TSBĐ. Trong trường hợp được pháp luật bảo vệ như vậy, người có TSBĐ nhận thức được thì họ không chây ì trong chuyện trả nợ, như vậy cũng tránh được các thủ tục tố tụng, cũng như không mất thời gian cho việc thi hành án. Khi TCTD thu hồi được nợ xấu thì không phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, như vậy sẽ có thêm điều kiện để giảm lãi suất cho vay”, địa biểu Phạm Đức Ấn nhận xét.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng tán thành quy định này bởi thực tiễn cho thấy từ khi ban hành Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu mang lại nhiều kết quả tích cực và cũng không để lại hậu quả đáng tiếc nào, vì vậy, luật hóa Nghị quyết 42 là hợp lý. Dù vậy, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một số quy định để ngăn chặn rủi ro.

“Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng. Quy định này có thể dẫn tới tình trạng tổ chức tín dụng sẽ chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo mà không quan tâm đến các điều kiện khác (hiện nay, tài sản đảm bảo chỉ là một trong những yếu tố xem xét giải ngân). Đề nghị bổ sung quy định: tổ chức tín dụng chỉ được thu giữ tài sản đảm bảo trong trường hợp khoản vay đó không được vi phạm các quy định về cấp tín dụng”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.

Ngoài ra, theo đại biểu, dự thảo mới quy định tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp tài sản không thuộc diện kê biên nhưng nếu ngân hàng thu hồi thì bên vay lại tạo ra tranh chấp giả, vì vậy, cần bổ sung quy định với những trường hợp này.

Liên quan đến việc chuyển thẩm quyền “quyết” khoản vay đặc biệt lãi suất 0%, khoản vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo từ Thủ tướng sang NHNN, các đại biểu cho rằng quy định này là hợp lý.

Hiện thẩm quyền quyết định vấn đề trên thuộc Thủ tướng Chính phủ, thực tiễn cho thấy quy định này phát sinh thêm thủ tục, kéo dài thời gian. Trong khi đó, quyết định can thiệp cần đưa ra nhanh chóng, kịp thời để tránh những bất ổn trên thị trường, đảm bảo an toàn hệ thống.

Lý giải thêm về cho vay lãi suất 0%, cho vay không tài sản đảm bảo với khoản vay đặc biệt, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, thông thường các ngân hàng trong trường hợp phải vay đặc biệt rất khó khăn về tài sản đảm bảo và tình hình tài chính rất xấu, thời gian hỗ trợ phải kéo dài, không có khả năng trả lãi. Vì vậy, cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo có thể giúp TCTD đó sớm ổn định để quay lại hoạt động bình thường.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, bên cạnh phân quyền cho NHNN cũng cần bổ sung quy định để tăng trách nhiệm cho NHNN. “Cần phân định rõ trách nhiệm của NHNN trong cho vay đặc biệt lãi suất 0% để kiểm soát dòng tiền, không rơi vào rủi ro mất vốn nhà nước”, đại biểu đề nghị.

Theo NHNN, biện pháp cho vay đặc biệt không chỉ hỗ trợ riêng TCTD vay đặc biệt mà nhằm bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, lợi ích của biện pháp cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm cần được xét trên tổng thể, dài hạn về mặt kinh tế, xã hội, an ninh, an toàn.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luat-hoa-quyen-thu-giu-tai-san-dam-bao-khong-phai-la-uu-ai-cho-ngan-hang-d287387.html
Zalo