Gói vay 120.000 tỷ đồng: 'Cú hích' còn dang dở với nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, sau 2 năm triển khai, tỷ lệ giải ngân của gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn rất thấp, chỉ khoảng 2%.
Gần 17.000 căn nhà ở xã hội được triển khai trong quý I/2025
Ngày 20/5, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý I/2025, cung cấp tổng quan về các hoạt động giao dịch và xu hướng giá cả trên toàn quốc.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường bất động sản trong quý I/2025 có dấu hiệu phục hồi với sự gia tăng trong hoạt động xây dựng và giao dịch. Tuy nhiên, sự mất cân đối trong cơ cấu nguồn cung, đặc biệt là thiếu hụt nhà ở vừa túi tiền, cùng với giá tăng cao, vẫn là những thách thức lớn đối với thị trường.

Một dự án nhà ở xã hội ở Khánh Hòa. Ảnh: Văn Kỳ
Về nhà ở xã hội, trong quý I năm 2025, cả nước đã có 19 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp được hoàn thành hoặc cấp phép xây dựng với tổng quy mô 16.805 căn hộ.
Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành với 4.155 căn hộ; 8 dự án còn lại đã được cấp phép và khởi công, quy mô 12.650 căn.
Tính lũy kế thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", đến nay, cả nước đã triển khai 657 dự án với tổng quy mô 597.152 căn hộ.
Trong đó, có 103 dự án đã hoàn thành với 66.755 căn; 140 dự án đang trong quá trình xây dựng, quy mô 124.352 căn; 414 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 406.045 căn hộ.
Liên quan đến chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, hiện mới có 38/63 tỉnh, thành phố gửi danh mục dự án tham gia chương trình hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với tổng số 97 dự án.
Đến nay, doanh số giải ngân của chương trình đạt hơn 3.400 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ giải ngân hơn 2%); trong đó 2.944 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án và 458 tỷ đồng cho người mua nhà tại 19 dự án.
Lãi suất chưa đủ hấp dẫn, khó giải ngân
Về việc giải ngân "ì ạch" của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, nguyên nhân chính khiến chương trình chưa đạt được kỳ vọng là do mức lãi suất chưa thực sự hấp dẫn với đối tượng thụ hưởng.
"Lãi suất cho vay từ gói hỗ trợ này chỉ thấp hơn lãi suất thương mại khoảng 1,5 - 2% và lại theo cơ chế thả nổi khiến người vay khó có thể yên tâm với khả năng trả nợ trong dài hạn", ông Phong phân tích.
Vị chuyên gia dẫn chứng, có thời điểm lãi suất thị trường phổ biến ở mức 8 - 9% thì lãi suất của gói vay ưu đãi này cũng ở mức gần 8%, chênh lệch không đáng kể để tạo động lực vay vốn.
"Nhiều người thu nhập thấp hoặc công nhân không chịu nổi áp lực lãi suất như vậy nên dù có chính sách hỗ trợ nhưng thực tế vẫn không tiếp cận được", TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Bên cạnh yếu tố lãi suất, thủ tục tiếp cận vốn được đánh giá là phức tạp. Theo ông Phong, cả người dân và doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc chứng minh điều kiện vay, từ hồ sơ pháp lý, minh chứng thu nhập cho tới khả năng thanh toán.
"Đặc biệt, người lao động tự do, người làm việc không có hợp đồng dài hạn hầu như không có cơ hội tiếp cận khoản vay", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông, còn một nguyên nhân đáng chú ý khác là việc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội ở nhiều địa phương. Dù có nhu cầu vay vốn, người dân cũng không có sản phẩm phù hợp để đăng ký mua, khiến gói tín dụng không phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
Trong báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề, chất vấn vừa gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng nêu rõ tình hình triển khai "kém khả quan" của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ điều kiện để vay vốn hay bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, lãi suất gói vay ưu đãi trên được đánh giá vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi.
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp cho phép mở các chỉ tiêu, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại theo hướng phần cho vay mua nhà ở xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.