Đại gia Nhật bao tiêu 1.500 ha chuối bầu Đức trồng tại Lào

ANA Group, tập đoàn sở hữu hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản, đã ký hợp đồng bao tiêu 1.500 ha chuối của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào.

Thông tin chuối của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai trồng tại Lào được Tập đoàn ANA Group bao tiêu tại thị trường Nhật Bản đang được dư luận quan tâm.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) cho biết ANA Group (Nhật Bản) bắt đầu tìm hiểu và mua chuối của Hoàng Anh Gia Lai từ 4 năm trước với số lượng ban đầu chỉ vài chục container. Sau đó, khi lượng tiêu thụ ngày một tăng, tập đoàn Nhật Bản đã ký hợp đồng bao tiêu chuối của công ty tại cao nguyên Bolaven (Lào) với diện tích 1.500 ha.

Chuối của Hoàng Anh Gia Lai được Ana Foods - công ty con của ANA Group - nhập khẩu và phân phối dưới thương hiệu Amami. Trên website, Ana Foods giới thiệu chuối Amami được trồng ở độ cao hơn 900 m so với mực nước biển, là loại chuối "siêu cao nguyên".

Đơn vị này cũng cho biết sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm tại vùng trồng giúp chuối phát triển chậm hơn, tích lũy nhiều tinh bột hơn, tạo nên vị ngọt đậm và kết cấu mềm mại đặc trưng. Thổ nhưỡng núi lửa màu mỡ cũng góp phần giúp sản phẩm có chất lượng vượt trội, vỏ vàng sáng, dễ bóc, ít dập nát, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật Bản.

Về ANA Group, doanh nghiệp này thành lập năm 1952, hoạt động đa ngành với hơn 41.000 nhân viên toàn cầu. Năm 2023, tập đoàn này đạt doanh thu 209 tỷ yen (1,39 tỷ USD).

Trong khi đó, ANA Foods đạt doanh thu hơn 35 tỷ yen (230 triệu USD) trong năm 2023. Tính đến hết quý I/2024, doanh nghiệp có 163 nhân sự.

 Chuối Amami được ANA Foods giới thiệu là chuối "siêu cao nguyên". Ảnh: ANA Foods.

Chuối Amami được ANA Foods giới thiệu là chuối "siêu cao nguyên". Ảnh: ANA Foods.

Ngoài mảng thực phẩm, ANA Group còn sở hữu hãng hàng không All Nippon Airways, là hãng bay lớn thứ 2 Nhật bản chỉ sau Japan Airlines.

All Nippon Airways đang khai thác khoảng 1.000 chuyến bay mỗi ngày với 171 đường bay đến hơn 80 thành phố của Nhật cũng như quốc tế như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, các nước Tây Âu và Đông Nam Á.

Trao đổi với nhà đầu tư bên lề phiên họp ĐHĐCĐ năm 2020, ông Đoàn Nguyên Đức từng cho biết chuối trồng tại Lào được các khách hàng Nhật ưa chuộng nên khi đi khảo sát, có bao nhiêu đối tác đều đặt hàng hết. Chi tiết về mức giá xuất khẩu sang Nhật không được bầu Đức chia sẻ song ông tiết lộ cao hơn rất nhiều so với chuối xuất vào Trung Quốc. Ngoài ra, mức giá còn được ổn định quanh năm, không bị dao động theo mùa.

"Ban đầu công ty chỉ thử nghiệm nhưng hiện giờ các thị trường khó tính đã chấp nhận. Chúng tôi không cung cấp thông tin gì ra ngoài cho sản phẩm này vì diện tích trồng không nhiều. Song do khách hàng ưa thích nên đã tự quảng bá tại các hệ thống bán lẻ của họ", Bầu Đức cho hay.

Ông Đức cũng nhấn mạnh diện tích trồng trọt ở Bolaven (Lào) là hữu hạn. Nếu nhu cầu của thị trường Nhật Bản cao thì cũng không có thêm để bán.

Hoàng Anh Gia Lai hiện trồng hơn 7.000 ha chuối tại Việt Nam và Lào. Chuối của doanh nghiệp đã có mặt trên kệ hàng của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Năm 2024, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận 5.694 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% so với năm 2023 chủ yếu do mảng chăn nuôi heo lao đốc. Mảng kinh doanh trái cây tiếp tục là trụ cột chính khi mang về 4.132 tỷ đồng cho doanh nghiệp của bầu Đức, tương đương 73%.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/dai-gia-nhat-bao-tieu-1500-ha-chuoi-bau-duc-trong-tai-lao-post1532953.html
Zalo