Lập Sở Giao thông công chánh TP.HCM từ Sở GTVT và Ban ATGT
TP.HCM chính thức giảm 21 sở xuống còn 16 sở, trong đó có 7 sở mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất hoặc tổ chức lại các đơn vị hiện hữu.
Chiều 20/2, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, thành lập 7 sở mới và tinh gọn các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM.

Đại diện 16 sở tại TP.HCM sau khi sắp xếp nhận hoa chúc mừng từ lãnh đạo TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Theo đó, TP.HCM giảm số lượng từ 21 sở xuống còn 16 sở. Trong đó, có 7 sở mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất hoặc tổ chức lại các đơn vị hiện có. Cụ thể gồm:
Sở Tài chính TP.HCM: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và tiếp nhận Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố.
Sở Xây dựng TP.HCM: Hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Sở Giao thông Công chánh TP.HCM: Tổ chức lại từ Sở Giao thông Vận tải, tiếp nhận nhiệm vụ quản lý hạ tầng từ Sở Xây dựng và Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM: Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Hợp nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sở Dân tộc và Tôn giáo TP.HCM: Được thành lập từ việc sáp nhập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc.
Sở Nội vụ TP.HCM: Hợp nhất với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp nhận thêm các chức năng về lao động, tiền lương, việc làm, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới.

Sở Giao thông Công chánh TP.HCM được tổ chức lại từ Sở Giao thông Vận tải và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý hạ tầng từ Sở Xây dựng, Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông.
Bên cạnh đó, một số sở khác được sắp xếp lại nhằm giảm các đầu mối, nâng cao hiệu quả quản lý. Trong đó, Sở Tư pháp TP.HCM chuyển một số nhiệm vụ về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp sang Công an TP.HCM.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tiếp tục duy trì thí điểm theo Nghị quyết 98/2023/QH15, đồng thời tinh gọn tổ chức nội bộ.
Sở Du lịch, Thanh tra TP.HCM được tinh gọn, giảm đầu mối tổ chức.
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM sẽ tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý báo chí, xuất bản từ Sở Thông tin và Truyền thông.
Đối với chức năng của các sở ngành cũng được điều chỉnh. Trong đó, Văn phòng UBND TP.HCM tiếp nhận tổ chức bộ máy của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới và Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững.
Sở Y tế TP.HCM tiếp nhận lĩnh vực quản lý bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM được tổ chức lại, tiếp nhận chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Sở Công Thương TP.HCM tiếp nhận Cục Quản lý thị trường TP.HCM từ Bộ Công thương và Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với Công an TP.HCM, đơn vị sẽ đảm nhận một số nhiệm vụ mới. Bao gồm công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; quản lý, cấp phiếu lý lịch tư pháp từ Sở Tư pháp; công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Sở Giao thông Vận tải; an ninh, an toàn thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông.
Sau khi sắp xếp, UBND TP.HCM có 16 cơ quan chuyên môn trực thuộc, gồm: Sở Tài chính; Sở Nội vụ; Sở Xây dựng; Sở Giao thông Công chánh; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Sở Dân tộc và Tôn giáo; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tư pháp; Sở Công Thương; Sở An toàn thực phẩm; Văn phòng UBND Thành phố; Thanh tra Thành phố.