Đề nghị Quảng Tây (Trung Quốc) mở cửa thị trường cho nông sản chất lượng cao của Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Quảng Tây mở cửa thị trường đối với nông sản chất lượng cao của Việt Nam và có nhu cầu thị trường lớn tại Trung Quốc.
Nông nghiệp - trụ cột hợp tác quan trọng
Theo số liệu từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam đạt 41,6 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam duy trì 26 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Quảng Tây.
Đánh giá cao quan hệ hợp tác kinh tế giữa tỉnh Quảng Tây với Việt Nam, ông Trần Cương - Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) - cho biết, quy mô thương mại với Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khoảng 39,1% tổng kim ngạch ngoại thương của tỉnh Quảng Tây. Trong đó, xuất nhập khẩu trái cây giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc và ASEAN và đây là một trong nhiều mặt hàng, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để hai bên thúc đẩy giao thương.

Tỉnh Quảng Tây đóng vai trò cửa ngõ chính cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Ảnh: Hùng Dương
Làm rõ hơn về dư địa hợp tác giữa hai bên, ông Nguyễn Hữu Quân - Trưởng chi nhánh Thương vụ tại Nam Ninh (Trung Quốc) - nhận định, tỉnh Quảng Tây đóng vai trò cửa ngõ chính cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Trong đó, trái cây chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất nhập khẩu trái cây giữa ASEAN và toàn Trung Quốc. Theo thống kê sơ bộ, cứ 10 quả sầu riêng được bán tại Trung Quốc, có 7 quả được nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây.
Khẳng định không gian hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam với tỉnh Quảng Tây còn rất lớn, mới đây, trang Thương báo quốc tế của Bộ Thương mại Trung Quốc dẫn thông tin từ Báo cáo quốc tế của Bộ này cũng cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa tỉnh Quảng Tây và Việt Nam.
Theo Thương báo quốc tế, là tuyến biên giới mở cửa giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, tỉnh Quảng Tây đã tăng cường trao đổi và hợp tác nông nghiệp với Việt Nam và các nước thành viên trong ASEAN. Hiện nay, tỉnh Quảng Tây đã trở thành kênh và trung tâm phân phối quan trọng cho hoạt động thương mại trái cây giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đáng chú ý, ngoài việc phát triển thương mại nông sản, tỉnh Quảng Tây còn nỗ lực khai thác thêm những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp với Việt Nam như: Thương mại điện tử nông sản, công nghiệp nông nghiệp và trao đổi công nghệ nông nghiệp...
“Tỉnh Quảng Tây khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, cũng thành lập các khu thí điểm mở cửa và hợp tác nông nghiệp tại thành phố Bách Sắc, thành phố Sùng Tả, thành phố Bằng Tường, thành phố Phòng Thành Cảng và thành phố Đông Hưng ở tỉnh Quảng Tây; khuyến khích doanh nghiệp hai bên hợp tác xây dựng các dự án thí điểm trang trại thông minh tại các vùng biên giới để thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ chuỗi công nghiệp nông nghiệp hiện đại” - trang Thương báo quốc tế đưa tin và cho biết thêm, tính đến cuối năm 2024, đã có 18 doanh nghiệp nông nghiệp tại Quảng Tây đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa nông sản
Trong hội đàm với Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) Trần Cương diễn ra sáng 19/2 tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhiều lần nhắc đến hợp tác thương mại nông sản giữa Việt Nam với tỉnh Quảng Tây.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tỉnh Quảng Tây thúc đẩy mở cửa thị trường đối với các loại nông sản chất lượng cao của Việt Nam
Trên tinh thần nhận thức thống nhất, hành động quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, tỉnh Quảng Tây và Việt Nam cùng nhau phối hợp, thúc đẩy quy mô thương mại, trong đó ưu tiên việc duy trì ổn định chuỗi cung ứng, phân luồng hàng hóa giữa các cặp cửa khẩu biên giới, nhất là đối với hàng nông, thủy sản.
Song song với đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Tây thúc đẩy mở cửa thị trường đối với các loại nông sản chất lượng cao của Việt Nam và có nhu cầu thị trường cao tại Trung Quốc như bơ, na, roi...
“Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa nên trái cây Việt Nam mang hương vị đặc trưng. Nếu hai bên tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, không những người tiêu dùng Trung Quốc có cơ hội tiếp cận những sản phẩm hoa quả chất lượng từ Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin và cho rằng, việc thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây còn hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô và từng bước cân bằng cán cân thương mại Việt - Trung.
Cùng đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào tỉnh Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung, Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh lưu ý, công tác xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, xây dựng “chữ tín” trong kinh doanh cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cam kết bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với địa phương sở tại, phát huy vai trò cầu nối đưa hàng nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, khẳng định vị thế bền vững trên thị trường quốc tế.
Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam đạt 41,6 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Quảng Tây chiếm trên 95% tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc.