Tăng chế tài thu giữ tài sản, xử lý 'cục máu đông' nợ xấu

Nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể việc thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý tang vật để khơi thông dòng tín dụng, ngăn rủi ro hệ thống.

Nợ xấu tăng, rào cản lớn của tăng trưởng kinh tế

Tại phiên thảo luận tổ chiều 20/5/2025, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đã có những đánh giá thẳng thắn về áp lực nợ xấu đang đè nặng lên hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu rõ, trong bối cảnh năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, cần tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thì việc khơi thông dòng tín dụng là nhiệm vụ sống còn.

“Nợ xấu ở mức cao, nếu không có cơ chế pháp lý đủ mạnh để xử lý, sẽ kéo theo chi phí hoạt động ngân hàng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giảm lãi suất và hạn chế tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân”, Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nói.

Theo bà, quy định về thu giữ tài sản bảo đảm đã có tiền lệ tại Nghị quyết 42/2017/QH14, nhưng chưa được luật hóa đầy đủ. Dự thảo lần này đã kế thừa, điều chỉnh và hoàn thiện các nội dung của Điều 7 trong Nghị quyết 42, thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc và phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Dung ủng hộ quy định cụ thể về quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong dự thảo luật với các nguyên tắc công khai, minh bạch và có giám sát từ cơ quan chức năng. Bà nhấn mạnh: “Chỉ khi các tổ chức tín dụng có thể thu giữ và xử lý tài sản đúng luật thì mới tạo được luồng vốn xoay vòng, ngăn chặn tình trạng người dân phải tìm đến tín dụng đen, qua đó củng cố lòng tin vào thị trường tài chính.”

Sáng 20/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: VPQH

Sáng 20/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: VPQH

Cần cơ chế cưỡng chế đủ mạnh

Đồng tình với đại biểu Dung, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đi sâu phân tích tính thiết thực và cấp bách của việc luật hóa các quy định xử lý tài sản. Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt lãi suất 0% từ Thủ tướng Chính phủ về Ngân hàng Nhà nước là một bước đi cần thiết để rút ngắn thời gian xử lý, đồng thời tăng trách nhiệm cho cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.

Đại biểu Tiến cũng đặc biệt quan tâm đến quy định tại Điều 198a về thu giữ tài sản bảo đảm. Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, quy định này giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận lại tài sản đã thế chấp, từ đó giải quyết khoản vay nợ xấu. Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Quy định hiện nay chưa có cơ chế cưỡng chế đủ mạnh nếu bên giữ tài sản không chịu giao nộp. Nếu không có biện pháp chế tài đi kèm, quy định dễ rơi vào hình thức”.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần bổ sung các biện pháp xử lý rõ ràng trong trường hợp người đang giữ tài sản bảo đảm không tuân thủ nghĩa vụ bàn giao. “Tổ chức tín dụng chỉ có thể ‘lấy lại máu’ nếu cơ thể luật pháp đủ mạnh để bơm máu trở lại nền kinh tế”, ông ví von.

Ngoài ra, đại biểu Tiến cũng ủng hộ các quy định mới tại Điều 198b về kê biên tài sản và Điều 198c về hoàn trả tài sản bảo đảm trong trường hợp là tang vật, vật chứng của vụ án hoặc vi phạm hành chính. Theo đại biểu Trần Văn Tiến, đây là cơ sở để tổ chức tín dụng thu hồi nợ mà vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy trình pháp lý.

Đề xuất hoàn thiện quy định tránh bỏ sót thực tiễn

Trong khi đó, đại biểu Hà Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) bổ sung thêm nhiều góc nhìn thực tế từ quá trình triển khai Nghị quyết số 42 trong 7 năm qua. Ông cho rằng, việc luật hóa các nội dung như thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên và hoàn trả tài sản đang là yêu cầu cấp thiết, không chỉ đảm bảo tính ổn định pháp lý mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, khi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 được đặt ở mức ít nhất 8%.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Đức Thắng cũng lưu ý một số điểm chưa sát với thực tiễn. Tại khoản 3, Điều 198a, ông đề nghị bổ sung thêm “bên cùng nhận bảo đảm” vào nhóm đối tượng phải được thông báo trước khi thu giữ tài sản, vì trong thực tế, có nhiều trường hợp tài sản bị thế chấp cho nhiều bên nhưng tổ chức tín dụng không nắm rõ.

Đại biểu Hà Đức Thắng cũng đề xuất sửa lại Điều 198c để lược bỏ quy trình yêu cầu của bên nhận bảo đảm, thay vào đó, người ra quyết định tạm giữ tang vật phải chủ động thực hiện hoàn trả sau khi hết thời hạn tạm giữ. “Đây là quyền của bên nhận bảo đảm, không nên để họ phải đi xin lại tài sản của mình”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông kiến nghị cần bổ sung cụm từ “văn phòng đại diện nước ngoài” vào danh sách các tổ chức có quyền nhận tài sản bảo đảm. Đây là chi tiết cần thiết để phù hợp với các quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 và phản ánh thực tế các tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo tờ trình, mục đích ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc xây dựng chính sách phải đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm bằng tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-che-tai-thu-giu-tai-san-xu-ly-cuc-mau-dong-no-xau-388489.html
Zalo