TP. Hồ Chí Minh: Nhiều cơ hội trong giao dịch tín chỉ carbon
TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng lớn để tạo ra và giao dịch tín chỉ carbon, đây cũng là cơ hội và thách thức để Thành phố hướng đến mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.
Theo TS. Trịnh Bảo Sơn - Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, để tạo được tín chỉ carbon, các dự án phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải. Việc đầu tư cho các biện pháp giảm phát thải có thể mang lại những lợi ích về môi trường và biến đổi khí hậu, tuy nhiên, cũng có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong một giai đoạn nhất định. Hài hòa giữa đầu tư giảm phát thải và lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường là một trong các tiêu chí để xác định các hành động ưu tiên nhằm tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực.
Theo đó, Khoản 10 - Điều 5 của Nghị quyết 98 đã mở ra cơ hội lớn cho TP. Hồ Chí Minh. Các điều khoản này không những cho phép Thành phố được hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon mà còn tạo động lực cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, góp phần phát triển Thành phố một cách bền vững.
Theo TS. Trịnh Bảo Sơn, để nhận diện rõ các cơ hội, chúng ta cần đánh giá đúng về tiềm năng tạo tín chỉ carbon và khả năng giao dịch tín chỉ carbon theo cơ chế bù trừ và tự nguyện theo đúng những qui định hiện hành của luật pháp trong nước và quốc tế.
Bên cạnh tiềm năng tạo được tín chỉ carbon từ các dự án được phân tích ở trên, theo TS. Trịnh Bảo Sơn, tiềm năng giao dịch tín chỉ carbon hiện nay theo Thỏa thuận Paris cũng rất lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệm vụ này đang có những thách thức, vướng mắc, khó khăn, tập trung vào 4 nhóm vấn đề. Nhóm cơ sở pháp lý để thúc đẩy sự hình thành tín chỉ carbon vẫn còn thiếu, ví dụ như chưa có cơ sở phân bổ hạn ngạch phát thải cho từng lĩnh vực. Nhóm cơ sở pháp lý để thúc đẩy giao dịch và hình thành thị trường tín chỉ carbon cũng còn thiếu.
Nhóm tài chính, nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh... vẫn còn mới và thiếu để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Nhóm khoa học – công nghệ giảm phát thải thì công nghệ tiên tiến để cải tiến các quy trình công nghiệp nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải vẫn chưa được tiếp cận và chuyển giao.
Nhóm nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực để phát triển dự án, đo đạt, kiểm kê lương phát thải khí nhà kính, đăng ký chứng nhận tín chỉ carbon vẫn còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực để quản lý và vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon cũng hầu như chưa có.
Nhóm về tuyên truyền và giáo dục: nhận thức về tín chỉ carbon và mục tiêu net zero của quốc gia vào năm 2050 của các doanh nghiệp, cơ sở phát thải vẫn còn mơ hồ, chưa nắm vững.
Giải pháp để TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy sự hình thành và giao dịch tín chỉ carbon
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các cơ hội và thách thức của việc hình thành và giao dịch tín chỉ carbon, TS. Trịnh Bảo Sơn - Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh đã nêu một số gợi ý.
Cụ thể, để thúc đẩy sự hình thành tín chỉ carbon và hướng tới mục tiêu Net-zero vào năm 2050, Thành phố cần tập trung các vấn đề như: Ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự hình thành tín chỉ carbon không chỉ từ các dự án đầu tư công mà còn từ các dự án đầu tư tư, tập trung vào các lĩnh vực: Môi trường đô thị và năng lượng, giao thông vận tải, xử lý chất thải rắn, cấp nước và nước thải và rừng.
Ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh từ các quốc gia phát triển theo thỏa thuận tại COP 29 Baku, Azerbaijan. Xây dựng tiêu chí lựa chọn và hỗ trợ các dự án có tiềm năng tạo tín chỉ carbon.
Thực hiện đầu tư công cho một số dự án ưu tiên, đăng ký, chứng nhận tín chỉ carbon cho các dự án này. Tập trung vào các lĩnh vực như: Môi trường đô thị và năng lượng; giao thông công cộng; các quá trình công nghiệp; lâm nghiệp; và nông nghiệp. Tiếp nhận, áp dụng công nghệ mới nhằm giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, phân tách và lưu trữ carbon.
Ngoài ra, để thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon theo trên thị trường carbon tự nguyện nguyên tắc Khoản 2 và 4 Điều 6 của thỏa thực Paris, hướng tới mục tiêu Net-zero vào năm 2050, Thành phố cần tập trung các vấn đề sau: Hoàn thiện khung pháp lý của Thành phố về thị trường tín chỉ carbon để thống nhất với các qui định và khung pháp lý của Trung ương. Hoàn thiện khung pháp lý để tăng cường quản lý giao dịch tín chỉ carbon, đặc biệt là các dự án đầu tư tư khi bán tín chỉ carbon ra các đối tác nước ngoài theo cơ chế hợp tác song phương (Khoản 2 Điều 6 Thỏa thuận Paris) hoặc cơ chế trao đổi, bù trừ (Khoản 4 Điều 6 Thỏa thuận Paris).
Thu thập, lưu trữ và minh bạch cơ sở dữ liệu về nguồn gốc tín chỉ carbon từ các dự án ở TP. Hồ Chí Minh để đối tác nước ngoài có thể tìm hiểu và mua với giá tốt nhất; Học tập kinh nghiệm của các quốc gia đang vận hành thị trường tín chỉ carbon.
Báo cáo phát thải của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) ghi nhận năm 2023 là năm nóng nhất kể từ thời tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đo được vào tháng 9/2023 cao hơn 1,8 độ C so với mức của thời tiền công nghiệp.
Sự gia tăng của nhiệt độ trung bình toàn cầu được cho là do sự gia tăng tổng lượng phát thải khí nhà kính nhân tạo. Tổng lượng phát thải ròng khí nhà kính nhân tạo đã tăng từ 40 Gt CO2e (năm 1990) đến 55 Gt CO2e (năm 2022), trong đó tổng lượng phát thải CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch tăng từ hơn 20 Gt CO2e (năm 1990) đến gần 40 Gt CO2e (năm 2022).