Kiến nghị giữ lại trụ sở làm việc cũ trong 3 năm đầu khi sáp nhập Hậu Giang và Cần Thơ

Để tránh xáo trộn lớn về công tác và sinh hoạt, nhiều cán bộ tỉnh Hậu Giang đề xuất trong 3 năm đầu sau sáp nhập với Cần Thơ, các cơ quan cũ của Hậu Giang được duy trì làm nơi làm việc tạm thời.

Quang cảnh hội nghị Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ phối hợp sắp xếp, sáp nhập. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Quang cảnh hội nghị Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ phối hợp sắp xếp, sáp nhập. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Ngày 20/5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị tiếp xúc đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động liên quan đến sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và tổng hợp 13 nhóm ý kiến chính từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Gần 4.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Hậu Giang đã có những kiến nghị cụ thể gửi đến Ủy ban Nhân dân tỉnh về các vấn đề liên quan đến vị trí việc làm, nơi ở, điều kiện học tập cho con em, chế độ, chính sách khi đơn vị hành chính cấp tỉnh khi được sáp nhập với thành phố Cần Thơ.

Để tránh xáo trộn lớn trong công tác và sinh hoạt, nhiều cán bộ đề xuất trong 3 năm đầu tiên sau khi sáp nhập tỉnh, các cơ quan cũ của Hậu Giang nên được duy trì làm nơi làm việc tạm thời.

Việc này nhằm tránh quá tải cho thành phố Cần Thơ, đồng thời tạo điều kiện để quá trình di chuyển, bố trí nhân sự diễn ra suôn sẻ hơn.

Bà Mã Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ là cơ quan được giao chủ trì xây dựng đề án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có kế hoạch quy hoạch khu hành chính mới, đáp ứng nhu cầu trụ sở làm việc, trang thiết bị và không gian cho bộ máy tổ chức sau sáp nhập.

Theo báo cáo, trong tổng số gần 3.000 cán bộ được khảo sát, có 86,7% bày tỏ mong muốn được tiếp tục công tác trong hệ thống cơ quan nhà nước sau khi Hậu Giang sáp nhập với Cần Thơ. Phần lớn họ đề xuất được bố trí công tác tại chính các cơ quan, đơn vị đang làm việc nếu vẫn còn duy trì hoạt động trong cơ cấu tổ chức mới.

Muốn được an cư lạc nghiệp

Cùng với đó, 78,2% cán bộ cho biết sẵn sàng chuyển công tác về thành phố Cần Thơ, với điều kiện được đảm bảo phù hợp về chuyên môn, vị trí công tác và hoàn cảnh gia đình.

Đặc biệt, một bộ phận cán bộ trẻ mong muốn được tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia quy hoạch nguồn nhân sự dài hạn trong hệ thống chính quyền mới.

Vấn đề nhà ở và điều kiện sinh hoạt được nhiều cán bộ đặc biệt quan tâm. Họ đề nghị tỉnh hỗ trợ tiếp cận nhà ở công vụ, nhà ở xã hội hoặc có chính sách hỗ trợ mua đất ở để “an cư lạc nghiệp” tại nơi công tác mới.

Theo báo cáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch phối hợp với thành phố Cần Thơ rà soát các dự án nhà ở xã hội, đồng thời đề xuất ưu tiên cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đáp ứng điều kiện được thuê, mua với mức giá hợp lý.

Về nhà ở công vụ, tỉnh dựa trên hướng dẫn của Trung ương tiến hành rà soát, xác định đối tượng và điều kiện thuê nhà ở công vụ, bố trí phù hợp cho cán bộ từ Hậu Giang chuyển công tác về Cần Thơ.

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng ưu đãi từ chương trình 120.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước cũng được triển khai để hỗ trợ cán bộ tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5-2% so với thị trường.

Nhiều cán bộ có con nhỏ đang theo học tại các trường ở Hậu Giang bày tỏ mong muốn được ưu tiên xét chuyển trường, đặc biệt là các trường chuyên và khu vực trung tâm thành phố Cần Thơ sau khi sáp nhập.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ triển khai hướng dẫn cụ thể về thủ tục nhập học, xét tuyển vào các trường phù hợp theo từng bậc học.

Tinh giản biên chế và nghỉ hưu sớm

Đối với những cán bộ không có nguyện vọng tiếp tục công tác hoặc không còn đủ điều kiện bố trí việc làm, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách nghỉ việc, nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo quy định mới, các khoản hỗ trợ thêm ngoài quy định Trung ương đã bị bãi bỏ, nên địa phương hiện không có cơ sở pháp lý để hỗ trợ ngoài quy định hiện hành.Một số cán bộ kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại trong 5 năm đầu sau sáp nhập.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện chưa có quy định từ Trung ương về nội dung này nhưng tỉnh sẽ tiếp thu và đề xuất nghiên cứu ban hành khi có điều kiện ngân sách phù hợp.

Một bộ phận lớn lực lượng không chuyên trách cấp xã, ấp, khu vực mong muốn được tiếp tục công tác tại cơ sở. Tỉnh sẽ tiến hành rà soát lực lượng không chuyên trách có đủ năng lực để bố trí lại tại ấp, khu vực, đặc biệt ưu tiên các vị trí về công nghệ thông tin, hành chính.

Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động kiến nghị tỉnh có chính sách riêng dành cho cán bộ từ tỉnh tăng cường về xã, phường công tác, nhằm đảm bảo ổn định nhân sự cơ sở, đồng thời tạo động lực để cán bộ yên tâm làm việc trong môi trường mới.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, Trung ương và các tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập đã có định hướng, chính sách cụ thể, linh hoạt và kịp thời hỗ trợ cán bộ sau sáp nhập, cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc do dôi dư.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có văn bản đề nghị cơ quan đơn vị rà soát, xem xét lấy ý kiến của từng cá nhân về nguyện vọng công tác tại Cần Thơ hay về xã với nhu cầu ở nhà công vụ hay đi về hằng ngày; rà soát các trường hợp đặc biệt để làm cơ sở xem xét, có phương án giải quyết, bố trí nhân sự phù hợp.

Tại cuộc họp Ban Thường vụ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ ngày 19/5 cũng đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó quan tâm sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc, chỉ đạo tổ giúp việc rà soát nhu cầu của cán bộ để tham mưu đề xuất thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kien-nghi-giu-lai-tru-so-lam-viec-cu-trong-3-nam-dau-khi-sap-nhap-hau-giang-va-can-tho-post1039635.vnp
Zalo