Lừa đảo trên ứng dụng Signal
Ngày 30/12, các chuyên gia an ninh mạng phát đi cảnh báo liên quan đến chiến dịch lừa đảo trên nền tảng nhắn tin, gọi điện miễn phí và được mã hóa 2 chiều - Signal.
Ông Ngô Minh Hiếu, đồng sáng lập dự án Chống lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam (Chongluadao.vn) cho biết, theo báo cáo gần đây từ các nạn nhân cho thấy, một chiến dịch lừa đảo đến từ ứng dụng Signal đang phát triển tại Việt Nam.
Theo đó, một xu hướng rõ rệt là nhiều kẻ lừa đảo đang hoạt động từ các "trại lừa đảo" trong khu vực Đông Nam Á, đang chuyển từ Telegram sang Signal làm nền tảng liên lạc lừa đảo chính.
Cách thức lừa đảo quen thuộc bao gồm: các nền tảng đầu tư tài chính giả mạo, lừa đảo tình cảm, và mạo danh người khác; gửi các đường link chứa mã độc để lừa đảo...
Thậm chí, các đối tượng này cũng thực hiện chiêu thức mạo danh cơ quan nhà nước để chiếm lòng tin nạn nhân hoặc giả làm nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính để yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền...
"Thực tế nhiều nạn nhân tại Việt Nam đã sập bẫy lừa đảo thông qua ứng dụng Signal được ghi nhận", ông Ngô Minh Hiếu thông tin.
Theo đánh giá của chuyên gia, kẻ xấu đang tận dụng ứng dụng nhắn tin bảo mật này để lừa đảo bởi Signal là ứng dụng mã hóa cao, giúp che giấu hành vi của chúng. Đồng thời, chúng dễ dàng tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội này để xây dựng lòng tin trước khi thực hiện hành vi lừa đảo.
Các chuyên gia an ninh mạng của Chongluadao.vn khuyến cáo, người dân cần cảnh giác hơn, không chỉ với một ứng dụng, mà trên tất cả nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí. Cần chậm lại, kiểm tra kỹ danh tính, rà soát cơ hội đầu tư và tuyệt đối không chia sẻ thông tin nhạy cảm trên mạng.
Không chia sẻ thông tin nhạy cảm như mã OTP, mật khẩu hay thông tin tài chính.
Luôn xác thực bất kỳ đường link, tài khoản hoặc tổ chức trước khi hành động.
Nếu nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, tuyệt đối không tiếp tục giao dịch hay đối thoại.