Lợi nhuận ngành cao su năm 2024: Sự phân hóa giữa hai thái cực

Ngành cao su Việt Nam đã trải qua quý 4 năm 2024 với sự phân hóa rõ rệt về lợi nhuận giữa các doanh nghiệp, chủ yếu do biến động của giá mủ cao su trên thị trường.

Nhóm doanh nghiệp khai thác mủ cao su thắng lớn

Trong quý 4/2024, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh mủ cao su ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, thậm chí có trường hợp tăng hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do giá bán mủ cao su duy trì ở mức cao. Theo số liệu tổng hợp, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 14.678 tỷ đồng, tăng hơn 15%, trong khi tổng lợi nhuận sau thuế tăng tới 58%, đạt 2.875 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã đạt mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HOSE: GVR), doanh nghiệp đầu ngành, ghi nhận doanh thu hơn 9.300 tỷ đồng (tăng 23%) và lợi nhuận sau thuế gần 2.000 tỷ đồng (tăng 70%). GVR cho biết kết quả tích cực này có được nhờ giá bán cao su tăng và lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của GVR kể từ năm 2012. Các công ty thành viên như Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) và Cao su Đồng Phú (HOSE: DPR) cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lần lượt là 57% (đạt 233 tỷ đồng) và 25% (đạt 110 tỷ đồng) nhờ giá bán bình quân tăng cao.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã tận dụng đà tăng giá mủ để đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng ở mức ba con số. Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) là một ví dụ điển hình, với lợi nhuận sau thuế tăng vọt 371% so với cùng kỳ, đạt gần 59 tỷ đồng, nhờ giá bán bình quân trong quý 4/2024 tăng mạnh lên khoảng 54 triệu đồng/tấn so với mức 35 triệu đồng/tấn của quý 4/2023. Bên cạnh đó, Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đáng kể, đạt 333% và mang về 102 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh khởi sắc cũng được thể hiện ở Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) khi lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng 154%, đạt 120 tỷ đồng, đồng thời xác lập mức lợi nhuận cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Trong khi các doanh nghiệp khai thác mủ cao su ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, nhóm sản xuất và kinh doanh săm lốp lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm đáng kể. Cụ thể, Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) chứng kiến mức giảm lợi nhuận sau thuế lên tới 83%, chỉ còn hơn 2,1 tỷ đồng. Tương tự, Công nghiệp Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) ghi nhận lợi nhuận giảm 42%, xuống còn khoảng 13 tỷ đồng. Dù duy trì doanh thu trên 1.100 tỷ đồng, Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) cũng không tránh khỏi xu hướng này khi lợi nhuận sau thuế giảm 37%. Cao su Bến Thành (HOSE: BRC) cũng báo cáo lợi nhuận giảm 24%, chỉ đạt 4 tỷ đồng.

Triển vọng năm 2025

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán như Phú Hưng (PHS) và Vietcombank (VCBS), giá cao su năm 2025 dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao do nguồn cung thiếu hụt và ảnh hưởng của hiện tượng La Ninã. Sự phát triển của xe điện cũng thúc đẩy nhu cầu lốp xe chuyên dụng, mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp khai thác mủ cao su như GVR, DPR, PHR, TRC. Biên lợi nhuận gộp của nhóm này được kỳ vọng duy trì ở mức 30-40%, đặc biệt trong nửa đầu năm.

Ngược lại, các doanh nghiệp săm lốp như DRC, CSM có thể tiếp tục đối mặt với áp lực từ giá nguyên liệu tăng. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) không kỳ vọng vào tăng trưởng của thị trường nội địa do cạnh tranh từ sản phẩm Trung Quốc giá rẻ.

Tuy nhiên, Chứng khoán BIDV (BSC) có phần lạc quan hơn khi cho rằng giá cao su có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2025, giúp các doanh nghiệp săm lốp cải thiện biên lợi nhuận. Thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, có thể là cơ hội nhờ vào việc áp thuế chống bán phá giá lên lốp xe từ Thái Lan, trong đó DRC được xem là doanh nghiệp có thể hưởng lợi trực tiếp. Mức độ hưởng lợi sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêu thụ hàng tồn kho của thị trường Mỹ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Yên Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/loi-nhuan-nganh-cao-su-nam-2024-su-phan-hoa-giua-hai-thai-cuc-80798.html
Zalo