Gặp khó tại thị trường Trung Quốc, Hiệp hội sầu riêng gửi 'tâm thư' tới Bộ trưởng

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, vừa có 'tâm thư' gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, kiến nghị rà soát, kiểm tra, đánh giá việc đàm phán, tái ký kết Nghị định thư.

Theo đó, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk khẳng định Trung Quốc là thị trường chính của trái cây tươi Việt Nam, trong đó có sầu riêng.

Từ khi Việt Nam ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật để xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân đều hy vọng hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi, đem về lợi nhuận tốt.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam và Thái Lan đều nhiễm Cadimi. Sau đó, Trung Quốc lại phát hiện chất vàng O (chất có thể gây ung thư) trên sầu riêng của Thái Lan vào cuối năm ngoái. Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm Cadimi và vàng O mới được thông quan. Nếu phát hiện tồn dư những chất cấm này, các mã số cơ sở đóng gói và mã vùng trồng sẽ bị đình chỉ.

Thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn, nếu không giải quyết được chuyện kiểm tra, kiểm soát chất cấm thì hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn, nếu không giải quyết được chuyện kiểm tra, kiểm soát chất cấm thì hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tính đến nay, Trung Quốc đã thu hồi khoảng 55 mã số vùng trồng sầu riêng và 61 mã cơ sở đóng gói của Việt Nam. Đáng chú ý, từ tháng 9/2023 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) liên tục giới thiệu các vùng trồng và cơ sở đóng gói mới nhưng không được phía Trung Quốc chấp thuận.

Tổng diện tích sầu riêng ở nước ta đã tăng lên 150.000ha. Tuy nhiên, diện tích được cấp mã số chỉ khoảng 20%, chưa tương xứng với năng lực xuất khẩu thực tế của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk cũng chỉ rõ, với các trung tâm thí nghiệm kiểm tra chất vàng O và Cadimi được phía Trung Quốc công nhận để thực hiện công tác kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu, nhưng do hàng liên tục bị thu hồi dẫn đến việc kiểm nghiệm gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp 'vật vã' trong việc tìm kiếm và kết nối các phòng thí nghiệm khi có lô hàng xuất khẩu.

Theo lãnh đạo hiệp hội này, thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn. Riêng tại Đắk Lắk, sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng 500.000 tấn. Nếu không giải quyết được chuyện kiểm tra, kiểm soát chất cấm thì hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Nông Nghiệp và Môi trường rà soát, kiểm tra quá trình triển khai cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thời gian qua.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các quy định của pháp luật liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo quy định để việc cấp, quản lý mã số được thuận lợi, minh bạch, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất khẩu, xử lý những vi phạm liên quan. Từ đó, bảo vệ ngành hàng tiềm năng, có giá trị xuất khẩu cao, cũng như bảo vệ uy tín của nông sản Việt Nam.

Đối với vùng trồng vi phạm, có nguy cơ cao, đã có kết luận điều tra nguyên nhân của cơ quan chức năng, cần khoanh vùng báo động đỏ. Sau đó, có giải pháp về quy trình canh tác.

Tăng cường tuyên truyền đối với người dân để nâng cao nhận thức trong canh tác, bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ Nông Nghiệp và Môi trường cần nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu cũng như các tiêu chuẩn ở thị trường nội địa. Cùng với đó, đưa khoa học công nghệ vào tính toán độ tuổi đạt yêu cầu, kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của từng khu vực, từng nhà vườn trước khi đem xuất khẩu và đưa ra thị trường nội địa tiêu thụ.

Với những lô hàng sầu riêng xuất khẩu vi phạm quy định chất cấm, cơ quan chức năng nên có giải pháp xử lý. Nếu vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì phải tiêu hủy, thay vì để hàng “quay đầu" về tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đây cũng là một biện pháp răn đe cần thiết, góp phần nâng cao tính tuân thủ của các cơ sở sản xuất.

Năm 2024, sản lượng sầu riêng cả nước đạt trên 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm trên 90% sản lượng. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 35.000 tấn, kim ngạch đạt khoảng 120 - 130 triệu USD, chỉ bằng 20% kế hoạch đề ra. Hệ quả không chỉ khiến chỉ tiêu chung của toàn ngành bị ảnh hưởng mà còn kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/ga-p-kho-ta-i-thi-truo-ng-trung-quo-c-hiep-hoi-sau-rieng-gui-tam-thu-toi-bo-truong-1106936.html
Zalo